Những năm gần đây, Eat Clean (hay Clean-eating) nổi lên như một chế độ ăn kiêng thần thánh cho tất cả mọi người và mọi mục đích, từ tăng cân đến giảm cân rồi thanh lọc cơ thể,... Nhưng đừng tin, phương pháp “ăn sạch” này thực sự không tuyệt vời đến thế!
Eat Clean không phải là chế độ ăn kiêng nên theo đuổi
Thuật ngữ Eat Clean xuất hiện từ những năm 1960 và đến nay đã trở thành chế độ ăn kiêng được ưa chuộng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì mọi chuyện lại không như vậy. Đơn giản là vì Eat Clean không phải và cũng chưa bao giờ là chế độ ăn kiêng!
Đừng bao giờ nghĩ Eat Clean là một chế độ ăn kiêng. - Ảnh: Internet
Về bản chất, nó chính xác là một xu hướng dinh dưỡng, một phần quan trọng của lối sống lành mạnh (Healthy Life) đang được các chuyên gia khuyến khích cho tất mọi người, với những độ tuổi, công việc và quốc gia khác nhau. Eat Clean (ăn sạch) khuyên chúng ta nên cố gắng ăn thức ăn ở dưới dạng nguyên thủy nhất.
Cần phân biệt rằng: chế độ ăn kiêng (diet) và phương thức dinh dưỡng (nutrition) là hai khái niệm khác nhau. Khi ăn kiêng, bạn phải tuân thủ theo một nguyên tắc khắt khe, bị giới hạn ở một số nhóm thực phẩm và cách chế biến vào khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, dinh dưỡng lại là xu hướng lâu dài, không có quá nhiều yêu cầu và chủ yếu hướng con người thay đổi lối sống theo hướng tích cực. Nó không đơn giản chỉ giúp cơ thể đạt được mục tiêu ngắn hạn nào đó mà còn khiến chúng ta trở nên khỏe mạnh một cách toàn diện. Và Eat Clean chính là như vậy, nó là một sự lựa chọn sống chứ không phải là một kế hoạch theo đuổi ngắn hạn.
Eat Clean là xu hướng dinh dưỡng đại diện cho một lối sống lành mạnh. - Ảnh: Internet
Điều này khá giống với việc bạn lựa chọn phong cách cho mình. Vài câu chuyện cười hay trò đùa xuất hiện lúc cao hứng tán gẫu không thể biến bạn thành người hài hước, vui vẻ nếu chính suy nghĩ và cách cư xử của bạn không thay đổi trong mọi tình huống!
Để hiểu chính xác Eat Clean là gì, có hai vấn đề mà chúng ta cần nắm rõ: cách chế biến và phân nhóm dinh dưỡng tốt - xấu.
Về cách chế biến, cần linh hoạt với từng loại để tránh bị biến đổi nhất. Một số loại rau củ quả khi ăn sống sẽ tốt hơn nấu chín nhưng cũng có trường hợp ngược lại như cà rốt chẳng hạn.
Phân biệt nhóm chất và lựa chọn cách chế biến là điều quan trọng nhất của Eat Clean. - Ảnh: Internet
Điều còn lại là việc phân biệt nhóm chất. Những thuật ngữ như chất béo, tinh bột xấu được nhắc đến rất nhiều nhưng để cụ thể hóa nó là gì, bạn cần đầu tư tìm hiểu kỹ. Một số ví dụ đơn giản như: quả bơ là chất béo tốt, có thể dùng thay thế bơ thực vật; yến mạch khoai lang là tinh bột chuyển hóa chậm, trái ngược với gạo trắng - tinh bột chuyển hóa nhanh, không tốt cho cơ thể.
Không thể có chuyện Eat Clean giúp cả tăng cân lẫn giảm cân được
Nếu có tìm hiểu về Eat Clean, chắc hẳn nhiều người cũng đã nghe qua công dụng thần kì của nó. Muốn giảm cân, hãy tập ăn sạch và muốn tăng cân hay giữ cân cũng hãy như vậy. Nghe thật chẳng khác gì một câu khẩu hiệu quảng cáo nhưng chúng ta biết đấy, quảng cáo thì vẫn thường hay thổi phồng mọi chuyện.
Thực tế, xu hướng này không hề có khả năng đó nếu như... bạn không nắm rõ một số lưu ý sau! Ăn sạch tức là hướng cơ thể đến việc dung nạp những chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, chất béo, tinh bột hay vitamin... từ nguồn thực phẩm không nhiễm hóa chất hay dư thừa muối, đường và carb xấu. Điều đó có nghĩa là bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các thực phẩm như trà sữa, xúc xích đóng gói sẵn, đồ ăn nhanh...
