Căn bệnh ung thư đại trực tràng ngày càng trở nên phổ biến và đe dọa cả những người trẻ. Vậy nên và không nên ăn gì để phòng ngừa bệnh?
Câu chuyện đáng suy ngẫm được chia sẻ bởi một người phụ nữ Australia về căn bệnh ung thư đáng sợ mà cô mắc khi còn rất trẻ, dù không có bất cứ triệu chứng điển hình nào.
Một người bình thường khi nhìn ngắm Hollie Fielder, đều có thể nghĩ ngay tới hình ảnh một cô gái tràn trề sinh lực và vô cùng khỏe mạnh. Cô còn làm chủ một công ty chuyên về huấn luyện thể hình cá nhân và vô cùng đam mê việc giúp mọi người trên hành trình tìm kiếm sự khỏe mạnh, an hòa của họ.
Nhưng ở tuổi 24, Hollie được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn bốn và ung thư gan giai đoạn 2. Cơ hội sống còn của Hollie chỉ là 5%.
Ở tuổi 24, Hollie được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn bốn và ung thư gan giai đoạn 2.
"Tôi không hề có triệu chứng điển hình nào, ngoại trừ tình trạng chướng bụng, táo bón và đau bụng sau ăn", Hollie chia sẻ. "Lúc đầu, tôi không nghĩ nhiều đến những chuyện đó nhưng chúng bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn nhiều, tới nỗi tôi quặn cả người vì đau sau mỗi bữa ăn".
Cho rằng, vấn đề có thể là căn bệnh dị ứng với gluten (celiac) hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS), Hollie vội lên lịch hẹn khám với bác sĩ. Nhưng sau nhiều lần xét nghiệm máu cho kết quả âm tính, cô được chỉ định thực hiện soi ruột (colonoscopy).
"Cuối cùng, nhờ soi ruột, bác sĩ mới phát hiện ra bệnh ung thư. Họ cho rằng, tôi đã bị ung thư được 5 năm rồi", Hollie nhớ lại.
Thông báo của bác sĩ khiến Hollie rơi vào trạng thái hoàn toàn tuyệt vọng. "Tôi nói: ‘Không, không đúng, tôi vẫn còn quá trẻ mà’. Lúc đó, tôi như bao người khác, vẫn nghĩ rằng, chỉ có người lớn tuổi mới bị ung thư đại trực tràng mà thôi".
Sau đó, thêm một lần chụp cắt lớp vi tính nữa, bác sĩ phát hiện ra ung thư đã di căn tới gan Hollie. Bất chấp tiên lượng rất xấu, cô quyết tâm giành lại sức khỏe cho mình, bất kể phương pháp điều trị có tính xâm lấn tới đâu.
Giờ đây, khi đã chính thức khỏi bệnh ung thư, nhìn lại những trải nghiệm vừa qua, Hollie cho biết, cô không hề thấy hối tiếc.
"1 tuần sau chẩn đoán cuối cùng, tôi thực hiện cuộc phẫu thuật đầu tiên. Bác sĩ cắt bỏ 30cm ruột của tôi", Hollie kể. Tiếp sau phẫu thuật là 3 tháng hóa trị nhằm mục đích thu nhỏ khối u, các bác sĩ cuối cùng đã tính tới giai đoạn xử lý ung thư ở gan. "Tôi vẫn còn nhớ bác sĩ phẫu thuật đánh thức tôi dậy và thông báo, ông đã loại bỏ toàn bộ căn bệnh ung thư trong người tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó", cô cho biết.
Giờ đây, khi đã chính thức khỏi bệnh ung thư, nhìn lại những trải nghiệm vừa qua, Hollie cho biết, cô không hề thấy hối tiếc. "Hành trình vượt qua bệnh ung thư đã thực sự thay đổi cách nhìn nhận của tôi về một số vấn đề trong cuộc sống. Có được tư duy đúng đắn để đạt mục tiêu và vượt qua các rào cản hay trở ngại mà bạn có thể đối mặt thực sự rất quan trọng".
Hollie cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc tỉnh thức cộng đồng về căn bệnh ung thư mà mình mắc phải. Hiện, cô đang tham gia dự án Meat Free Week với nỗ lực gây quỹ cho tổ chức Ung thư Đại trực tràng Australia.
Thịt đỏ là một trong những thực phẩm bị coi là có thể tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Hollie chia sẻ: "Chúng ta giờ đây đều biết, thịt đỏ và đặc biệt là thịt qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Mục tiêu của tôi là giúp mọi người nghĩ về việc thưởng thức thịt như một phần trong chế độ ăn cân bằng. Như mọi thứ khác trong đời, vấn đề nằm ở chỗ bạn nên ăn thịt với liều lượng vừa phải".
