Maria Fischer vô cùng choáng váng khi phát hiện ra những mảng trọc trên đầu vào tháng 4 năm 2016 – là hậu quả của việc cô đã nối tóc suốt 10 năm qua.
Lần đầu tiên, cây bút trẻ Maria Fischer, 23 tuổi, quyết định nối tóc là năm cô 14 tuổi. Kể từ đó, Fischer chưa bao giờ lo lắng về phần tóc giả được nối thêm vào mái tóc thật của mình. Cô mang theo mái tóc mới ấy đi khắp mợi nơi, bao gồm cả tới phòng tập thể hình và khi vào các tiệm ăn nhanh.
Maria Fischer, 23 tuổi đã nối tóc được 10 năm trước khi phát hiện tóc rụng nhiều.
Nhưng tất cả mọi thứ đã thay đổi vào tháng 4 năm ngoái, khi Fischer kinh hoàng phát hiện ra một mảng tóc nhỏ đã biến mất khỏi đầu. Vô cùng hoảng sợ, cô vội vàng chụp ảnh phía sau đầu để tìm hiểu kỹ hơn. Cuối cùng, Fischer nhận ra, chính phần tóc nối đã khiến tóc cô ngày càng rụng đi. Cũng xuất hiện nhiều mảng đầu trọc tóc tới nỗi phần tóc nối không thể che phủ hết.
Đi khám bác sĩ da liễu, cô được thông báo mình bị mắc chứng traction alopecia - rụng tóc do kéo giãn. Hậu quả là tổn thương vĩnh viễn tới các nang tóc, khiến tóc không thể mọc trở lại.
Giờ thì Fischer đã vĩnh viễn chia tay với đám tóc nối và kẹp tóc đi kèm. Cô cũng dành 1 năm qua để cố gắng giúp mái tóc trở về trạng thái khỏe mạnh bình thường, trong đó có cả việc đưa mái tóc trở lại màu nâu tự nhiên vốn có.
Maria Fischer không phải người duy nhất bị rụng tóc do hậu quả của việc nối tóc. Trên thực tế, theo chuyên gia da liệu thẩm mỹ và y khoa Francesca Fusco, trong vòng 10 năm qua, cô đã chứng kiến một làn sóng phụ nữ từng nối tóc đã phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Cuối cùng, nữ nhà văn đã nhận ra những thương tổn do nối tóc sau khi xem một bức ảnh cho thấy khoảng da đầu nhỏ bị hói hồi tháng 4 năm ngoái (ảnh phải).
Ngay cả các ngôi sao cũng không miễn dịch với hậu quả do nối tóc gây ra. Siêu mẫu Naomi Campbell đã thử rất nhiều kiểu tóc khác nhau trong sự nghiệp của mình và chúng để lại những mảng hói nhìn thấy rõ trên đầu cô.
Trên tờ Evening Standard, chân dài đình đám một thời từng chia sẻ: "Giờ tôi thực sự quan tâm nhiều hơn tới mái tóc của mình. Bởi vì tôi đã mất quá nhiều tóc chỉ vì nối tóc. Tôi đã cẩn trọng hơn và đưa ra những lựa chọn khác đi".
Cẩn trọng khi nối tóc
Mặc dù được quảng bá là củng cố vẻ đẹp của phụ nữ, việc nối tóc có thể tiềm ẩn những tác dụng kinh khủng như đau đầu tới mờ cả mắt, cảm giác đau rát và rất nhiều lọn tóc quý giá rụng đi. Sự kết hợp của sức nặng và sức căng tạo áp lực lên nang tóc - khiến nó giãn ra tới một độ nhất định mà tóc không thể được giữ lại trên đầu nữa.
Bác sĩ Fusco không khuyên bệnh nhân của mình ngừng việc nối tóc nhưng nhấn mạnh, họ nên quan tâm nhiều hơn tới việc bảo dưỡng phần tóc nối này.
Fischer được chẩn đoán mắc chứng rụng tóc do kéo giãn (traction alopecia). Kể từ đó, cô đã vĩnh viễn từ bỏ phần tóc nối và thậm chí còn đưa mái tóc trở về với màu nâu tự nhiên vốn có.
Nối tóc là sử dụng tóc giả hoặc tóc thật gắn vào mái tóc hiện có hoặc da đầu bằng cách dính, khâu hay dùng kẹp. Theo bác sĩ Fusco, sự thịnh hành của trào lưu này ở chị em phụ nữ bình thường là khả năng tiếp cận với dụng cụ nối là kẹp với keo rất dễ dàng.
