Sức khỏe

Những bệnh dễ mắc không nên coi thường khi thời tiết chuyển rét đậm rét hại

Khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe của mỗi người nhất là đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Theo tờ Sức khỏe và Đời sống đăng tải, vào mùa đông thời tiết lạnh buốt, đối với những người lao động chân tay mà phải làm việc ngoài trời rất dễ bị tê cóng. Tê cóng xảy ra khi da và các mô bên dưới da “đóng băng” khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và nhiều gió. Tình trạng tê cóng quá nghiêm trọng có thể dẫn tới da bị phồng rộp hoặc chuyển màu đen do hoại tử các mô bên trong.

Để phòng tê cóng, cần mặc phù hợp với thời tiết, trang bị đầy đủ áo khoác, găng tay, mũ, tất ấm khi ra ngoài. Nên lựa chọn các loại áo khoác, găng tay, mũ... làm từ vật liệu chống thấm ướt, phù hợp với thời tiết mùa đông lạnh, ẩm ướt và nhiều gió.

Những bệnh dễ mắc không nên coi thường khi thời tiết chuyển rét đậm rét hại  - Ảnh 1.

Khi thời tiết chuyển rét đậm rét hại sẽ làm cơ thể suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo cơ hội cho các bệnh. Ảnh: Giao Thông

Với thời tiết rét đậm rét hại, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt, người già, trẻ em và người gầy là những người rất dễ có nguy cơ. Một số tình trạng khác khiến người ta dễ bị hạ thân nhiệt là suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch và thiểu năng tuyến giáp.

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: run lẩy bẩy, nói lắp bắp, nhịp thở chậm bất thường. Da lạnh, xám, mất phối hợp động tác, mệt mỏi, bơ phờ hoặc thờ ơ,... Các triệu chứng thường diễn biến chậm. Người bị hạ thân nhiệt thường bị mất dần ý thức và năng lực thể chất, do đó có thể không ý thức được sự cần thiết phải điều trị cấp cứu. Nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nạn nhân không biết, chỉ tới khi mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, rùng mình thành đợt, da tái xanh, đồng tử giãn và mất tỉnh táo là đã mất ý thức.Do đó khi trời lạnh thấy ai đó run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám,... nên giúp họ quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại.

Không nên chườm nóng trực tiếp. Không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm nạn nhân. Thay vào đó, hãy đặt gạc ấm lên cổ, lồng ngực và háng của bệnh nhân. Không cố làm ấm tay và chân. Làm nóng tay và chân thúc đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não, gây hạ thân nhiệt trung tâm. Điều này có thể gây tử vong. Không cho người bệnh uống rượu, hãy cho người bệnh uống nước ấm không có cồn, trừ khi người bệnh bị nôn. Không xoa bóp hoặc chà xát người bệnh. Các động tác với người bị hạ thân nhiệt phải nhẹ nhàng vì bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim.

Trời lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ , tai biến... tăng cao hơn so các mùa khác. Đột quỵ là tình trạng suy giảm chức năng của não một cách đột ngột, vùng não bị ảnh hưởng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết dẫn đến bị tổn thương. Thực tế, không ít người bị đột quỵ lúc sáng sớm 4-5 giờ sáng, vì dậy đi vệ sinh, gặp gió lạnh dẫn đến tai biến. Trong trường hợp này, nhiều người tưởng mình bị cảm, gọi người nhà đánh gió sẽ rất nguy hiểm bởi việc cạo gió, uống nước đường, nước gừng giải cảm sẽ càng khiến cho việc chảy máu nặng thêm.

Thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định đến sự sống chết của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bị đột quỵ nhẹ có thể để lại các di chứng như chân tay run rẩy, đi lại khó khăn; nặng thì nằm liệt hoặc tử vong.

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách: để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc  đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ; đồng thời, cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng tiến triển nặng, đặc biệt là tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ.

Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, người già cần chú ý uống đủ nước dù trời lạnh, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch... Mặt khác, người cao tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết, giữ gìn sức khỏe; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh…

 (T/h)

aFamily

thời tiết, trời rét, các bệnh thường gặp, rét đậm


      © 2021 FAP
        1,121,517       168