Chắc hẳn ai cũng đã đã từng lâm vào tình cảnh khó khăn này. Nhưng bạn có bao giờ ý thức được tác hại của việc nhịn đi tiêu?
Đôi khi "tiếng gọi tự nhiên" xuất hiện không đúng lúc và giải pháp tình thế cho bạn là buộc phải không nghe theo chúng. Theo các chuyên gia y khoa, cách này không phải giải pháp tích cực cho vấn đề nhạy cảm mang tên đi tiêu. Tiến sĩ Niket Sonpal, trợ lý giáo sư tại phòng mạch Tuoro trực thuộc trung tâm y khoa Osteopathic Medicine tại New York cho biết, khi nhịn đi tiêu, ngoài việc khó chịu về tinh thần, cơ thể bạn chịu nhiều tác động hơn bạn tưởng.
Nhịn đi tiêu không chỉ gây khó chịu về tinh thần mà còn khiến cơ thể bạn chịu nhiều tác động.
Khi tự nhiên bắt đầu "vẫy gọi" bạn
Theo tiến sĩ Niket, khi phần chất thải dư thừa trong cơ thể xuống đến trực tràng, chúng ra hiệu cho não bộ rằng đã đến lúc tống đẩy ra ngoài. Đối với một số người, quá trình này diễn ra không theo quy luật nào và khó dự đoán. Tuy nhiên, với một số khác, việc thải loại diễn ra khá đều đặn, thường là sau khi dùng bữa.
Một cốc cà phê buổi sáng cũng là nhân tố tác động đến quá trình tiêu hóa ở nhiều người. Theo tiến sĩ, đây là thời điểm phù hợp nhất để giải quyết những cơn khó chịu gây ra bởi phần chất thải trong hệ tiêu hóa của bạn. Nếu không vướng bận gì, đừng nên "để dành" mà hãy giải quyết chúng ngay trước khi mọi thứ thêm rắc rối.
Sau 2 giờ đồng hồ
Nhóm cơ thắt là khu vực phải hoạt động cật lực nhất khi bạn cố gắng chống lại "quy luật tự nhiên". Theo Jacqueline Bromberg, dược sĩ kiêm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Memorial Sloan-Kettering thuộc Đại học Weill Cornell Medical College, New York (Mỹ), trong vài giờ đồng hồ đầu tiên, bạn sẽ phải chịu áp lực lớn tại vùng hậu môn.
Một số người mô tả chúng như một cơn đau lâm râm tại vùng bụng, số khác lại cho rằng cơn đau có tần suất nặng hơn nhiều. Nhìn chung, bạn sẽ thấy đầy bụng, khó chịu và bắt đầu khó khăn khi phải di chuyển.
Bạn sẽ thấy đầy bụng, khó chịu, khó khăn trong di chuyển sau khi nhịn đi tiêu 2h.
Sau 6 tiếng
Sau khoảng thời gian 6 tiếng, cơ thể sẽ quen dần với áp lực và cũng có những điều chỉnh để thích nghi với tình trạng này. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, không còn ì ạch như trong mấy giờ đồng hồ đầu.
Tuy nhiên, Maggie Michalczyk, nhà khoa học kiêm chuyên gia dinh dưỡng tại Chicago cho biết, hiện tượng này không phải là dấu hiệu tốt bởi những gì cơ thể làm chỉ là cố gắng ép chặt phần chất thải lại nhằm tiết kiệm diện tích và giảm khó chịu cho bạn. Đây là giai đoạn đầu của hiện tượng táo bón.
Sau 12 giờ
Càng ở trong cơ thể bạn càng lâu, các chất thải càng khó tống khứ ra khỏi cơ thể bạn. Sau nửa ngày, những chất thải sẽ đóng cứng tại phần ruột già và gây đau đớn, khó chịu. Deborah Levy, dược sĩ học kiêm tư vấn viên y khoa trung tâm Sức khỏe Carrington Farms cho biết, mọi nỗ lực tống khứ đống chất thải này ra khỏi cơ thể giờ đây đều sẽ gây ra tổn thương cho những khu vực lân cận, nhẹ nhất là đau rát, chảy máu, nặng hơn là tạo thành những vết rách cho ruột già và hậu môn.
Nhịn đi tiêu quá lâu có thể khiến bạn bị táo bón và nhiều bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm khác.
Sau đó nữa…
Trên thực tế, các nhà khoa học chưa ghi nhận tình trạng tử vong nào do nhịn đi tiêu quá lâu. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành, chúng sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng với đường tiêu hóa.
Debby Herbenick, chuyên viên y khoa tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, sau khoảng thời gian dài, bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của thuốc nhuận tràng hoặc một vài dụng cụ hỗ trợ để có thể thải loại phần phân đóng cục trong ruột già. Do đó, lời khuyên cho bạn vẫn là xử lý vấn đề ngay khi chúng vừa diễn ra trong một vài giờ đồng hồ đầu tiên.
(Nguồn: Womenshealthmag)
đi tiêu, táo bón, bệnh đường tiêu hóa, nhịn đi tiêu