Vải, anh đào, lê, táo… đều là những loại quả rất thơm ngon. Tuy nhiên, nếu chẳng may nhai và nuốt hạt của những loại quả này, bạn có thể bị ngộ độc, thậm chí nhanh chóng tử vong.
Nhiều người cho rằng, những loại trái cây thơm ngon, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thì đồng nghĩa các bộ phận của loại quả đó cũng lành tính. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Từ những phân tích của những trang y tế uy tín hàng đầu thế giới và kết hợp ý kiến chuyên gia, chúng ta sẽ thấy rõ nhiều loại quả ngon ngọt nhưng cũng chứa hạt cực độc, cần tránh ăn, nhai phải.
Hạt quả vải
Theo CDC, khảo sát ở quận Muzaffarpur, Ấn Độ cho giả thiết rằng chất methylenecyclopropylglycine (MCPG) có trong hạt quả vải có cơ chế tác dụng tương tự như chất hypoglycin A có trong trái Ackee chưa chín (một loại trái cây trong họ thực vật tương tự như quả vải). Chất hypoglycin A có trong trái Ackee chưa chín đã được chứng minh là gây hạ đường máu. Hợp chất methylenecyclopropylglycine (MCPG) có trong hạt quả vải có thể gây hạ đường huyết, co giật và bệnh não cấp tính.
Trong hạt quả vải có cơ chế tác dụng tương tự như chất hypoglycin A có trong trái Ackee chưa chín.
Theo báo cáo của Lancet (một trong những tuần san y khoa tổng quan lâu đời nhất và tốt nhất thế giới) vào năm 1967, việc ăn quả vải ương sẽ có hàm lượng cao hypoglycin A hoặc methylenecyclopropylglycine (MCPG) dẫn đến hạ đường huyết và tử vong do bệnh não cấp tính.
Do đó, hạt quả vải có thể gây hại cho sức khỏe nếu chẳng may ăn phải. Do đó, tốt nhất bạn cần chú ý khi ăn loại quả này: Không ăn vải ương và không cắn, nuốt hạt quả vải để tránh bị trúng độc.
Hạt quả táo và lê
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), trong hạt táo và lê đều có chứa chất hydrogen cyanide. Ăn hạt táo hay hạt lê có thể tạo thành hydrogen cyanide trong ruột.
Trong hạt táo và lê đều có chứa chất hydrogen cyanide.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ở liều lượng thấp, chất này có thể gây mệt mỏi, buồn nôn, choáng váng… Nếu ăn phải ở liều cao, bạn có thể bị hạ huyết áp, rối loạn hô hấp, đau đầu, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu ăn liên tục tầm 25 lõi táo hoặc lê trở lên.
Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi ăn táo hoặc lê, bạn cần gọt vỏ, bỏ lõi sạch sẽ nếu không muốn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Hạt quả anh đào
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, tương tự như hạt táo và hạt lê, hạt của quả anh đào cũng rất độc. Nếu chẳng may nhai phải loại hạt này, hoặc đơn giản là có một chút trầy xước trên hạt tiếp xúc với miệng bạn và đi vào ruột cũng có thể sản sinh axit prussic (hydrogen cyanide). Chuyên gia lưu ý thêm, loại chất này cũng sản sinh nếu bạn nhai phải hạt mận, đào.
Tương tự như hạt táo và hạt lê, hạt của quả anh đào cũng rất độc.
Mặc dù vậy, ông Thịnh cũng cho biết, bạn không nên quá lo lắng. Ngộ độc do hạt anh đào chỉ xảy ra nếu bạn nhai, nuốt hạt. Anh đào cũng như những loại quả đào, mận hoàn toàn an toàn nếu bạn không nhai vỡ hạt, thậm chí nuốt chửng vài hạt cũng không vấn đề gì.
Hạt quả na
Na là loại trái cây thơm ngon, ngọt mát. Hạt na bám vào từng múi quả nhỏ, do đó, khi ăn na, chúng ta thường khó nhằn hết được hạt. Nhiều người còn có thói quen sử dụng hạt na để diệt trừ chấy rận, ngâm quần áo đề diệt rận… đều không tốt cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hạt na cũng giống như hạt mãng cầu giống như thuốc độc, có thể đầu độc qua đường uống. Tuy nhiên, nếu ăn na mà chẳng may nuốt phải hạt thì bạn cũng không cần quá lo lắng. Hạt na có vỏ dày và rất cứng, bao bọc nhân hạt, do đó không thể gây ngộ độc cho bạn.
Hạt na cũng giống như hạt mãng cầu giống như thuốc độc, có thể đầu độc qua đường uống.
Hạt hạnh nhân đắng
Chúng ta đều biết hạnh nhân là một loại hạt khô ngon và có nhiều công dụng như hỗ trợ tim mạch, chống lão hóa, chống ung thư và thúc đẩy sự phát triển trí thông minh cho thai nhi. Tuy nhiên, đó là công dụng của hạnh nhân ngọt. Ngoài hạnh nhân ngọt, chúng ta còn có hạt hạnh nhân đắng.
Theo Webmd, hạnh nhân đắng có chứa dầu hạnh nhân dưới tác dụng của men tiêu hóa và dịch vị sẽ phân giải thành acid hydrocyanic rất độc. Hóa chất này gây nên ngộ độc cơ thể thiếu oxy. Nếu bị nhẹ, bạn có thể bị váng đầu, đau đầu, lợm giọng, người uể oải, mất sức. Nếu nặng hơn, bạn có thể bị khó thở, thậm chí tử vong do liệt trung khu hô hấp. Ngộ độc xảy ra khi bạn ăn 10-12 hạt hạnh nhân đắng một lúc, trong khi ở mức này, trẻ nhỏ có thể bị tử vong. Do đó, chúng ta không nên ăn hạnh nhân đắng, hạnh nhân sống.
Hạnh nhân đắng có chứa dầu hạnh nhân dưới tác dụng của men tiêu hóa và dịch vị sẽ phân giải thành acid hydrocyanic rất độc.
hạt trái cây gây ngộ độc, ngộ độc thực phẩm, hạt quả vải, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hạt gây ngộ độc thực phẩm