Đôi khi, chỉ vì một chút sơ ý mà chúng ta nuốt phải dị vật như tăm xỉa răng hay vỏ thuốc dẫn đến nguy cơ rách hầu họng, thủng ruột, thậm chí tử vong.
Suýt thủng dạ dày vì thói quen ngậm tăm
Thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn, vào lúc 15h30 ngày 3/5, bệnh nhân Đ.V.M., sinh năm 1976, ở Long Biên, Hà Nội đến Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội khám với triệu chứng ban đầu là đau bụng. Bệnh nhân cho biết, mấy ngày gần đây bị đau bụng ở vùng thượng vị, đã đi khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.
Bệnh nhân đi khám vì nghĩ mình bị đau dạ dày hay đại tràng nhưng tại bệnh viện, các bác sĩ đã phát hiện ra trong dạ dày bệnh nhân có một "vật thể lạ" – đó là một chiếc tăm tre. Theo người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân thường có thói quen ngậm tăm.
Các bác sĩ phát hiện ra trong dạ dày bệnh nhân có một chiếc tăm tre.
Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành dùng kìm sinh thiết gắp dị vật qua nội soi, sau thủ thuật, bệnh nhân hoàn toàn ổn định nhưng được chỉ định nhập viện theo dõi dấu hiệu thủng dạ dày do dị vật. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân thường có thói quen ngậm tăm.
Trường hợp của bệnh nhân Đ.V.M. phải dùng thủ thuật để lấy tăm ra không phải là duy nhất. Trước đó, năm, 2015, anh T.V.T 38 tuổi, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, do đau bụng nhiều ở vùng bụng bên trái. Sau khi thăm khám kỹ thì bác sĩ phát hiện anh bị thủng ruột do dị vật. Nguyên do là vì 2 tuần trước đó, anh vô tình nuốt tăm tre trong quá trình ngậm sau khi ăn cơm. Sau đó, bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật, khâu lại lỗ thủng.
Nếu dị vật không được lấy ra sớm, chỉ sau từ 3-5 ngày, người bệnh sẽ có nguy cơ thủng thực quản, gây áp xe trung thất.
Trước đó, bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiến hành gắp một dị vật là một vỏ thuốc ra khỏi cơ thể người bệnh. Nguyên nhân là do bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, phải uống thuốc thường xuyên. Trong một lần uống thuốc do không để ý đã uống một viên thuốc còn nguyên trong vỏ. May mắn là bệnh nhân đã đi khám sớm và lấy dị vật ra khỏi thực quản kịp thời.
Tháng 3/2017, khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Phạm Thị D. (55 tuổi, ngụ Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng đau tức sau xương ức. trong tình trạng đau tức sau xương ức. Chị D. cho biết, trước khi nhập viện 4 giờ, chị uống một số loại thuốc và tá hoả nhận ra có nuốt 1 viên thuốc chưa bóc bao phim. Tại BV ĐHYD, chị D. được chỉ định nội soi thực quản để chẩn đoán. Kết quả cho thấy có dị vật là vỏ thuốc mang góc sắc nhọn, đâm xuyên niêm mạc thực quản gây chảy máu nhẹ. Bệnh nhân đã được các y bác sĩ khoa nội soi gắp dị vật thành công và xuất viện ngay trong ngày.
Ảnh nội soi cho thấy bao phim thuốc đâm xuyên thực quản chị D.
Cẩn trọng với nguy cơ mắc dị vật đường tiêu hóa
Theo Bác sĩ Phùng Hoàng Hiệp, Khoa nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Xanh Pôn – người trực tiếp thực hiện thủ thuật gắp dị vật cho bệnh nhân M. qua nội soi cho biết, bệnh nhân này khá may mắn vì dị vật ở vị trí có thể quan sát được và có thể lấy dị vật qua nội soi. Tuy nhiên, với trường hợp trên, nếu dị vật không được lấy ra sớm, chỉ sau từ 3-5 ngày, người bệnh sẽ có nguy cơ thủng thực quản, gây áp xe trung thất, nếu dị vật cắm vào thành thực quản. Nguy hiểm hơn, nếu dị vật cắm vào thành dạ dày có khả năng áp xe dạ dày hoặc thủng dạ dày, nếu tăm xuyên vào thành tá tràng sẽ gây thủng hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nhiều trường hợp dị vật ở vị trí khó phát hiện, chỉ có cách phẫu thuật mới lấy được dị vật ra khỏi cơ thể.
