Sức khỏe

Dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành và những lưu ý không thể bỏ qua

Mặc dù sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát cực lớn trên cả nước nhưng người dân vẫn hết sức chủ quan.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tính đến thời điểm hiện tại tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đây chỉ là con số thống kê bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện. Như vậy, trong thực tế, số người mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn còn cao hơn thế rất nhiều.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang quá tải do hàng ngày tiếp nhận gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM về các loại bệnh truyền nhiễm trong tuần qua cho thấy, bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội, số ca bệnh tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành và những lưu ý không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tính đến thời điểm hiện tại tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến tháng 6/2017, tại 47 tỉnh trên cá nước đã ghi nhận có 36.427 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, cao hơn cùng kỳ năm trước 200 trường hợp. Trong đó có 10 trường hợp mắc sốt xuất huyết không qua khỏi cơn nguy kịch. Dịch sốt xuất huyết thường mạnh nhất từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch nhưng thời điểm hiện tại đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong, trong khi người dân vẫn rất chủ quan lơ là với dịch bệnh. Dưới đây là những lưu ý về căn bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành mà bạn không nên bỏ qua:

Nhận biết những dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết

Theo BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sốt xuất huyết là bệnh lưu hành địa phương ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và dọc các tỉnh ven biển miền Trung. Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, đau mỏi cơ bắp, các khớp; xuất huyết dưới da làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm; chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng; nôn ra máu; đau bụng.

Dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành và những lưu ý không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Xuất huyết là dấu hiệu đặc trưng ở bệnh nhận sốt xuất huyết.

Theo chuyện gia, sốc là dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ ba - sáu của bệnh. Dấu hiệu sốc gồm: mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều bị sốc.

Khi thấy những biểu hiện của bệnh như sốt cao đột ngột, liên tục, xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

"Xuất huyết là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh, có thể là xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc hoặc xuất huyết phủ tạng. Trường hợp nặng dẫn đến nguy kịch với những triệu chứng xuất huyết phủ tạng, sốc, hôn mê…", BS Nguyễn Tiến Lâm nhấn mạnh.

Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả nhất

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh. Người dân cần thực hiện theo nguyên tắc, không lăng quăng, bọ gậy, không muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ.

Dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành và những lưu ý không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh.

Tránh muỗi đốt, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay, không cho trẻ em chơi chỗ tối, dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi.

Khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hoặc vào mùa dịch cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.

Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan y tế dự phòng địa phương quyết định. Vì trên thực tế, có những loại hóa chất có tác dụng diệt muỗi ở khu vực này nhưng lại không hiệu quả ở khu vực khác.

Khi phát hiện người nhà bị ốm với các triệu chứng trên, biểu hiện rõ nhất là sốt cao và xuất huyết, gia đình hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời. Mặt khác cần có biện pháp cách li người bệnh hợp lý, tránh để lây lan thành ổ dịch.

aFamily

Sốt xuất huyết, BS Nguyễn Tiến Lâm, muỗi truyền bệnh, phòng tránh sốt xuất huyết, phòng chống sốt xuất huyết


      © 2021 FAP
        922,517       872