Sức khỏe

Chuyên gia giải mã thứ nước "thần thánh" được suy tôn trị ung thư, đau dạ dày, loãng xương

"Nếu uống nước ion kiềm mà phòng chống được ung thư, thì mấy ông bà bác sĩ chuyên khoa ung thư đã "vồ" lấy ngay rồi..." - chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành nói.

PV: Tôi thấy nhiều trang mạng quảng cáo uống nước ion kiềm trị được ung thư, có cả hot facebooker review về máy lọc làm ra loại nước này nên nhiều người đua nhau mua về dùng mà giá quả thật không hề rẻ. Những quảng cáo về nước ion kiềm chữa ung thư có đúng không, thưa ông? Đây là thứ nước gì mà có tác dụng "thần thánh" như vậy?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Quảng cáo còn bốc uống nước ion kiềm trị được đủ thứ bệnh, chứ chẳng riêng gì ung thư đâu, nào là trị đau bao tử, tiêu chảy mãn tính, giải độc cơ thể, chống lão hóa, và ồn ào nhất là chống loãng xương.

PV: Vâng, nhưng ông vẫn chưa trả lời nước uống ion kiềm là gì? Tôi hiểu nó một cách đơn giản là nước uống có tính… kiềm và có thêm… ion thì có đúng không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nước có tính kiềm ngược lại với nước có tính… acid. Người ta đo tính kiềm hay acid bằng độ pH.

Dung dịch có pH dưới 7 thì có tính acid, trên 7 có tính kiềm. Càng lớn hơn 7 thì tính kiềm càng mạnh. Càng nhỏ hơn 7 thì tính acid càng lớn. Giấm ăn, nước chanh, nước cam, nước bưởi,…có tính acid. Bột nổi, nước tro tàu mua ngoài chợ có tính kiềm.

Nếu nước có pH = 7 thì xem như trung tính.

PV: Vậy nước đun lọc đun sôi mà chúng ta uống hàng ngày thì là nước có tính kiềm, acid hay là trung tính?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nước siêu tinh khiết có pH = 7, nên là nước trung tính. Nước này không dẫn điện.

Nhưng nước trong đời thường không thuộc loại siêu. Nước thủy cục chẳng hạn, lấy từ nước sông, suối, nước ngầm thường lẫn nhiều loại tạp, trong đó có lẫn nhiều loại khoáng ở dạng ion, làm nước không còn trung tính nữa, mà có tính kiềm nhẹ. Nước mà chúng ta uống hàng ngày được lọc từ những nguồn nước này, do đó có tính kiềm nhẹ, rất nhẹ.

Lẫn chất khoáng, thì có lẫn ion đấy. Nếu thích, bạn cứ gọi là nước uống ở nhà là nước… ion cũng được. Nước có ion là nước dẫn điện đấy. Cẩn thận khi đun nấu.

Tuy nhiên, nước giếng nhiều nơi lại có tính acid do đặc điểm mà nguồn nước chảy qua

Nước mưa có tính acid nhẹ, là do khi mưa rơi, hòa tan khí carbonic trong không khí, tạo thành acid carbonic tan trong nước.

Chuyên gia giải mã thứ nước thần thánh được suy tôn trị ung thư, đau dạ dày, loãng xương - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

PV: Tôi nghe nói, việc ăn uống hàng ngày khiến cho cơ thể bị nhiễm acid. Vì thế phải uống nước ion kiềm vào để kiềm hoá cơ thể, cân bằng môi trường pH cho máu, cho tế bào gì gì đó phòng chống ung thư. Thông tin này là tôi lấy ở một trang web xưng danh "viện ung thư" chứ không phải đọc lung tung trên mạng đâu ạ.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, có loại có tính acid, có loại có tính kiềm. Ngay sau khi ăn, pH của máu có thể thay đổi chút đỉnh, nhưng sau đó sẽ tự điều chỉnh ngay.

Tương tự như khi bạn đồ ngọt, cơm gạo bánh mì thì lượng đường glucose trong máu tăng, sau đó sẽ tự điều chỉnh mức glucose trở lại bình thường. Thử đường máu, hay lipid máu phải thử lúc đói là vậy.

pH của máu phải ở mức cố định, chỉ được phép dao động ở phạm vi rất hẹp, nghiêm ngặt hơn nhiều so với độ lên xuống của cả đường máu và mỡ máu.

