Sức khỏe

Dược sĩ nói về vụ phát nhầm thuốc ở BV Sản Nhi Quảng Ngãi: 2 cách để không lặp lại sai sót

Sự việc ở Quảng Ngãi, nguyên nhân được xác định do sai sót trong việc phát thuốc nhầm bệnh nhân. Có thể do tên bệnh nhân giống nhau hay tương tự. Điều này khá phổ biến ở Việt Nam.

Hôm qua tôi có trao đổi với lớp dược sĩ Chuyên khoa I về sai sót trong dùng thuốc, cách phân tích nguyên nhân gốc rễ bằng mô hình xương cá, không đổ lỗi cá nhân, cách đề xuất các giải pháp có tính hệ thống để phòng sai sót.

Hôm nay báo chí đang đưa tin nóng hổi về một sai sót trong dùng thuốc gây một trường hợp tử vong.

Tuy rất đau đớn nhưng phải thừa nhận: mỗi lần có một vụ sai sót nào đó trong lĩnh vực y khoa mà xã hội quan tâm thì đó đồng thời là một cơ hội để các bệnh viện và cán bộ y tế có động lực để thay đổi tư duy và cách làm việc, nhằm phòng ngừa những sai sót đáng tiếc đó trong tương lai.

Văn hóa nhận sai để sửa đổi tại Mỹ

Vào năm 1999, cả nền y khoa Mỹ cũng như công chúng Mỹ đã rất sốc khi một báo cáo về sai sót trong y khoa tại Mỹ với tiêu đề: "Là con người thì luôn có khả năng mắc sai sót: xây dựng một hệ thống y tế an toàn hơn" được hoàn tất.

Báo cáo ghi nhận ước lượng hàng năm 44.000-98.000 bệnh nhân tử vong do sai sót y khoa, hơn 1 triệu bệnh nhân bị tổn thương và 7.000 người tử vong do sai sót trong dùng thuốc.

Báo cáo đó đã đánh giá ảnh hưởng của các sai sót y khoa, xác định các lỗi hệ thống, xác định các quá trình và điều kiện làm việc dẫn con người đến sai sót và đề xuất các chiến lược quốc gia để cải thiện.

Hiện nay, Mỹ là nước đi đầu về triển khai các biện pháp để tăng an toàn của người bệnh như kiểm định chất lượng bệnh viện, đánh giá năng lực liên tục và cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, thành lập Viện thực hành thuốc an toàn (ISMP), Tổ chức nghiên cứu và chất lược chăm sóc y tế (AHRQ), Tổ chức An toàn người bệnh (PSO)...

 Dược sĩ nói về vụ phát nhầm thuốc ở BV Sản Nhi Quảng Ngãi: 2 cách để không lặp lại sai sót - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Và sau gần 2 thập kỷ triển khai rầm rộ các chiến dịch phòng sai sót, công chúng Mỹ sẽ rất bất ngờ khi biết rằng tử vong do sai sót trong y khoa hiện tại vẫn là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Hàng năm, có đến 250.000 người Mỹ tử vong do sai sót trong y khoa.

Việc số lượng sai sót y khoa được ghi nhận tăng lên gần như hơn gấp đôi, không đồng nghĩa là các chiến lược phòng sai sót tại Mỹ đã thất bại, mà đơn giản đó là một thành công trong việc thay đổi văn hóa trừng phạt sang văn hóa không đổ lỗi cá nhân, giúp thúc đẩy cán bộ y tế tự nguyện báo cáo sai sót y khoa.

Bởi chỉ khi số lượng báo cáo sai sót y khoa tự nguyện tăng lên, thì hệ thống y tế mới có cơ hội cải thiện từ những sai sót đó.

Con đường nâng cao an toàn người bệnh tại Mỹ này đã được lặp lại ở các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức.

Hiện tại hệ thống Y tế của Việt Nam cũng đang triển khai nhiều biện pháp theo đúng hướng này: kiểm tra chất lượng bệnh viện, thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, yêu cầu cán bộ y tế được đào tạo liên tục, triển khai hệ thống thu thập thông tin về các báo cáo sai sót y khoa…..

Mỹ là nước có nền y học phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên họ thừa nhận sai sót y khoa là để sửa đổi. Đó chính là nguyên nhân khiến nền y tế Mỹ trở nên mạnh hơn. Họ không đặt nặng việc trừng phạt cá nhân rồi thì bỏ qua nguyên nhân căn bản.

Nếu cứ có bất kỳ sai sót y khoa nào cũng tìm ngay một cá nhân để đổ lỗi, để trừng phạt, để bỏ tù, thì có nghĩa ở Mỹ sẽ có ít nhất 250.000 cán bộ y tế bị như thế (1).

Sự thật thì chỉ một số ít những người bị tổn hại do sai sót y khoa chọn con đường thưa kiện và hầu hết thưa kiện được giải quyết nội bộ với đơn vị y tế. Như vậy hầu hết các sai sót y khoa không đưa ra tòa (2). Các cân nhắc pháp lý được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là: bồi thường thiệt hại, khả năng quy kết trách nhiệm và trừng phạt.

7 điều chung của các sai sót y khoa

Khi đánh giá một sai sót y tế cần nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau: luật, khoa học, triết lý đạo đức và y khoa. Luật là hệ thống các quy định để quản lý cách con người sống cùng nhau, phát huy hiệu quả bằng cách răn đe và trừng phạt.