Tuy nhiên, cô cũng tiết lộ, nhiều người không nhận thấy việc "bảo dưỡng" tóc nối không hề đơn giản. Nó phải được thực hiện thường xuyên, kết hợp với việc làm sạch nhằm bảo vệ cả phần tóc giả và tóc thật. "Tôi luôn gợi ý một đợt nghỉ trong vài tháng sau 1 năm nối tóc". Chị em cũng nên thường xuyên xin tư vấn từ chuyên gia tạo mẫu tóc để thay đổi loại keo gắn hoặc/và điều chỉnh phần tóc nối. Như vậy, phần tóc nối thêm không bị gắn vào một nhóm tóc cố định và mái tóc không bị quá tải bởi sức căng. Kết quả, nang tóc ít bị tổn thương hơn và giảm nguy cơ tóc rụng.
Về chứng rụng tóc do kéo giãn (traction alopecia), bác sĩ Ball thuộc Phòng khám Matiland, Anh, khẳng định, tổn hại do chứng rụng tóc này gây ra không thể đảo ngược được nếu không phẫu thuật. "Tình trạng kéo giãn trong thời gian dài khiến nang tóc bị viêm, hình thành sẹo và sẽ vĩnh viển làm tổn thương nang tóc, dẫn tới rụng tóc kéo dài.
Siêu mẫu Naomi Campbell cũng là nạn nhân của việc nối tóc.
Nếu phát hiện bệnh sớm, sẽ có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc. Nhưng trong nhiều trường hợp, không thể ngăn cản quá trình này. Một khi tóc đã rụng, lựa chọn duy nhất là tóc giả hoặc cấy tóc".
Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cấy tóc có thể là phương án cuối cùng giúp tóc mọc trở lại.
Chứng rụng tóc do kéo giãn (traction alopecia) là gì?
Đây là tình trạng rụng tóc do tóc bị kéo giãn quá mức. Áp lực lên nang tóc khiến nó giãn ra, tới một điểm không thể giữ nổi tóc ở lại trên da đầu.
Chứng bệnh này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể phòng ngừa được.
Các kiểu tóc như buộc tết nhiều đoạn, bện tóc, búi chặt và tóc đuôi ngựa, tóc cuốn lọn dài và nối tóc, có thể gây ra tình trạng rụng tóc.
Nếu phát hiện sớm, tác hại của chứng bệnh này có thể đảo ngược với thời gian và nang tóc không còn chịu sức căng giãn lớn nữa.
Tuy nhiên, nếu nang tóc bị tổn thương quá nhiều, tóc sẽ không mọc được ở một số vị trí nhất định trên đầu. Khi đó, cấy tóc có thể là lựa chọn duy nhất để tóc mọc trở lại.
Các loại cấy tóc (Hair transplant)
1. Kỹ thuật FUT hay cấy từng đơn vị nang tóc: Là phẫu thuật liên quan tới việc tách cắt một lớp da có tóc mỏng từ một vùng cố định trên da đầu, nơi tóc được lập trình di truyền sẽ tiếp tục mọc đến suốt đời. Đây chính là vùng "hiến tặng" và phẫu thuật được thực hiện nhờ gây mê cục bộ.
Sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại lớn, nang tóc khỏe được tách ra từ mô da này và cấy vào vùng da bị hói – đây chính là vùng "nhận" - nhờ những kẹp y tế cực tốt.
Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài 4-12 tiếng. Tóc mới cấy sẽ bắt đầu mọc trở lại sau khoảng 4 tháng.
2. Kỹ thuật FUE hay tách từng đơn vị nang tóc: Có thể phục hồi tình trạng rụng tóc mà không cần cắt một dải da mỏng có tóc, do đó, tránh để lại sẹo.
Cụ thể, từng đơn vị nang tóc riêng rẽ được tách lấy trực tiếp từ da đầu, chỉ để lại những vết sẹo như dấu chấm bé xíu. Sau đó, bá sĩ sử dụng dụng cụ có gắn kính hiển vi chuyên dụng để rạch lên da đầu người bệnh rồi cấy trực tiếp tóc vào.
Giống như kỹ thuật FUT, FUE chỉ cần gây mê cục bộ là có thể thực hiện được. Một lần điều trị bằng FUE điển hình thường liên quan tới việc tách 2.000 gốc tóc và có thể mất 10 giờ.
Tóc mới sẽ bắt đầu mọc sau khoảng 4 tháng và tiếp tục mọc trong vòng 10-15 tháng tiếp theo.
(Tổng hợp: DailyMail/Thesun?Mirror)
rụng tóc, hói đầu, nối tóc, bệnh về da