Máu có tính kiềm rất, rất nhẹ. Bất cứ dao động nào của pH máu, lên hay xuống dù một chút cũng phải được điều chỉnh ngay, nếu không sức khỏe sẽ có nguy cơ. Thận là một trong những cơ quan thực hiện việc điều chỉnh này. Đó là chưa kể trong máu còn có sẵn hệ đệm (buffering) để điều chỉnh pH ngay tức thời.

Do đó không có chuyện uống nước ion kiềm thì máu sẽ kiềm, tế bào sẽ kiềm, mô sẽ kiềm để phòng chống bệnh.

Còn trang web xưng danh "viện ung thư" mà bạn đề cập là hàng… dỏm. Cơ sở đó lạm dụng chữ "viện ung thư" để kinh doanh, chứ chẳng phải là cơ quan nghiên cứu gì cả. Các bài viết trong đó không có giá trị khoa học.

Các vị bác sĩ của bệnh viện K, ung bướu nên lên tiếng cảnh báo, chứ để một cơ sở kinh doanh lợi dụng chữ "viện ung thư" để múa máy làm ăn thế này thì khó coi quá.

PV: Có trang web còn dẫn lời ông tiến sĩ Nhật nào đó nói, các tế bào ung thư có tính axit, trong khi các tế bào khỏe mạnh có tính kiềm, nên phải uống nước ion kiềm để kiềm hóa cơ thể, phòng chống ung thư. Điều này có đúng không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các mô ở khối u có tính acid hơn các mô khác thì điều này có thể đúng, vì tế bào ung thư tăng sinh rất nhanh và hỗn loạn…, nhưng không đủ oxy để "thở", nên phải thích nghi chuyển một phần tế bào sang hô hấp kỵ khí. Quá trình hô hấp này phát sinh acid lactic, nên mô ở khối u có tính acid hơn.

Nhưng đây là hậu quả do ung thư gây ra, chứ không phải mô có tính acid gây ra ung thư. Dạ dày có tính acid, da có tính acid…, không có nghĩa là dạ dày và da dễ bị ung thư.

Do đó có kiềm hóa cơ thể hay không cũng chẳng liên quan gì đến rủi ro gây ra ung thư, hay làm khối u không tăng trưởng nữa.

Nếu uống nước ion kiềm mà phòng chống được ung thư, thì mấy ông bà bác sĩ chuyên khoa ung thư đã "vồ" lấy ngay rồi. Họ đang vất vả với nhiều bệnh nhân thập tử nhất sanh của họ mỗi ngày mà.

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào xác nhận nước ion kiềm có thể làm giảm rủi ro ung thư hay chữa được ung thư. Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) không đưa ra khuyến cáo nên sử dụng nước uống loại này.

Chuyên gia giải mã thứ nước thần thánh được suy tôn trị ung thư, đau dạ dày, loãng xương - Ảnh 2.

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào xác nhận nước ion kiềm có thể làm giảm rủi ro ung thư hay chữa được ung thư.

PV: Vâng, thế còn thông tin về nước ion kiềm phòng chống loãng xương thì sao, thưa ông? Ban nãy ông cũng nói đây là thông tin gây ồn ào nhất, nhưng về độ chính xác của thông tin thì sao? Có thật nước ion kiềm phòng chống được bệnh loãng xương không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ồn ào thì có thật, nhưng phòng chống được loãng xương thì không.

Ồn ào là vì họ dựa vào một nghiên cứu đăng trên tạp chí Xương (Bone) cho rằng, uống nước khoáng kiềm Calci làm giảm tốc độ tái hấp thu xương hơn là uống nước khoáng calci có tính acid (1).

Tái hấp thu xương là quá trình xảy ra liên tục trong cơ thể, khi xương cũ bị phá đi, nghĩa là bị rút chất khoáng, rồi được thay bằng xương mới. Nếu quá trình tái hấp thu tăng, nghĩa là tốc độ phá xương nhanh hơn tốc độ thay thế, sẽ dẫn đến loãng xương. Giảm tốc độ hấp thu xương thì hạn chế được loãng xương.

Nghiên cứu này thực hiện trên 30 phụ nữ, số người quá ít để đánh giá.

