Xoắn buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người phụ nữ.
Đau bụng cấp là một trong những cấp cứu nội ngoại khoa thường gặp của phụ nữ, nhiều trường hợp bệnh nhân đến cấp cứu vì các bệnh đơn giản như rối loạn tiêu hóa hay đau bụng kinh. Thông thường, những trường hợp này không ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau bụng xuất hiện do những bệnh lý như thai ngoài tử cung, xuất huyết nang buồng trứng và đặc biệt là xoắn buồng trứng thì chị em cần cảnh giác.
Tự ý ra tiệm mua thuốc uống khi đau bụng, lãnh hậu quả nặng nề
BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, các bệnh lý thai ngoài tử cung, xuất huyết nang buồng trứng và xoắn buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, vấn đề cứu chữa kịp thời là rất quan trọng, khi thời gian cứu chữa được tính bằng giờ, bằng phút.
Theo BS Hậu, chị em phụ nữ thường mang tâm lý ngại đến BV vì bận công việc và gia đình, nên khi có triệu chứng đau bụng thường uống các loại thuốc tự mua tại nhà thuốc thay vì đi khám để được bác sĩ kê đơn. Chính sự chủ quan này có thể khiến không ít chị em phải trả giá.
BS Hậu cho biết, xoắn buồng trứng nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Như trường hợp của chị Huỳnh Mỹ A. (26 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện tại BV ĐHYD trong tình trạng đau bụng. Theo lời lể của người bệnh, từ sáng đến lúc nhập viện cấp cứu, chị bị đau bụng dữ dội nhưng chủ quan. Nghĩ mình chỉ bị rối loạn tiêu hóa sau buổi tiệc tại công ty tối hôm trước, chị A. không đi khám mà chỉ uống thuốc tự mua và được chị em cùng cơ quan chăm sóc. Tuy nhiên cơn đau bụng không hề dứt mà còn nặng hơn, đến buổi trưa cùng ngày, chị A. ngất xỉu, phải nhập viện.
Qua thăm khám và thực hiện nhanh các cận lâm sàng, các BS xác định người phụ nữ bị xoắn buồng trứng, phải mổ cấp cứu, khiến mọi người đều bất ngờ.
BS. Hậu cho biết thêm, chị A. rất may mắn vì được đưa đến BV không quá trễ. Nếu không, chị có thể phải mổ hở, sau đó phải đặt ống dẫn lưu từ ổ bụng ra ngoài và phải nằm viện lâu hơn, vì xoắn buồng trứng để lâu sẽ hoại tử gây nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có thể bị xoắn buồng trứng
Các BS chia sẻ, xoắn buồng trứng (hay còn gọi là u nang buồng trứng xoắn) là một biến chứng nguy hiểm. Bệnh lý này thường xảy ra trên buồng trứng có u từ trước (u nang, u đặc buồng trứng…), đặc biệt là các khối u có cuống dài, nhưng cũng có thể xảy ra ngay cả trên buồng trứng bình thường.
"Việc tầm soát nhằm phát hiện sớm các u buồng trứng thông qua khám phụ khoa định kỳ và siêu âm bụng. Nếu chưa kịp khám và tầm soát các bệnh lý phụ khoa mà xuất hiện đau bụng đột ngột, đau bụng nhiều vùng chậu và hạ vị (dưới rốn), chị em nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất, để khi phát hiện các bệnh lý nguy hiểm kể trên thì kịp thời chữa trị, nhằm duy trì chức năng sinh sản cũng như chức năng nội tiết tố nữ" – BS Hậu nói.
Xoắn buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Nói về độ tuổi có thể mắc bệnh này, ThS BS. Nguyễn Thị Tố Thư – Khoa Phụ Sản BV ĐHYD cho biết, bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản, có chu kỳ kinh nguyệt đều có thể bị xoắn buồng trứng.
Triệu chứng thường gặp là người bệnh sẽ xuất hiện cơn đau quặn bụng vùng hạ vị, đau không giảm khi dùng thuốc giảm đau, giai đoạn sau đau liên tục, sốt, buồn nôn.
"Để phát hiện sớm bệnh, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần có kèm siêu âm và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Người bệnh có tiền căn bị căn bị xoắn buồng trứng khi có biểu hiện đau quặn bụng vùng hạ vị phải đi khám ngay", BS Thư khuyến cáo.
xoắn buồng trứng, đau bụng, kinh nguyệt, nguy hiểm