Giúp cho rất nhiều món ăn trở nên ngon miệng hơn, hấp dẫn hơn, nhưng liệu đường - thứ ngọt ngào đó - sẽ dẫn bạn đến với căn bệnh ung thư?
Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature Communications, một cơ chế sinh học trong các tế bào men có thể giúp lý giải mối quan hệ giữa đường và ung thư.
Đây là dự án nghiên cứu kéo dài tới 9 năm, theo đó, các nhà khoa học xem xét kỹ lưỡng "sở thích" đối với đường của các tế bào ung thư. Theo kết luận của nhóm tác giả, nghiên cứu này thậm chí có thể ảnh hưởng tới việc quyết định các kiểu chế độ ăn và thuốc thang dành cho bệnh nhân ung thư.
Cơ chế sinh học trong các tế bào men có thể giúp lý giải mối quan hệ giữa đường và các khối u ác tính.
Sở dĩ tế bào ung thư có khả năng hỗ trợ tốc độ sinh sôi vô cùng nhanh chóng của chúng là nhờ việc lập trình lại cơ chế chuyển hóa nhằm hấp thụ glucose, lên men nó và sinh ra lactate. Ngược lại, tế bào khỏe mạnh tiếp tục thực hiện việc hô hấp thông thường – là quá trình mà chúng hấp thụ glucose rồi phân giải thành carbon dioxide và nước.
Nhà vi trùng học Johan M. Thevelein, giáo sư tại KU Leuven ở Bỉ kiêm phụ trách cấp cao của nghiên cứu, tiết lộ, khả năng "chuyển đổi của tế bào ung thư từ quá trình hô hấp sang quá trình lên men đã được nhà hóa sinh người Đức Otto Warburg khám phá vào khoảng 70-80 năm trước". Phát hiện này được biết đến với tên gọi "Hiệu ứng Warburg".
Quá trình lên men đường, sinh ra axit lactic giải phóng nguồn năng lượng ít hơn 15 lần so với quá trình hô hấp để xử lý đường. Tuy nhiên, giáo sư Thevelein nhấn mạnh, tế bào ung thư "phát triển nhanh hơn rất nhiều so với tế bào bình thường và khi lên men thì nấm men thực sự đạt được tốc độ sinh trưởng nhanh nhất. Điều này thật lạ lùng", đồng thời đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu hiệu ứng Warburg có phải là triệu chứng của ung thư hay là nguyên nhân gây ung thư?
Khi đường được phân giải trong tế bào, hợp chất trung gian kích hoạt các protein RAS và từ đó kích thích sự tăng trưởng của tế bào.
Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, giáo sư Thevelein và các đồng nghiệp đã làm thí nghiệm với các tế bào nấm men bởi giống như tế bào ung thư, chúng yêu thích quá trình lên men hơn là quá trình hô hấp.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một hợp chất trung gian có tên "chất hoạt hóa tiềm năng" của protein RAS. RAS là gen tiền ung thư (proto-oncogene) - tức là một gen mã hóa cho các protein có chức năng điều hòa sự tăng trưởng và biệt hóa của tế bào. Gen tiền ung thư có thể trở thành gen ung thư (oncogene) khi hiện tượng đột biến xảy ra. Dạng đột biến của protein RAS hiện diện trong rất nhiều khối u.
Vậy nên, nghiên cứu mới này, theo giáo sư Thevelein, đã tiết lộ "một chu trình đáng sợ".
Khi đường được phân giải trong tế bào, hợp chất trung gian kích hoạt các protein RAS và từ đó kích thích sự tăng trưởng của tế bào. Chu trình này đã diễn ra trong tế bào nấm men và nhờ đó, có thể giúp lý giải diễn tiến của ung thư.
Tiến sĩ Jennifer Ligibel, Chủ tịch uỷ ban cân bằng năng lượng, trực thuộc Hiệp hội Mỹ về Ung thư Lâm sàng, bày tỏ: "Phát hiện này vô cùng thú vị. Nhưng quan trọng là không đưa ra quá nhiều bước can thiệp vào quá trình điều trị bệnh nhân ung thư nếu chỉ dựa trên một nghiên cứu về nấm men".
Những người bị thừa cân, cơ thể phải kiểm soát lượng đường theo cách khác so với những người nhẹ cân.
Do ăn đường hay quá thừa cân?
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã xác định được vài điểm tương đồng giữa tế bào ung thư ở người và tế bào nấm men, nhưng theo tiến sĩ Ligibel, nghiên cứu trên mới chỉ cho thấy tốc độ tăng trưởng của tế bào do glucose gây ra. Cách thức protein RAS được kích hoạt ở đây không thực sự dẫn đến kết quả là làm cho tế bào nhân bản nhanh hơn. "Tuy nhiên, dữ liệu trong nghiên cứu vẫn thật đáng kinh ngạc. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy cơ chế sinh học có thể giúp giải thích mối liên hệ giữa bản thân glucose và quá trình diễn tiến của ung thư. Khi chúng ta nói về mối quan hệ này, về thứ làm tăng hàm lượng đường trong cơ thể một người, chúng ta đang nói về chính cân nặng của họ".
