Sức khỏe

Báo động bệnh sởi lan rộng khắp châu Âu

Tính tới thời điểm này, các ca mắc căn bệnh có tỷ lệ truyền nhiễm rất cao này đã tăng gấp 3 lần tại Italy, trong khi Romania ghi nhận 3.400 ca và 17 bệnh nhân đã tử vong.

Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sỹ và Ukraine cũng nằm trong danh sách những quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với sự hoành hành của đại dịch sởi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, bệnh sởi bùng phát trên diện rộng chủ yếu tại các khu vực mà tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, đại dịch sởi có thể lan rộng sang các phần khác của châu Âu, nơi tiêm chủng phổ biến hơn.

Báo động bệnh sởi lan rộng khắp châu Âu - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với sự hoành hành của đại dịch sởi.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu, bác sĩ Zsuzsanna Jakab, cho biết: "Với những tiến bộ vững chắc trong nỗ lực xoá bỏ bệnh sởi suốt 2 năm qua, tình trạng số người mắc sởi leo thang ở châu Âu thực sự rất đáng lo ngại. Mô hình du lịch ngày nay khiến không một ai, không một quốc gia nào có thể nằm ngoài ảnh hưởng của virus sởi. Đại dịch này sẽ còn tiếp diễn tại châu Âu, như bất cứ nơi nào khác, cho tới khi mọi quốc gia đều đạt tới mức tiêm chủng cần thiết để có thể hoàn toàn bảo vệ được người dân của họ. Tôi đề nghị tất cả các quốc gia đang có dịch cần đưa ra biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi trong phạm vi nước mình; cũng như tất cả những quốc gia đã đạt được mục tiêu ngăn sởi thành đại dịch, tiếp tục củng cố các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao".

WHO khuyến nghị, 95% trẻ 2 tuổi cần được tiêm sởi để ngăn chặn bất cứ đợt bùng phát nào.

Nhưng theo số liệu thống kê của Italia, chỉ có 85% số trẻ 2 tuổi được tiêm vắc xin ngừa sởi vào năm 2015. Các chuyên gia y tế tin rằng, phụ huynh tránh không cho con tiêm vắc xin là do những câu chuyện đáng sợ xung quanh mối liên quan giữa vắc xin và bệnh tự kỷ. Mối liên hệ này lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà nghiên cứu Anh, Andrew Wakefield, trong một bài báo đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet năm 1998.

Tuy nhiên, sau đó, bài báo được chứng minh là không đúng và đã được gỡ bỏ năm 2010. Bác sĩ Wakefield bị cấm hành nghề y. Rất nhiều nghiên cứu chính thống kể từ đó cho thấy, không có bằng chứng xác nhận sự liên quan giữa vắc xin và bệnh tự kỷ.

Báo động bệnh sởi lan rộng khắp châu Âu - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh tránh không cho con tiêm vắc xin là do những câu chuyện đáng sợ xung quanh mối liên quan giữa vắc xin và bệnh tự kỷ.

Mặc dù thường chỉ biểu hiện qua những triệu chứng tương đối nhẹ, bệnh sởi lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tính mạng. Kể từ tháng 1 năm 2016, tại Romania, đã phát hiện hơn 3.400 ca mắc bệnh sởi và 17 trong số đó đã tử vong. Phần lớn các ca bệnh tập trung tại khu vực có tỷ lệ tiêm ngừa đặc biệt thấp.

Tại Italia, hơn 700 ca bệnh được xác nhận kể từ đầu năm 2017. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 220 và trong suốt cả năm 2016, có 884 ca bệnh. Hơn một nửa số người bị bệnh thuộc độ tuổi 15-39. Đại dịch sởi chủ yếu tập trung ở Rome, Turin, Milan và Florence.

Quan chức y tế Italia cho hay, sự bùng phát của dịch sởi cho thấy con số đáng lo ngại những người trẻ không được tiêm chủng đầy đủ để ngừa bệnh.

Bộ trưởng Y tế, Beatrice Lorenzin, phát biểu: "Chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng, vốn đã giảm sút một cách nguy hiểm trong vài năm trở lại đây".

Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng lây lan cao. Bệnh lây truyền qua các giọt nhỏ trong không khí do ho hoặc hắt hơi. Người mắc bị nổi vô số nốt đỏ gây ngứa trên khắp cơ thể trong khoảng 2 tuần sau khi nhiễm bệnh. Họ cũng bị ho, viêm họng và sốt.

Có thể dùng vitamin A và thuốc mua tại hiệu thuốc để điều trị virus cho tới khi khỏi bệnh. Cách điều trị tốt nhất là tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Nhiều năm sau khi mắc bệnh, người bị sởi có thể bị viêm não xơ hoá bán cấp tiến triển (SSPE), khi hệ thần kinh trung ương bị tấn công và có thể gây nguy hiểm tính mạng.

(Nguồn: DailyMail)

aFamily

bệnh sởi, dịch sởi, Bệnh truyền nhiễm, phòng bệnh truyền nhiễm


      © 2021 FAP
        1,115,321       730