Sức khỏe

Ghi nhận những ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 8/1 đến 14/1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 7 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp dương tính với sởi.

Đây cũng là 3 trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong công tác phòng dịch bệnh mùa đông - xuân năm 2018, thành phố đặt mục tiêu không để dịch bệnh sởi bùng phát như dịch sốt xuất huyết trong năm 2017.

Để đạt mục tiêu này, cần phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Hiện nay, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, đồng thời tổ chức tốt việc tiêm chủng thường xuyên theo quy định.

Ghi nhận những ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018 - Ảnh 1.

Nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân (Ảnh: MT)

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi rút gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.

Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé bị sởi, kèm theo ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.

Ngoài ra, biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan. Biến chứng càng nặng nề khi trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thể trạng yếu.

Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Ghi nhận những ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018 - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất.

Không chỉ có sởi, trong 2 tuần qua, hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm tại Bệnh viện Nhi trung ương. Đáng lưu ý, trong đó gần 100 cháu phải nhập viện điều trị. Các chuyên gia cảnh báo, thời điểm mùa đông xuân hiện đang rất thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết các triệu chứng điển hình khi mắc cúm gồm: sốt cao liên tục, không đáp ứng nhiều với thuốc hạ sốt kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, một số có biểu hiện viêm phế quản.

Đối với trẻ khỏe mạnh bình thường cũng có những vi khuẩn cư trú ở hầu họng. Khi mắc cúm niêm mạc đường hô hấp ít nhiều có tổn thương. Nếu chúng ta chăm sóc không cẩn thận, không sạch sẽ thì có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể trẻ, gây bệnh.

Thời tiết đông xuân tiềm ẩn nhiều dịch bệnh trong đó có cúm mùa, khi mắc cúm mùa thông thường trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày,. Tuy nhiên có những trẻ có nguy cơ, cơ địa suy giảm miễn dịch, bị hen phế quản, viêm phế quản co thắt thì nên tiêm cúm cho trẻ để đảm bảo trẻ đỡ mắc bệnh trong mùa này. Việc tiêm phòng sẽ có tác dụng khoảng 1-2 năm.

aFamily

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, dịch bệnh sởi năm 2018, bệnh sởi, vắc xin sởi


      © 2021 FAP
        1,134,331       213