Sức khỏe

Ba điều ai cũng cần ghi nhớ để tránh bị cho uống nhầm thuốc

Sử dụng nhầm thuốc là một tai nạn y khoa không ai mong muốn. Những góp ý từ thực tế nhiều năm hành nghề của tôi hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn.

Ví dụ về 2 vụ nhầm thuốc điển hình

Gần đây tôi được chứng kiến hai vụ nhầm thuốc. Vụ thứ nhất tại Bệnh viện Quảng Ngãi: Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc dưỡng thai thì điều dưỡng viên cho nhầm thuốc phá thai. Trường hợp này là nhầm thuốc có tác dụng đối nghịch nhau. Hậu quả ai cũng rõ, báo chí đưa tin rất nhiều rồi, xin không nhắc lại nữa.

Vụ thứ hai tại một phòng khám tư của bác sĩ tại một thành phố lớn, với người liên quan là bạn tôi. Cháu bé 3 tuổi đến khám được chẩn đoán viêm họng, bác sĩ kê đơn: kháng sinh (Azithromycin), thuốc lỏng đờm (Ambroxol), thuốc giãn phế quản (Salbutamol - do có khò khè, khó thở) và Vitamin C để tăng sức đề kháng.

Về tổng thể đây có thể coi là một đơn thuốc khá hoàn chỉnh cho trẻ viêm họng. Thế nhưng vấn đề là liều dùng. Vị bác sĩ đã nhầm nghiêm trọng khi kê: Salbutamol 2mg. Uống, sáng 3 viên, chiều 3 viên, tối 3 viên. Mà đáng ra liều của trẻ 3 tuổi chỉ là 1 viên một lần, ngày 3 lần. Đơn thuốc đã cho liều tăng lên gấp 3.

Rất may chưa xảy ra tai biến nghiêm trọng, bởi cháu bé sau khi uống 1 lần, có biểu hiện khác thường (nôn) thì mẹ cháu xem lại đơn, đi kiểm tra và phát hiện kịp thời.

Tôi chỉ nêu hai ví dụ điển hình cho sự nhầm thuốc.

Ba điều ai cũng cần ghi nhớ để tránh bị cho uống nhầm thuốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nhầm lẫn do đâu?

Còn thực ra, với hàng ngàn loại thuốc đang sử dụng trong ngành y tế nước ta thì nguy cơ xảy ra nhầm thuốc là rất lớn nếu chỉ một lần nhãng ý đi. Thế cho nên nhân lực ngành y tế luôn được đào tạo rất kỹ lưỡng và đặc biệt coi trọng việc thực hành.

Từ lâu, rất lâu, ngành y tế toàn thế giới đã ban hành những quy trình cực kỳ nghiêm ngặt về bảo quản, cấp phát, sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế.

Thông thường một bệnh nhân nhập viện, bác sĩ thăm khám xong sẽ cho y lệnh. Các điều dưỡng viên sẽ lên khoa dược lĩnh thuốc theo y lệnh đó. Tại đây các dược sĩ thủ kho phải thực hiện "Ba kiểm tra, ba đối chiếu" (Ba kiểm tra: Thể thức đơn phiếu- nhãn thuốc- chất lượng thuốc. Ba đối chiếu: Tên thuốc - Nồng độ hàm lượng - số lượng số khoản) tất cả đúng rồi mới cấp phát thuốc.

Điều dưỡng viên mang thuốc về khoa phòng điều trị, trước khi phát cho bệnh nhân phải thực hiện "Ba kiểm tra, năm đối chiếu" (Ba kiểm tra: Tên người bệnh- tên thuốc- liều dùng. Năm đối chiếu: Số giường - nhãn thuốc - đường dùng - chất lượng thuốc - thời gian dùng thuốc). Thấy không có gì sai sót mới đưa thuốc hoặc tiêm, đặt... cho bệnh nhân.

