Sức khỏe

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì hay không?

Nhiều gia đình có các thành viên sở hữu cằm đôi theo nhiều thế hệ.

Nọng mỡ dưới cằm, hay còn gọi là tình trạng cằm đôi là một đặc trưng khuôn mặt tương đối phổ biến. Khác với cằm chẻ được cho là một nét duyên dáng, cằm đôi phá hỏng nét thanh thoát của khuôn mặt, khiến không ít người cảm thấy mất tự tin, đặc biệt là phụ nữ.

Thông thường, cằm đôi xuất hiện ngay từ khi còn trẻ có thể là do mỡ tích tụ dưới cằm. Liệu điều này có nguy hiểm như mỡ bụng hay không? Hãy cùng tìm hiểu xem nếu một người có cằm đôi, nguyên nhân và cách khắc phục sẽ như thế nào?

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì hay không? - Ảnh 1.

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì không?

Thực ra, cằm đôi là một thuật ngữ chung cho 3 tình trạng, Shayan Izaddoost bác sĩ người Mỹ đang làm việc tại Trường Y khoa Baylor, Houston cho biết. Ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, đồng thời có chuyên môn trong phẫu thuật thẩm mỹ cằm.

Khi bạn nhìn thấy một người có cằm đôi, có 3 trường hợp có thể: Một là nó hình thành do da chảy sệ. Hai là vì chất béo dư thừa, trường hợp còn lại là kết hợp cả hai tình trạng trên.

Những người có cằm đôi tìm đến Izaddoost để tìm kiếm sự giúp đỡ, điều đầu tiên ông làm là kiểm tra xem chiếc cằm thứ hai của họ thuộc vào loại nào, và nguyên nhân đằng sau mỗi tình trạng.

Đầu tiên là những bệnh nhân lớn tuổi. Như một hệ quả tự nhiên của quá trình lão hóa, khi mọi người già đi thì làn da của họ sẽ mất tính đàn hồi tự nhiên vốn có. Giống như chiếc quần cũ bắt đầu bị nhão chun, da của bạn sẽ chùng xuống mà không căng lại được. Nếu ở vùng cằm da thừa sẽ bắt đầu chùng xuống cổ.

Da thừa là kết quả của những lần bạn tăng cân, giảm cân trong suốt cuộc đời. Khi thì làn da bạn bị kéo căng, và có khi lại co lại. Xương và sụn mặt tiêu biến, chất béo cơ thể giảm cũng khiến da mặt bạn thừa ra.

Hút thuốc, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều và lực hấp dẫn của Trái Đất cũng là những tác nhân khiến da bạn sụt xuống cằm. Chúng treo lủng lẳng thành một đám ở đó trông khá mất thẩm mỹ.

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì hay không? - Ảnh 2.

Cằm đôi có thể là một biểu hiện của tình trạng thừa cân

Ở những người trẻ tuổi, da còn đàn hồi không phải là nguyên nhân chính của một chiếc cằm đôi. Bác sĩ Izaddoost nói thủ phạm có thể là tình trạng thừa cân của họ.

Thông thường, khi một người nặng và béo hơn, khuôn mặt của họ cũng sẽ phính ra. Đó là kết quả của việc phân bổ mỡ trên cơ thể. Mỡ tích tụ dưới cằm là nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng cằm đôi. Nguyên nhân này phổ biến hơn ở người trẻ và có thân hình béo.

Tập thể dục và ăn kiêng sẽ giúp người béo thoát khỏi chiếc cằm đôi của họ mà không cần phẫu thuật, bác sĩ Izaddoost nói. Bởi về mặt lý thuyết khi trọng lượng cơ thể giảm, một phần cân nặng giảm đi sẽ từ chính lượng mỡ thừa dưới cằm bạn.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều đơn giản như vậy. Còn một yếu tố có thể cũng tham gia vào việc hình thành cằm đôi do mỡ thừa, đó là gen di truyền.

Theo bác sĩ Izaddoost, chưa một nhà nghiên cứu nào chỉ đích danh được các DNA gây cằm đôi. Tuy nhiên, quan sát phổ biến cho thấy nhiều gia đình có các thành viên cằm đôi theo nhiều thế hệ, gợi ý yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò ở đây.

