Theo kết quả một nghiên cứu mới, việc phá vỡ đồng hồ sinh học có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Đồng hồ sinh học của con người có thể bị rối loạn - hiện tượng này các nhà khoa học gọi là "phá vỡ nhịp sinh học" – ví dụ trong trường hợp họ phải làm ca đêm. Những rối loạn ấy có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư tăng cao hơn ở những công nhân làm ca đêm – theo bác sĩ Neil Caporaso – nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và trưởng nhóm nghiên cứu.
Đồng hồ sinh học của con người có thể bị rối loạn.
Nhưng rối loạn nhịp sinh học mà công nhân làm ca đêm trải nghiệm thuộc kiểu rối loạn chính bởi vì họ chuyển từ làm việc ban ngày sang ban đêm. Còn những rối loạn nhỏ hơn, ít thấy hơn xảy ra với đồng hồ sinh học của cơ thể người liệu có tác động nào đến nguy cơ mắc ung thư hay không? Đó cũng chính là thắc mắc của nhóm nghiên cứu do bác sĩ Caporaso chủ trì.
Trên thực tế, phần lớn những người từng trải qua vài rối loạn nhỏ trong nhịp sinh học dưới dạng "social jet lag" (SJL). Theo bác sĩ Caporaso, đó là một suy nghĩ phổ biến về việc thức dậy cùng một thời điểm vào các ngày trong tuần, sau đó ngủ nướng vào cuối tuần, khi bạn không cần phải dậy sớm đi làm. Tuy nhiên, SJL cũng có thể xảy ra qua một múi giờ.
Mấy giờ là bình minh?
Theo nghiên cứu trên, trong một múi giờ nhất định, bình minh và hoàng hôn ở bất cứ điểm nào cũng khác nhau: Di chuyển 5 độ kinh độ về phía Tây qua một múi giờ tương đương với 20 phút mặt trời mọc trễ.
Ví dụ, khi một người ở Boston thức dậy lúc 8 giờ sáng, ánh mặt trời đã rạng. Nhưng khi một người sống ở Ohio thức dậy cũng vào 8 giờ sáng, trong cùng múi giờ, bên ngoài trời vẫn còn tối. Ánh mặt trời ở Boston có thể báo hiệu cho đồng hồ sinh học của người đó rằng buổi sáng đến rồi. Nhưng người ở Ohio không nhận được tín hiệu tương tự khi họ thức dậy. Việc này dẫn tới sự đối nghịch giữa thời gian trên đồng hồ và đồng hồ sinh học ở người.
Bác sĩ Caporaso cho biết, SJL có liên quan tới nhiều chứng bệnh khác nhau, bao gồm béo phì, tiểu đường. Trong nghiên cứu mới này, nhóm của bác sĩ Caporaso tập trung vào bệnh ung thư.
SJL có liên quan tới nhiều chứng bệnh khác nhau, bao gồm béo phì, tiểu đường.
Bệnh ung thư và đồng hồ sinh học
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về 4 triệu người da trắng được chẩn đoán mắc ung thư trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2012. Họ sống ở hơn 600 hạt thuộc 11 bang trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Kết quả cho thấy, với mỗi 5 độ của kinh độ khi di chuyển về phía Tây, những người sống ở rìa phía đông của múi giờ, nguy cơ bị ung thư tăng 3% với nam và 4% với nữ.
Nguy cơ mắc một số dạng ung thư nhất định cũng được nhóm các nhà khoa học nghiên cứu kỹ. Ví dụ, nam giới sống ở vùng cực tây của một múi giờ tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thêm 4%; ung thư máu (bạch cầu mãn tính thể lympho - một dạng ung thư tấn công các tế bào bạch huyết) thêm 13% so với nam giới sống ở vùng cực đông của múi giờ.
Còn phụ nữ sống ở vùng cực tây của một múi giờ tăng 4% nguy cơ bị ung thư vú, 12% nguy cơ bị ung thư máu và 10% nguy cơ bị ung thư tử cung so với phụ nữ sống ở vùng cực đông của múi giờ.
Các nhà khoa học khẳng định tiếp xúc ánh sáng tự nhiên vào ban ngày sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Tất cả những chỉ số tăng nguy cơ ung thư này đều tương đối nhỏ và bác sĩ Caporaso cho biết, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu có tồn tại mối quan hệ nhân - quả giữa ung thư và tình trạng phá vỡ đồng hồ sinh học của một người. Cơ chế liên hệ giữa nhịp sinh học và bệnh ung thư cũng chưa rõ ràng.
Nhưng có thể do một thay đổi tương đối mới mẻ trong cuộc sống thường ngày của con người. Bác sĩ Caporaso giải thích, sinh vật tiếp xúc với ánh mặt trời vào ban ngày và bóng tối vào ban đêm. "Đột nhiên, chúng ta không làm như vậy nữa", ông nói. Nhiều người ở trong phòng cả ngày và buổi tối, lại tiếp xúc với ánh sáng đèn điện Việc này có thể dẫn tới hàm lượng melatonin thấp hơn vào đêm - loại hormone có liên quan tới giấc ngủ. Kết cục, hệ miễn dịch bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc ung thư tăng lên.
Dù còn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn, nghiên cứu của nhóm bác sĩ Caporaso cũng cho thấy lợi ích của việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và tránh ánh sáng nhân tạo vào ban đêm.
(Nguồn: Foxnews)
đồng hồ sinh học, ung thư, rối loạn giấc ngủ, ánh sáng nhân tạo, Bệnh ung thư