Hãy cố gắng tránh xa trà sữa, xúc xích đóng gói, đồ ăn nhanh,... và thay thế bằng những món bổ dưỡng cũng ngon không kém như bánh quy yến mạch, hamburger phong cách EatClean. - Ảnh: Internet
Một điều nữa là bạn cần nắm rõ lượng dưỡng chất bạn nạp vào mỗi ngày. Điểm mấu chốt thật sự khiến Eat Clean được xem là phương pháp tăng cân lẫn giảm cân cũng nằm ở đây. Cơ thể chúng ta luôn cần một lượng dinh dưỡng và năng lượng nhất định để duy trì hoạt động hàng ngày. Nếu bạn ăn ít hơn lượng đó ở mức cho phép thì bạn sẽ giảm cân và ngược lại, nếu ăn nhiều hơn, bạn sẽ tăng cân. Chỉ cần đảm bảo rằng: mức năng lượng và dinh dưỡng đó được cung cấp từ nguồn thực phẩm có chất lượng và hoàn toàn sạch sẽ.
Ví dụ, bạn là một phụ nữ, cao 1m55, nặng 50 kg và ít vận động thì lượng calo cần thiết sẽ dao động từ 1200 - 1300. Trong đó chất đạm, chất béo, tinh bột và chất xơ - những chất dinh dưỡng chính nên được phân chia theo tỉ lệ 30 - 10 - 20 - 40.
Ngoài ra, khi tập ăn sạch, bạn cũng không cần gò ép bản thân theo bất cứ một nguyên tắc nào bởi chỉ có chính bạn mới hiểu rõ cơ thể mình. Bạn hoàn toàn có thể ăn một chiếc bánh pizza, một cốc trà sữa phủ kem cheese thơm ngậy vào bất cứ lúc nào. Nhưng hãy hạn chế, một tuần chỉ nên có 1-2 lần như vậy thay vì chỉ thưởng thức đồ ăn lành mạnh. Chúng ta là con người chứ đâu phải một cái máy nhất nhất tuân theo luật lệ nào. Hãy biến ăn uống trở thành một cách thư giãn thoải mái nhưng đầy lý trí vì bạn ăn gì, cơ thể sẽ biểu hiện ra chính xác như vậy.
Thỉnh thoảng vẫn có thể tận hưởng một cốc trà sữa phủ kem cheese thơm ngạy và một lát bánh pizza nóng giòn được mà. - Ảnh: Internet
Nó cũng giống như việc chị em vẫn thường chăm chỉ dưỡng da hàng ngày với những sản phẩm mà các nàng nắm rõ trong tay bảng thành phần - công thức. Nếu có một ngày mỏi mệt, quên chu trình skincare ấy, tất nhiên da bạn sẽ chẳng trở nên nhăn nheo hay quá xấu xí đâu.
Đừng nghĩ Eat Clean “thần thánh”, vì cái gì cũng đều phải có mặt trái
Có rất nhiều người khi lựa chọn ăn sạch đã nói rằng: Họ cảm thấy bản thân trở nên cáu gắt, khó chịu và đôi lúc rất bức bối vì thèm ăn nhưng món ngon khác. Thậm chí, có phản hồi cho rằng họ bỏ cuộc và tuyệt đối sẽ không theo đuổi nó thêm nữa vì khiến cơ thể quá mệt mỏi. Tất cả những điều này đều đúng và được xem là mặt trái. Tuy nhiên, đó không phải là mặt trái của xu hướng Eat Clean mà của những phương pháp chế độ ăn bị nhầm lẫn với nó.
Ảnh: Internet
Như đã phân tích ở trên, Eat Clean hoàn toàn không phải là một chế độ ăn kiêng ngắn hạn, cũng không bắt ép bất cứ ai phải kìm nén trước những món yêu thích. Những kết quả nói trên đều do chính việc nhầm lẫn gây nên. Hiện nay, các phương pháp như DAS, Lowcarb hay Địa trung hải có khá nhiều điểm tương đồng như với ăn sạch. Ví dụ, hầu hết đều khuyên chúng ta nên ăn thực phẩm tươi, chế biến hạn chế biến đổi chất, ăn nhiều rau xanh... Tuy nhiên, Eat Clean không có quy ước ngắn hạn nào như phương pháp Địa trung hải hay cắt giảm tinh bột như của Lowcarb hay DAS.
Xu hướng Eat Clean luôn chủ trọng cân bằng tất cả các chất dinh dưỡng ở mức tối ưu hóa vì vậy sẽ không có chuyện khiến cơ thể trở nên cáu gắt, khó chịu. Khi ăn sạch, chất đạm giúp cơ thể xây dựng phục hồi các nhóm cơ, chất béo tốt cho da, tinh bột bổ trợ cho thần kinh luôn minh mẫn và chất xơ phù hợp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chính vì vậy, tâm trạng chúng ta được cải thiện và miễn dịch cũng được tăng cường. Eat Clean không bắt chúng ta nhịn ăn mà luôn khuyến khích chia nhỏ và ăn đủ 6 bữa mỗi ngày để cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất cho sinh hoạt và làm việc, vì vậy thật không đúng khi nói nó làm chúng ta mệt mỏi.