Như vậy nếu thực hiện đúng mọi thao tác của quy trình chuẩn thì sẽ không thể có chuyện nhầm lẫn. Nhưng rồi nhầm lẫn vẫn cứ xảy ra!

Và cũng không có câu giải thích nào chấp nhận được cho trường hợp ở bệnh viện Quảng Ngãi. Tại sao thuốc điều trị cho bệnh nhân lại lấy ở tủ cấp cứu? Tủ cấp cứu chỉ để thuốc cấp cứu cho các trường hợp shock, tai biến, khẩn cấp.

Không được lưu trữ thuốc điều trị thường quy tại đó. Đây là nguyên tắc. Cơ sở này đã bỏ qua một loạt quy trình nghề nghiệp và nguyên tắc dùng thuốc nên mới dẫn đến thảm họa! Điều này phải kiểm điểm kỹ, tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai sót để rút kinh nghiệm chung.

Còn trường hợp tại phòng khám thì sao?

Thông thường bác sĩ không thể nhớ hết liều dùng của hàng trăm hàng ngàn loại thuốc mà phải dựa vào tài liệu. Đây cũng là quy định bắt buộc.

Với ngành Y - Dược, cấm làm việc theo trí nhớ. Có thể vị bác sĩ kê đơn cho em bé 3 tuổi định kê Salbutamol 2mg ngày 3 lần, mỗi lần một viên... Nhưng nhớ lộn thành ngày 3 lần mỗi lần 3 viên!

Ba điều ai cũng cần ghi nhớ để tránh bị cho uống nhầm thuốc - Ảnh 2.

Dược sĩ Trần Thanh Cảnh

Lỗi còn ở cả người trực tiếp bán đơn thuốc này nữa! Không kiểm tra đơn, cứ thế bán ra. Vai trò kiểm tra và tư vấn hướng dẫn của dược sĩ đã bị bỏ qua!

Xin nhắc lại, nếu chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về chuyên môn, thực hiện đúng các quy trình thao tác nghiệp vụ thì hầu như sẽ loại bỏ được hết những trường hợp nhầm lẫn như vậy.

Ngoài ra, với thân nhân người bệnh, có cách nào để chủ động hạn chế và chống lại những sai sót, nhầm lẫn đó không?

Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một số việc cần làm và cũng là trong tầm tay chúng ta như sau:

1. Thứ nhất, ta nên cập nhật những kiến thức phổ thông về y - dược. Đặc biệt trường hợp bản thân hoặc người nhà bị một căn bệnh nào đó, ta nên tìm hiểu về nó. Không phải để tự chữa mà để giám sát ngược lại các thày thuốc có khi bị đãng trí. Hơn lúc nào hết câu, "Kiến thức là sức mạnh" được thể hiện rất rõ trong những trường hợp này.

2. Nên có một bác sĩ, hoặc dược sĩ gần nhà để tham khảo trong những trường hợp cần thiết. Ở các nước tiên tiến hiện nay, khái niệm bác sĩ, phòng khám gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà rất phổ biến.

Việt Nam chưa làm được thì chúng ta hãy tự "tạo ra" một thầy thuốc gia đình cho mình. Tôi tin chắc không có bác sĩ hay dược sĩ gần nhà lại từ chối tư vấn cho các bạn.

3. Khi dùng bất cứ loại thuốc nào, nếu thấy cơ thể có những phản ứng khác lạ như sốt, nôn, lạnh, tim đập nhanh..., hãy dừng ngay và hỏi thầy thuốc. "Hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn". Câu kèm theo ở tất cả các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thiết tưởng nhắc lại không thừa.

Sử dụng thuốc nhầm là một tai nạn y khoa không ai mong muốn. Những góp ý từ thực tế nhiều năm hành nghề của tôi hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn.

aFamily

uống nhầm thuốc, bác sĩ chỉ định, thuốc phá thai


      © 2021 FAP
        1,035,282       837