Từ quan điểm tôn giáo và đạo đức, trừng phạt dường như tỏ ra công bằng với biện luận rằng nó sẽ giúp ngăn chặn sai sót tương tự xảy ra trong tương lai.Tuy nhiên, trong thực tế y khoa, chỉ trừng phạt thôi thì không đủ. Nếu không có các biện pháp thay đổi hệ thống , sai sót đó vẫn có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Ở Anh năm 1990 có một bác sĩ trẻ thay vì chỉ định tiêm vicristine đường tĩnh mạch thì lại tiêm nội tủy mạc và gây tử vong bệnh nhân, và bác sĩ bị quy tội ngộ sát. Theo số liệu tại Anh thì mỗi 5 năm thì không có hoặc chỉ có khoảng 1 đến 17 cán bộ y tế bị buộc tội ngộ sát.

Có một số điều người ta rút ra trong nhiều sai sót y khoa là:

1. Sai sót là không cố ý. Hiểu đơn giản là khi một người đang cố gắng làm điều đúng, nhưng thực tế đó lại là điều sai. Ở đây bác sĩ trẻ nói trên cứ tưởng là đường dùng vincristine là tiêm nội tủy mạc.

2. Sai sót không phải do thiếu thận trọng.

3. Trừng phạt dường như không làm giảm sai sót. Bác sĩ trẻ ở trên bị trừng phạt nhưng lỗi đó bây giờ lại tăng gấp 15 lần tại Anh.

4. Sai sót có thể xảy ra với bất kì ai, kể cả người trẻ hay chuyên gia.

5. Ngyên nhân của sai sót thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tình cờ. Trong đó có những yếu tố liên quan đến hệ thống như cơ sở vật chất, văn hóa an toàn người bệnh, giao tiếp, nhân lực….

6. Phản ứng pháp lý đối với sai sót phụ thuộc rất lớn vào hậu quả. Nếu cùng một lỗi phát thuốc nhầm cho bệnh nhân, nếu sai sót đó không gây hại thì không có bất kỳ trừng phạt nào, nhưng nếu sai sót đó gây tổn hại nghiêm trọng thì có thể bị đưa ra tòa. Trong y khoa, trừng phạt thường được đề xuất nếu xảy ra hậu quả hơn là do có tội trong việc gây ra lỗi.

7. Phản ứng pháp lý với một sai sót nghiêm trọng thường kéo dài và tốn kém, và thường tập trung vào quy kết trách nhiệm cho cá nhân nào đó.

Nhưng, nếu sự việc được xử lý không phải tại tòa, đặc biệt là những vụ việc không có dấu hiệu cố ý gây hại, thì nên giúp rút ngắn thời gian để các bệnh viện phân tích nguyên nhân gốc rễ và phòng các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.

Hy vọng bệnh viện, cán bộ y tế và gia đình bệnh nhân sẽ cùng bình tĩnh ngồi lại trao đổi, để hiểu kỹ hơn những gì đã xảy ra, để thấu hiểu những nỗ lực và tổn thương về vật chất, tinh thần, tâm lý của nhiều cá nhân liên quan, để thông cảm và cùng hành động thay đổi.

 Dược sĩ nói về vụ phát nhầm thuốc ở BV Sản Nhi Quảng Ngãi: 2 cách để không lặp lại sai sót - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hai cách xác minh bệnh nhân

Trong sự việc ở Quảng Ngãi, nguyên nhân được xác định do sai sót trong việc phát thuốc nhầm bệnh nhân. Có thể do tên bệnh nhân giống nhau hay tương tự nhau. Điều này khá phổ biến ở Việt Nam. Vì khả năng bệnh nhân trùng tên, hoặc đã trùng tên lại còn nằm cùng phòng khá cao, nên nhân viên y tế khi vào phòng bệnh, nên hết sức lưu tâm:

1. Dùng ít nhất 2 thông tin của bệnh nhân để xác định bệnh nhân: ví dụ hỏi "bệnh nhân Nguyễn Văn A 58 tuổi là ai?", "bệnh nhân Nguyễn Văn A ở Quảng Điền, Huế" là ai ?", "bệnh nhân Nguyễn Văn A nhập viện sáng này lúc 8h là ai?"

2. Khi đã tiếp cận bệnh nhân nên để bệnh nhân tự giới thiệu về mình, vì có những bệnh nhân nghe không rõ nên nhầm tưởng nhân viên y tế gọi tên mình. Nhân viên y tế có thể yêu cầu bệnh nhân trả lời lại: "Bác có thể cho cháu biết tên họ đầy đủ của bác ? Bác bao nhiêu tuổi?"

Tôi viết bài này từ việc một đồng nghiệp gặp tai nạn nghề nghiệp. Nếu không chỉnh sửa những lỗi hệ thống, biết đâu đấy, một ngày nào đó, người không may mắn gặp nạn lại là tôi.

 Dược sĩ nói về vụ phát nhầm thuốc ở BV Sản Nhi Quảng Ngãi: 2 cách để không lặp lại sai sót - Ảnh 3.

TS.DS Võ Thị Hà đang là giảng viên Dược lâm sàng tại Khoa Dược – Trường ĐH Y Dược Huế, đồng thời kiêm nhiệm đảm trách phụ trách Đơn vị Dược lâm sàng, thuộc Khoa Dược – BV Trường ĐH Y Dược Huế.

Cô cũng là người sáng lập và điều hành chính trang website "Nhịp cầu Dược lâm sàng" (www.nhipcauduoclamsang.com).

Tài liệu tham khảo:

1. Institute of Medicine (US) Committee on Quality of Health Care in America (2000). To Err is Human: Building a Safer Health System.

2. Martin A Makary, Michael Daniel. Medical error—the third leading cause of death in the US. BMJ 2016; 353

3. Alan F Merry. How does the law recognize and deal with medical errors?. J R Soc Med. 2009 Jul 1; 102(7): 265–271.

aFamily

cán bộ y tế, hệ thống Y tế, sai sót y khoa


      © 2021 FAP
        1,036,214       119