Điều này có nghĩa là đối với một số người, cằm đôi không dễ dàng biến mất nhờ tập luyện hay chế độ ăn kiêng. Nhưng với một số người khác, mỡ thừa sẽ không tích lũy ở dưới cằm nhờ vào một gen nào đó đặc biệt.

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì hay không? - Ảnh 3.

Cằm đôi có thể tạo nên một góc nhìn "thảm họa" với khuôn mặt

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra cằm đôi chưa hoàn toàn được hiểu rõ, các bác sĩ chắc chắn rằng cằm đôi không gây nguy hiểm gì cho sức khỏe. Bản thân chiếc cằm thứ hai của bạn không đại diện cho một gen “có hại”, một căn bệnh tiềm ẩn thay bất cứ nguy cơ sức khỏe nào tương tự. Cằm đôi bản chất chỉ là da và mỡ thừa.

Tuy nhiên, đứng trên phương diện thẩm mĩ, có rất nhiều người sẵn sàng làm mọi cách để thoát khỏi chiếc cằm thừa của họ, đặc biệt là phụ nữ. Một chiếc cằm đôi không hợp xu hướng, làm giảm sự thanh thoát của khuôn mặt và rất dễ bị lộ khi nhìn từ bên cạnh mặt.

Nhiều người cảm thấy ám ảnh về chiếc cằm khiến cổ của họ to ra. Họ nghĩ rằng mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào đó, coi nó là một phần thừa của khuôn mặt, bác sĩ Izaddoost nói. Có những người coi cằm đôi thực sự là một khuyết điểm lớn trên khuôn mặt và sẽ muốn phẫu thuật để loại bỏ nó.

Nếu cằm đôi gây ra bởi mỡ thừa, các bác sĩ có thể dùng thủ thuật hút mỡ. Họ sẽ rạch một đường nửa cm dưới cằm và luồn ống hút chân không vào để lấy đi các mô mỡ. Thời gian thực hiện của thủ thuật này kéo dài khoảng 30 phút.

Bệnh nhân sẽ phải chịu đựng một số phản ứng phụ như sưng, phù nề, đau và phải uống thuốc kháng sinh, giảm đau theo đơn của bác sĩ.

Nếu bạn có mỡ tích tụ dưới cằm, đâu là nguyên nhân và nó có nguy hiểm gì hay không? - Ảnh 4.

Y khoa thẩm mĩ có thể khắc phục được nhược điểm cằm đôi

Còn một cách khác để loại bỏ cằm đôi mà không phải phẫu thuật. Đó là liệu pháp hóa học, chẳng hạn như Kybella đã được cấp phép tại Mỹ từ năm 2015. Đây là phương pháp loại bỏ chất béo dưới mô mềm bằng cách tiêm huyết thanh chứa deoxycholic acid, hợp chất có khả năng phân giải chất béo.

Trong thủ thuật Kybella, bệnh nhân được tiêm thuốc trực tiếp vào mô dưới cằm. Deoxycholic sẽ phân giải dần dần chất béo ở khu vực đó và đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên. Mỗi đợt điều trị Kybella tại Mỹ tốn khoảng 800-1.400 USD, và bệnh nhân phải được điều trị theo nhiều đợt.

Phản ứng phụ của thủ thuật Kybella cũng là đau, sưng tấy và những vết bầm tím ngắn hạn. Ngoài ra, một nhược điểm của phương pháp dùng deoxycholic acid để phân giải chất béo là nó có thể gây lún da và phân bổ chất béo không đồng đều.

Sau tất cả, không phải ai cũng sẵn sàng chịu đau và dư giả tài chính để “xóa” nọng mỡ dưới cằm của mình tại thẩm mĩ viện. Một giải pháp can thiệp nhẹ hơn là tập luyện. Có một số động tác thể dục, đơn giản như xoay và căng cổ, thậm chí nhai kẹo cao su cũng phần nào giúp ích trong trường hợp này.

Ngoài ra, kiểm soát cân nặng và một chế độ ăn uống cân bằng hơn cũng là lời khuyên dành cho những người có cằm đôi ,và cả người bình thường không muốn phải đối mặt với nó trong tương lai.

Tham khảo Popsci, Livestrong

aFamily

béo phì, cân nặng, mỡ cằm, sức khỏe, Chế độ ăn uống


      © 2021 FAP
        1,035,633       1,004