Sức khỏe

Vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh ung thư cực kì nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao

Các nhà khoa học khẳng định đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy vi khuẩn có thể lây từ miệng sang các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến bệnh ung thư.

Các vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là một trong những tác nhân gây ra ung thư tuyến tụy. Các nhà khoa học khẳng định đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy vi khuẩn có thể lây từ miệng sang các bộ phận khác của cơ thể và gây ra khối u.

Vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh ung thư cực kì nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao - Ảnh 1.

Các vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là một trong những tác nhân gây ra ung thư tuyến tụy.

Một loạt các nghiên cứu trong những năm gần đây đã liên tục chỉ ra một liên kết chặt chẽ giữa các bệnh có thể tránh được và ung thư vú. Một số nghiên cứu khoa học khác cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, túi mật và họng, cũng như các khối u hắc tố. Mới đây, các nhà nghiên cứu Phần Lan đã đưa ra kết luận rằng các vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh ung thư tuyến tụy. Kết luận này đã làm gia tăng số lượng các loại ung thư hiện nay liên quan đến bệnh nướu răng.

Cuộc nghiên cứu do giáo sư Timo Sorsa dẫn đầu và được xuất bản trong Tạp chí Quốc tế về Ung thư.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Helsinki, Phần Lan, đã sử dụng dữ liệu từ 70.000 người trưởng thành để đưa ra những phát hiện của họ. Họ tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa bệnh viêm nha chu và tỉ lệ tử vong do ung thư, với mối liên hệ lớn nhất được ghi nhận với dạng tụy.

Viêm nha chu là giai đoạn cuối cùng của bệnh nướu răng và là bệnh có thể ngăn ngừa sớm bằng cách loại bỏ mảng bám. Nó có thể dẫn đến mất răng.

Giáo sư Sorsa cho biết: "Nghiên cứu này lần đầu tiên đã chứng minh được rằng các vi khuẩn gây bệnh nằm bên dưới bệnh nướu răng có thể lan ra từ miệng đến các bộ phận khác của cơ thể". Theo ông, điều này có thể hủy hoại các mô liên quan đến ung thư.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí Ung thư Anh cũng phát hiện ra rằng: Vi khuẩn gây viêm nha chu, được gọi là Treponema denticola, có thể có ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu lưu ý đến việc làm thế nào mà một enzyme từ các vi khuẩn này có thể nhân lên cũng như tồn tại ở khối u ác tính của đường tiêu hóa. Enzyme này có khả năng giúp các tế bào ung thư xâm nhập mô khỏe mạnh và lan truyền khắp cơ thể, dẫn đến tử vong.

Nó cũng làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cản trở quá trình tìm và diệt các tế bào ung thư trong cơ thể.

Vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh ung thư cực kì nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao - Ảnh 2.

Vi khuẩn gây viêm nha chu, được gọi là Treponema denticola, có thể có ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh ung thư.

Ung thư tụy - bệnh ung thư có tỉ lệ sống sót thấp

Có khoảng 10.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy mỗi năm tại Anh, nhưng con số này cao gấp 5 lần ở Mỹ.

Các bác sĩ đặt cho căn bệnh này cái tên là "sói đội lốt cừu" bởi vì các triệu chứng của nó chủ yếu là đau lưng, vàng da và sụt cân, rất dễ bị nhầm lẫn với chứng khó tiêu, trào ngược axit hoặc đau lưng. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ khiến nhiều người chỉ đi khám khi họ bị đau lưng hoặc bất ngờ giảm cân.

Nếu ung thư tuyến tụy được phát hiện sớm để phẫu thuật, cơ hội sống thêm 5 năm sẽ là 25%. Nhưng nếu nó đã lan tới các mô gần đó, nhiều người không vượt qua được mốc 6 tháng, ở giai đoạn nặng, có khi người bệnh chỉ sống được 2 tháng.

Leanne Reynolds, người đứng đầu nghiên cứu ung thư tuyến tụy nói: "Ít hơn 7% những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy sẽ sống sau 5 năm và chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ về nguyên nhân gây ra bệnh này trong khi đây là điều này cực kỳ quan trọng".

"Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu lớn được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư đã xác định được mối liên quan tiềm ẩn với bệnh viêm nha chu, chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng đó là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy bởi vì chúng tôi không biết liệu người tham gia có hút thuốc hay không. Theo ước tính, gần 1/3 trường hợp ung thư tuyến tụy là do hút thuốc", ông nói thêm.

Vi khuẩn gây viêm nha chu có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh ung thư cực kì nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao - Ảnh 3.

Viêm nha chu là giai đoạn cuối cùng của bệnh nướu răng và là bệnh có thể ngăn ngừa sớm bằng cách loại bỏ mảng bám.

Từ khi còn nhỏ, chúng tôi được khuyên phải đánh răng 2 lần mỗi ngày để bảo vệ răng, giảm nguy cơ sâu răng. Tuy nhiên, nghiên cứu vào tháng 4 năm 2016 của Hiệp hội ung thư Mỹ có mối liên quan giữa bệnh nha chu và bệnh ung thư tuyến tụy đã gợi ý rằng làm sạch răng chính xác cũng có thể giúp ngăn ngừa một dạng ung thư đặc biệt nguy hiểm - ung thư tuyến tụy.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ung thư tụy - một trong những căn bệnh chết người nhất - có liên quan đến hai loại vi khuẩn cũng gây ra bệnh nướu răng.

Tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng giữa dạ dày và cột sống, và một phần nhỏ nằm ở đường cong của ruột non. Nó hoạt động như một tuyến nội tiết có vai trò trong việc chuyển đổi các thực phẩm chúng ta ăn thành nhiên liệu cho các tế bào của cơ thể. Nó cũng có đóng góp trong việc tiêu hóa thức ăn, điều khiển lượng đường trong máu.

Các khối u của tuyến tụy hiếm khi sờ thấy, đó là lý do tại sao hầu hết các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy không xuất hiện cho đến khi khối u đã phát triển lớn và ảnh hưởng đến chức năng tuyến tụy. Hầu hết các trường hợp phát hiện ra ung thư tuyến tụy thì bệnh đã ở giai đoạn di căn, lan ra các cơ quan như dạ dày, gan, hoặc túi mật.

Các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy bao gồm: Đau bụng trên lan ra sau lưng; vàng da hoặc vàng mắt; giảm sự thèm ăn và giảm cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi; khó khăn về tiêu hóa; buồn nôn.

Yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy bao gồm: Hút thuốc lá; Tuổi tác; Mắc các bệnh như viêm tụy mãn tính, bệnh tiểu đường, béo phì; chế độ ăn nhiều thịt, giàu cholesterol, các loại thực phẩm chiên rán…

Nguồn: DailyMail

aFamily

bệnh nha chu, viêm nha chu, ung thư tuyến tụy, Bệnh ung thư, bệnh nguy hiểm


      © 2021 FAP
        1,134,656       148