Một bữa sáng đầy dinh dưỡng và thơm ngon theo phong cách Eat Clean. - Ảnh: Internet
Đặc biệt, với sự phát triển hiện nay, nhiều thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc sạch đã được thay thế. Chúng ta có thể chế biến món bánh donut thơm ngon yêu thích với bột yến mạch, cacao nguyên chất, một chút đường dừa và sữa hạnh nhân thay vì theo công thức “không - lành - mạnh” truyền thống.
Thực sự thì người Việt mình chẳng hợp với Eat Clean
Đúng, nhưng chỉ với những người chưa biết cách thích ứng trong điều kiện của mình!
Eat Clean rất nổi tiếng ở nước ngoài, đặc biệt là các khu vực Bắc Âu - nơi mà người dân thường chỉ tin tưởng sử dụng thực phẩm được khoa học nghiên cứu và công nhận là tốt cho sức khỏe. Đó cũng là một lý do khiến tuổi thọ trung bình và chỉ số hạnh phúc của các quốc gia này nằm ở top đầu thế giới. Thậm chí, có hẳn một cộng đồng chuyên về kiểu dinh dưỡng này với sự tham gia của nhiều chuyên gia, blogger như Domestic Geek, PickupLimes hay các ngôi sao như Selena Gomez, Miranda Kerr...
Hana Giang Anh - cô nàng theo đuổi phong cách Eat Clean và lối sống lành mạnh. - Ảnh: Nhân vật
Ở Việt Nam, cộng đồng này cũng đã được hình thành và hoạt động tuy chưa chính thức nhưng đã có các đại diện tiêu biểu như Hana Giang Anh, Trang Lê, Bun288,... Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn còn nghi ngại với xu hướng dinh dưỡng lành mạnh này. Có người cho rằng các thực phẩm đều là siêu thực phẩm đắt đỏ, chế biến cầu kì, tốn thời gian và… trái với văn hóa ẩm thực của Việt Nam mình.
Eat Clean chỉ dành cho Tây thôi, về Việt Nam không hợp đâu! - Ảnh: Internet
Bản chất của Eat Clean nằm ở lựa chọn thực phẩm, cách chế biến và cân đối dinh dưỡng. Vì vậy, dù là ở đâu, chúng ta cũng hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông bà ta vẫn nói “có sức khỏe là có tất cả”, chẳng có điều gì tốt cho cơ thể chúng ta mà được xem là đắt đỏ.
Lựa chọn ăn sạch không có nghĩa là ngày nào bạn cũng ăn kiwi, dâu tây, cải xoăn, hạt chia,... Người Việt mình sống ở vùng nhiệt đới thì chọn những loại đặc thù như thanh long, dưa hấu hoặc rau ngót, rau đay. Nghe không “sang xịn” chuẩn Eat Clean nhưng thực chất chúng vẫn là những đồ ăn hết sức lành mạnh đấy.
Tổng kết
Tóm lại, Eat Clean hoàn toàn không “thần thánh” như lời đồn đại nếu bản thân bạn thiếu nhận thức, quyết tâm thực hiện những điều tốt đẹp cho sức khỏe và vóc dáng của mình. Theo đuổi ăn sạch đúng nghĩa tức là bạn đang từng bước thay đổi cả phong cách và suy nghĩ; để rồi từ đó tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, lạc quan và ý nghĩa hơn. Đấy cũng chính là mong muốn mà chuyên đề Phụ nữ là phải thế đang nỗ lực gửi gắm đến các bạn - những người phụ nữ hiện đại, thông minh và yêu chính mình.
Không có thực đơn hay phương pháp ăn uống nào được thiết lập chung cho tất cả mọi người, vì chúng ta đều khác biệt. Nhưng với Eat Clean - xu hướng dinh dưỡng lành mạnh đang được đón nhận rộng rãi khắp thế giới, bạn sẽ làm được điều đó. Chỉ cần hiểu rõ bản chất của phương thức này, bất cứ ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một chế độ ăn phù hợp và khoa học nhất.
Dòng bài Ngôi Nhà Eat Clean được lập ra với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích, thú vị và truyền cảm hứng cho phụ nữ - chủ nhân của gian bếp gia đình nói riêng và tất cả mọi người nói chung thấy giá trị tuyệt vời mà việc ăn uống lành mạnh mang lại, giúp bạn tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa và viên mãn hơn.
chế độ ăn kiêng, lối sống lành mạnh, thay đổi lối sống, dinh dưỡng tốt, thanh lọc cơ thể, lựa chọn thực phẩm, Phụ nữ hiện đại, Ngôi nhà Eat Clean