Sử dụng tăm để xỉa răng là thói quen cần được loại bỏ.
Bên canh đó, hện nay những cơ sở sản xuất kém thường sử dụng các hóa chất tẩy để làm trắng tăm. Những hóa chất không có nguồn gốc này theo đường nước bọt mà đi vào cơ thể, lâu ngày tích tụ sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số loại hóa chất tẩy trắng còn có nguy cơ gây ung thư cao.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, việc dùng tăm, chơi tăm do thói quen của cha mẹ xỉa răng sau ăn là vô cùng nguy hiểm. Tăm nhọn có thể gây nên những tai nạn thương tích mà bạn không ngờ tới. Đã từng có trường hợp trẻ bị thủng ruột vì nuốt phải tăm.
Vì vậy, để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe chúng nên bỏ thói quen xỉa răng bằng tăm. Để vệ sinh răng miệng sau ăn, bạn nên đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa được bán rất rẻ và có sẵn ở các hiệu thuốc trên toàn quốc.
Theo ThS BS. Phạm Công Khánh – Phó trưởng khoa Nội soi BV ĐHYD, dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhất là từ 6 tháng đến 6 tuổi. Ở người lớn, dị vật thường xảy ra ở người bệnh rối loạn tâm thần, chậm phát triển tâm thần, say rượu, hay những tù nhân cố ý nuốt dị vật. Những người bệnh không có răng hay sử dụng răng giả cũng thường bị dị vật đường tiêu hóa Dị vật bị kẹt, gây tắc nghẽn hay thủng thường xảy ra tại những vị trí đường tiêu hóa bị hẹp hoặc gập góc. Những dị vật sắc nhọn như xương cá, xương động vật khác (gà, vịt, heo,…), vỉ thuốc thường gây thủng đường tiêu hóa.
Bác sĩ tiến hành gắp dị vật cho bệnh nhân.
Những biểu hiện sau khi nuốt dị vật thường là nghẹn, bỏ ăn, nôn, chảy nước bọt, khò khè, nước bọt có máu và khó thở. Nếu dị vật gây thủng thực quản trên hay vùng hầu họng sẽ gây phù nề vùng cổ, đỏ da, tràn khí dưới da. Dị vật gây thủng dạ dày hay ruột non sẽ gây tình trạng viêm phúc mạc (nhiễm trùng ổ bụng) với các biểu hiện đau bụng nhiều, sốt…
Dị vật vùng hầu họng có thể gây rách và chảy máu, khó thở, thủng và tạo áp xe vùng hầu họng. Dị vật thực quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng thực quản, hẹp thực quản, viêm trung thất - đây là biến chứng nặng và có thể tử vong, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, viêm quanh tim và chèn ép tim, rò khí quản – thực quản, rò thực quản – động mạch chủ là biến chứng có thể gây tử vong rất nhanh và rất khó điều trị kịp thời. Dị vật ở dạ dày và ruột non có thể gây thủng, tạo áp xe trong ổ bụng hay viêm phúc mạc. Đây cũng là những biến chứng nặng, cần can thiệp sớm bằng phẫu thuật.
Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, các BS khuyến cáo đối với người lớn tuổi và thường sử dụng nhiều thuốc để điều trị nhiều bệnh cùng lúc cần thận trọng bóc vỏ bao thuốc trước khi uống. Người lớn cần hạn chế và thận trọng khi ăn thức ăn có nhiều xương như cá, gà, vịt,…
"Đối với người đã từng phẫu thuật thực quản, dạ dày cần nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt. Đối với người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả. Đối với trẻ em, cha mẹ cần để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể cho vào miệng", BS Khánh khuyến cáo.
thủng dạ dày, sâu răng, Chỉ nha khoa, thói quen ngậm tăm