Những người bị thừa cân, cơ thể phải kiểm soát lượng đường theo cách khác so với những người nhẹ cân. Quá trình kiểm soát đường này là thứ dẫn tới tiểu đường tuýp 2 – căn bệnh trong đó hàm lượng đường huyết cao, còn insulin – hormone mà cơ thể sử dụng để kiểm soát đường huyết, bắt đầu tăng do cơ thể kháng lại những tác động của nó.
Quá trình kiểm soát đường này là thứ dẫn tới tiểu đường tuýp 2 – căn bệnh trong đó hàm lượng đường huyết cao.
Tiến sĩ Ligibel nhận định: "Chúng ta đã biết được rằng đường huyết cao và hàm lượng insulin cao trong cơ thể đều liên quan tới nguy cơ mắc ung thư".
Cũng theo tiến sĩ, những nghiên cứu từng cố gắng xem xét việc ăn đường liên quan thế nào với nguy cơ ung thư thực ra lại không cho kết quả rõ ràng. Ví dụ, một nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện trên những người cao tuổi Mỹ đã không chỉ ra được mối liên hệ giữa lượng đường một người ăn với nguy cơ mắc ung thư.
Ngược lại, một số nghiên cứu lại cho thấy, những người bị ung thư đại trực tràng có khẩu phần đường cao trong tổng calo thì nguy cơ ung thư tái phát tăng lên - nhưng điều này chỉ đúng với những người vốn đã thừa cân hoặc béo phì. Một lần nữa, cách thức cơ thể kiểm soát đường - chứ không phải bản thân đường - có thể là chìa khóa giải đáp vấn đề.
Các nghiên cứu về bệnh nhân ung thư vú cũng chỉ ra rằng, số cân nặng giảm được, chứ không phải bản thân chế độ ăn - ít carbohydrate hoặc ít mỡ - có ý nghĩa quan trọng. Nếu cùng giúp giảm cân thì chế độ ăn nào cũng sẽ có tác dụng giảm đường huyết, giảm insulin.
Tiến sĩ Ligibel khuyên: "Nếu bạn có người quen bị thừa cân hay béo phì, hãy giúp họ giảm cân vì đó là việc quan trọng. Tôi nghĩ đường thực sự góp phần làm bạn tăng cân. Đường thực sự không có giá trị gì". Lưu ý với bệnh nhân ung thư là cần tập trung vào việc duy trò cân nặng khỏe mạnh thông qua việc cân bằng giữa chế độ tập luyện và ăn uống.
Đường có thể gây béo phì và dẫn đến ung thư
Khi được hỏi liệu có phải ăn nhiều đường hơn dẫn đến nhiều bệnh ung thư hơn không, giáo sư Thevelein lập tức trả lời: "Không! Chắc chắn là không!". Trong nghiên cứu trên, ông và đồng nghiệp không nhấn mạnh điều này. Thay vào đó, các nhà khoa học lý giải cách thức các tế bào khỏe mạnh kiểm soát đường như thế nào.
Tốt hơn cả là không ăn quá nhiều đường để không bị béo phì.
Giáo sư Thevelein cho biết: "Tất cả chúng ta đều biết rằng, khi bạn ăn nhiều đường, bạn có xu hướng - và rõ ràng là như vậy - bị béo phì. Và béo phì làm tăng nguy cơ ung thư".
Mặc dù "còn quá sớm để nói" nhưng giáo sư Thevelein cho rằng, bạn ăn quá nhiều đường trong thời gian dài có thể dẫn tới một số kiểu rối loạn điều chỉnh protein RAS trong tế bào bình thường và có thể chính trong quá trình "loạn điều chỉnh" này dẫn tới nguy cơ gây ra gen RAS đột biến. "Tốt hơn cả là không ăn quá nhiều đường để không bị béo phì. Và như vậy, bạn cũng sẽ đồng thời giảm được nguy cơ ung thư. Tất nhiên, vào thời điểm này, chúng tôi chưa thể đưa ra lời khẳng định chắc chắn", ông cho biết thêm.
Nếu có một lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư, giáo sư gợi ý họ nên ăn ít đường đơn đi và nhiều đường phức hơn như loại có trong tinh bột và ngũ cốc toàn phần. Đường phức phân giải chậm hơn và cũng được cơ thể hấp thụ chậm hơn, việc này có thể giúp ích cho các bệnh nhân ung thư. "Đó cũng chính là thông điệp của chúng tôi", giáo sư Thevelein khẳng định. "Cố gắng tìm kiếm các cách khác để cung cấp đường và năng lượng cho bệnh nhân ung thư thay vì nhanh chóng chuyển hóa đường đơn".
(Nguồn: CNN)
lên men đường, ăn đường, ung thư, mối quan hệ giữa đường và ung thư