Một nghiên cứu khác về nước ion kiềm và loãng xương, có tính quy mô và hệ thống hơn, đăng trên tờ Nutrition Journal, đi tới kết luận: tính acid từ thực phẩm không gây ra loãng xương, và đồ ăn thức uống có tính kiềm, hay thực phẩm chức năng có tính kiềm cũng không phòng ngừa được bệnh loãng xương (2).

PV: Tôi tham gia nhiều diễn đàn thấy nhiều người truyền nhau bảng thực phẩm có tính kiềm và khuyên nên dựa vào đấy để ăn. Các trang web ion kiềm cũng khuyên nên ăn thực phẩm có tính kiềm như rau xanh, trái cây, cá, các thực phẩm tươi sống, và uống nước ion kiềm, hạn chế ăn thịt đỏ. Tôi thấy họ nói cũng có lý…

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi không hiểu cách thức phân chia thực phẩm theo tính acid hay kiềm của họ.

Rau xanh và trái cây đa số có tính acid là điều thấy rõ.

Thịt cá cũng có tính acid, pH khoảng 5,5. Sau khi con vật bị giết mổ, tính acid của thịt còn cao hơn nữa cho đến khi miếng thịt bị bèo nhèo do mất nước, mà giới chuyên môn gọi là pH của protein thịt đi tới điểm đẳng điện, pH khoảng 4,5.

Mà dù thực phẩm có tính acid hay kiềm gì ở đây cũng chẳng liên quan gì đến phòng chống bệnh cả. Khi bị cảm cúm, bác sĩ khuyên bạn nên uống nước chanh, nước cam, hay ăn trái cây có nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C là acid ascorbic.

Khoa học vẫn khuyên nên ăn nhiều rau quả, vì những chất dinh dưỡng có trong đó, chứ không phải vì rau quả có tính… kiềm.

Tuy nhiên, có một trường hợp đáng chú ý, đó là nước kiềm pH 8 có thể ngăn chặn hoạt động enzyme liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày (acid reflux), là bệnh mà các chất dịch trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Nghiên cứu này mới chỉ thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm hơn là trên người.

PV: Sau cùng thì theo ông có nên uống nước ion kiềm để phòng bệnh không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cần phải nói ngay rằng, chữa trị ung thư là chạy đua với thời gian, không phải chuyện giỡn chơi để tốn thời gian với nước uống ion kiềm. Nếu bị bệnh, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ điều trị, kể cả tuân thủ việc ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.

Ngay cả bệnh trào ngược dạ dày, cũng nên đến bác sĩ để được điều trị, chứ không phải tự chẩn đoán, rồi uống nước ion kiềm.

Nước ion kiềm, thực chất không chỉ có từ máy lọc nước uống ion kiềm, hay những chai nước ion kiềm quảng cáo công hiệu ầm ĩ.

Nước khoáng thiên nhiên là một loại nước kiềm ion, có mức kiềm nhẹ, và cũng chứa những khoáng có lợi.

Mà cũng không phải khoáng nhiều hay ion nhiều là có lợi, nhất là với những người có bệnh thận. Mức khoáng nhiều hay ít tùy loại chai có ghi trên nhãn qua chỉ số TDS (tổng chất rắn hòa tan).

Nếu nước khoáng có TDS trên mức 500 ppm nên có ý kiến bác sĩ nếu uống thường xuyên.

Cơ thể con người là bộ máy điện giải. Thực phẩm lành mạnh rau, củ quả, hay thịt cá cung cấp dồi dào các khoáng calci, sodium, potassium, sắt, kẽm… Và cơ thể có thể tự điều chỉnh thích nghi.

Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ nước kiềm ion đem lại lợi ích cho sức khỏe. Bạn phải chọn lựa, giữa y học hiện đại, và những quảng cáo, lập luận đánh lận, để bán máy lọc nước ion kiềm điều trị bá bệnh.

-------

Ghi chú:

(1) Alkaline mineral water lowers bone resorption even in calcium sufficiency http://www.thebonejournal.com/article/S8756-3282%2808%2900781-3/abstract

(2) https://nutritionj.biomedcentral.com/articles/10.1186/1475-2891-10-41Causal assessment of dietary acid load and bone disease: a systematic review & meta-analysis applying Hill’s epidemiologic criteria for causality

aFamily

trị ung thư, đau dạ dày, bác sĩ chuyên khoa


      © 2021 FAP
        1,134,893       420