Bộ Y tế cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ lây lan cao và cực nguy hiểm.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ra cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ lây lan sang Việt Nam do gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc nhưng không ít người vẫn tỏ ra chủ quan. Điều này rất nguy hiểm vì nguy cơ mắc bệnh là rất lớn.
Bộ Y tế đã ra cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ lây lan sang Việt Nam.
Chủng virus cúm gia cầm H7N9 đang có sự biến đổi nguy hiểm
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ gây bệnh ở người giết mổ do tiếp xúc trực tiếp.
Ngày 25/02/2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của vi rút cúm A(H7N9) ở gia cầm, cụ thể như sau:
Ngày 18/2/2017, WHO đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gen của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A (H7N9) tại Quảng Đông, phát hiện một số thay đổi của virus cúm A (H7N9), cụ thể là virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Trước đó, ngày 17/2/2017, theo thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Đài Loan (Trung Quốc) về kết quả giải trình tự gien của virus được phân lập từ 01 bệnh nhân cúm A (H7N9) tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát hiện sự thay đổi của virus cúm A (H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ gây bệnh ở người giết mổ do tiếp xúc trực tiếp.
Sự liên tục thay đổi như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp. Do đó quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A (H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Theo thông báo từ phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại Bắc Kinh, trong đợt dịch lần thứ 5 này, có 8/86 (9%) mẫu virus cúm A (H7N9) trên người có dấu hiệu chỉ điểm về gen (genetic markers) kháng neuraminidase. Tuy nhiên, WHO chưa có bằng chứng để khuyến cáo các thay đổi về quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm virus cúm A (H7N9) ở người.
Từ tháng 10/2016 đến 22/2/2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận 425 trường hợp cúm A(H7N9) ở người.
Người làm gà nên bảo hộ an toàn, không được chủ quan
Trong khi đó, tại nhiều cơ sở giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh không mấy quan tâm vấn đề này. Bởi nhiều người nghĩ dịch cúm gia cầm H7N9 đang ở tận Trung Quốc, không thể lây sang Việt Nam
Trước vấn đề này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân hạn chế tiếp xúc gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân hạn chế tiếp xúc gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) mối nguy lớn nhất của dịch cúm gia cầm chính là tâm lý chủ quan của người dân. Nhiều người có suy nghĩ chỉ người trực tiếp tiếp xúc, giết mổ gia cầm thường có nguy cơ nhiễm virus cao nhất. Thực tế, virus cúm gia cầm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hay qua dịch tiết từ gà mà người mua, người bán hay giết mổ không để ý.
"Mặt khác, virus cúm gia cầm cũng có thể xâm nhập qua đường miệng (ăn, uống). Người mổ gia cầm sau khi mổ không rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn mà dùng tay ăn, uống có thể đưa virus vào miệng", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm virus gia cầm, chúng ta nên mua gà và chỉ mổ con gà khi đã được các cơ quan chứng năng kiểm dịch. Với người mổ gia cầm tại nhà phải đảm bảo gà còn khỏe mạnh. Khi mổ gà phải chú ý đeo găng tay, khẩu trang. Sau khi mổ gà xong phải rửa sạch dao, thớt và chỗ làm gà, rửa tay sạch bằng xà phòng.
Thịt gia cầm cần phải nấu chín trước khi ăn.
Mặt khác, thịt gia cầm cần phải nấu chín trước khi ăn. Với trứng gà, trứng vịt không nên ăn sống hay ăn khi còn lòng đào. Tuyệt đối không làm thịt gà hay bán gà chết để phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Đặc biệt, không nên mua các loại gà không rõ nguồn gốc làm sẵn bày bán tràn lan vì đó những sản phẩm khó kiểm soát nguy cơ mắc bệnh từ các loại gà này rất lớn.
Lưu ý quan trọng nhất mà nhiều người không quan tâm đó là: Khi gia cầm chết, người dân cũng không nên tiếc mà thịt ăn. Bởi những con gia cầm này là mầm bệnh, khi chúng ta ăn vào cơ thể sức đề kháng sẽ dẫn đến mắc bệnh cho con người.
cúm gia cầm, virus cúm gia cầm H7N9, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, virus cúm A, cúm gia cầm H7N9