Đối với những phụ nữ trẻ, Hollie cũng cho biết, việc đi khám và nói rõ về hoạt động đại tiện, tiểu tiện của mình với bác sĩ là rất cần thiết. "Đừng xấu hổ khi nói về chuyện đó. Đi vệ sinh là thói quen tự nhiên hàng ngày của cơ thể chúng ta. Vậy nên chẳng có gì đáng ngại khi nói về phân của bạn như cách bạn nói về cỡ áo ngực của mình".
Khoai tây tím có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng và các bệnh viêm ruột
Theo một nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Pennsylvania State, ăn khoai tây tím có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư ruột kết.
Khi tiến hành nghiên cứu trên lợn, các nhà nghiên cứu nhận thấy, ở những con lợn ăn các loại rau, lượng protein gây tổn hại cho khối u và các bệnh viêm ruột khác giảm tới 6 lần. Các nhà nghiên cứu cho biết các loại trái cây và rau quả đầy màu sắc khác, như bông cải xanh và nho đỏ, cũng có thể mang lại những hiệu quả như nhau.
Điều này chứng tỏ, một "chế độ ăn uống cầu vồng" có chứa một hỗn hợp các chất chống viêm có thể ngăn ngừa bệnh mãn tính.
Khoai tây tím có thể giảm nguy cơ ung thư đại tràng và các bệnh viêm ruột.
Nhóm nghiên cứu của trường đại học Pennsylvania State biết rằng những hợp chất thực phẩm này có tác động tới mức độ phân tử nên có thể được ứng dụng trong sản xuất thuốc mới cho bệnh ung thư và các bệnh có thể gây tử vong khác.
Giáo sư Jairam Vanamala, nhà khoa học về thực phẩm, thành viên ban nghiên cứu giải thích: "Từ thời cổ đại đến hiện đại, các bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống từ thực vật có thể có khả năng ngăn ngừa được nhiều bệnh mãn tính, như bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh tim và thậm chí ung thư. Khi bạn ăn "chế độ ăn uống cầu vồng", bao gồm nho đỏ, khoai tây tím, bông cải xanh... chúng ta sẽ được cung cấp rất nhiều dưỡng chất và chúng tác động theo mọi cách, tự phá hủy các tế bào gốc ung thư".
Những phát hiện chính của nghiên cứu:
So với chế độ ăn uống bình thường, chế độ ăn có bổ sung khoai tây màu tím sẽ làm giảm mức protein gây hại gọi là IL-6 (interleukin-6) xuống 6 lần. Đây là loại protein gây ra các khối u và các bệnh viêm ruột khác. Cả khoai tây chưa nấu chín và khoai nướng đều có tác dụng tương tự.
Giáo sư Vanamala cho biết: "Như những gì chúng ta đã biết thì thức ăn là một con dao 2 lưỡi - nó có thể thúc đẩy bệnh tật, nhưng nó cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính, như bệnh ung thư đại trực tràng. Cái mà chúng ta không biết là thực phẩm này hoạt động ở mức độ phân tử như thế nào?".
Những phát hiện này được công bố trên Tạp chí Sinh học Dinh dưỡng, và là kết luận củng cố một điều rằng: Chế độ ăn uống giàu thực vật có xu hướng giảm tỉ lệ ung thư đại trực tràng thấp hơn so với chế độ ăn nhiều thịt.
Giáo sư Vanamala giải thích, các y đầy màu sắc, bao gồm cả khoai tây tím, có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học, như thực phẩm thực vật đầy màu sắc, bao gồm cả thực phẩm màu tím có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học như anthocyanin và axit phenolic, có khả năng phòng chống ung thư.
"Ví dụ, khoai tây trắng có thể có các hợp chất hữu ích, nhưng khoai tây tím có nồng độ các hợp chất chống viêm, chống oxy hóa cao hơn nhiều", ông nói.
Ba triệu chứng chính của ung thư đại trực tràng là:
- Liên tục có máu trong phân - xảy ra không có lý do rõ ràng hoặc có liên quan đến sự thay đổi thói quen đi đại tiện.
- Thay đổi trong thói quen đi đại tiện, ví dụ, đi thường xuyên hơn hoặc phân lỏng...
- Đau bụng, khó chịu hoặc đau bụng thường xuyên...
Các triệu chứng của bệnh ung thư đại trực tràng có thể tiềm ẩn đến mức bạn khó nhận ra. Bởi vậy, dù có bất kì thay đổi nào cũng cơ thể bạn cũng không được bỏ qua mà cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác.
Theo WMH/DailyMail
ung thư gan, ung thư ruột, ung thư đại trực tràng, bệnh ung thư đại trực tràng