Nhiều người cho rằng bệnh thủy đậu chỉ dễ gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Thế nhưng mới đây, nhiều trường hợp mẹ lây bệnh thuỷ đậu cho con đã cho thấy suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 cho biết, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 là lúc dịch thuỷ đậu hoạt động mạnh. Từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 24 ca trẻ phải nhập viện vì bệnh này. Dù số lượng không nhiều, tuy nhiên có những ca trẻ nhiễm thủy đậu khi nguồn lây lại là người lớn, cụ thể là mẹ ruột của mình.
Mẹ không chích ngừa thuỷ đậu, con lãnh hậu quả
Điển hình như trường hợp của một bệnh nhi sơ sinh đã xuất viện cách đây ít ngày. Theo lời kể của người thân, mẹ của bệnh nhi không chích ngừa thủy đậu từ nhỏ. Đến khi lớn lên, làm việc trong môi trường cộng đồng, cô bị nhiễm bệnh từ đồng nghiệp khi vừa mới sinh con. Hậu quả là đứa con bị lây bệnh từ mẹ khi mới 20 ngày tuổi.
"Mô hình nhiễm thủy đậu ngày nay có phần khác so với những năm về trước. Ngày xưa độ tuổi mắc bệnh thủy đậu thường là từ 10 tuổi trở xuống, vì khi đi học, trẻ tiếp xúc với trường học, nhà trẻ khi chưa chích ngừa nên nhiễm bệnh từ cộng đồng. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nhiều người khi đến 20-25 tuổi mới phát bệnh rồi lây ngược lại cho trẻ nhỏ" – BS Khanh nói.
Một đứa trẻ bị nhiễm thuỷ đậu từ mẹ đang được điều trị tại Bv Nhi Đồng 1.
Giải thích về sự thay đổi này, BS Khanh cho việc chích ngừa không triệt để, bỏ giữa chừng là một trong những nguyên nhân chính. Theo đó, nhiều người cho rằng chỉ cần tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu 1 lần là đủ, và nhiều công ty sản xuất vắc-xin cũng như vậy. Tuy nhiên việc này chỉ phù hợp với những nước đã phát triển, khi hầu như tất cả trẻ em đều được tiêm ngừa thủy đậu. Còn tại Việt Nam, việc tiêm chủng này còn lẻ tẻ, không triệt để nên mầm bệnh thủy đậu hoang dại vẫn tồn tại và có thể phát tán, gây bệnh bất cứ lúc nào.
Bệnh thủy đậu lây từ người lớn sang trẻ nhỏ tồn tại nhiều nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, ở người phụ nữ mang thai dưới 3 tháng tuổi mà nhiễm thủy đậu có thể gây ra một số hậu quả như sẩy thai, trẻ bị đục thủy tinh thể, để lại sẹo…
BS Khanh khuyên người bệnh nên chích ngừa đầy đủ liều lượng, cụ thể là hai mũi, cách nhau ít nhất từ 3 tháng trở lên. Nhất là với trẻ nhỏ càng cần phải tiêm chủng khi trẻ ở độ tuổi bắt đầu đi học, tiếp xúc với nhiều người.
Những quan niệm sai lầm về bệnh thủy đậu
Nói về việc có nhiều tin đồn rằng đã có người đã mắc bệnh thủy đậu rồi lại tiếp tục phát bệnh lần nữa, BS Khanh cho biết đây hoàn toàn là thông tin sai lệch, bởi dịch bệnh này chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong đời.
Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp với những triệu chứng là vết thâm, bóng nước khi phát bệnh. Những vết thâm này có thể kéo dài từ 3-6 tháng. Một số người cho rằng nên tác động bên ngoài bằng cách chọc ngoáy cho bóng nước vỡ ra rồi xức thuốc cho mau lành. Tuy nhiên theo BS, cách làm này chẳng những không làm nhanh hết bệnh mà còn khiến vết thương có thể bị nhiễm trùng và để lại sẹo.
Ngoài ra, một số cách chữa bệnh dân gian rất hay được nhiều người sử dụng như trùm kín người, kiêng nước, kỵ ra gió (để rạ phát ra càng nhiều) hay uống nước, tắm nước cây cỏ, thực vật có chữ "rạ" (thủy đậu còn được dân gian gọi là trái rạ). Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 cho biết đó hoàn toàn là những phương pháp chữa bệnh không chính xác, bởi tên bệnh (trái rạ) và tên cây cỏ chỉ là một cách gọi, không liên quan gì với nhau. Thậm chí khi uống những thứ nước trên có thể gây ra ngộ độc.
BS Trương Hữu Khanh chia sẻ về những quan niệm sai lầm trong việc chữa trị thuỷ đậu mà nhiều người mắc phải.
Còn việc tạo điều kiện cho thủy đậu phát tán nhiều hơn trên người càng khiến nguy cơ nhiễm trùng da tăng cao, có thể dẫn đến sẹo và nặng hơn là nhiễm trùng huyết.
BS Khanh cho biết, do tính chất thủy đậu là nổi từng đợt, rải rác toàn thân nên hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt như trẻ nhiễm bệnh khi dưới 1 tháng tuổi hoặc có những biến chứng, bệnh lý nặng như thận hư, ung thư máu, đang sử dụng thuốc đặc trị mà không may mắc thủy đậu khiến bệnh nặng mới cần nhập viện.
"Hiện nay có một loại thuốc dùng để điều trị virus thủy đậu là acyclovir, uống càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 48 giờ. Ngoài ra còn có dạng thuốc bôi ngoài da (xanh methylan) có thể khống chế virus thủy đậu" – BS Khanh nói.
BS Khanh khuyên mọi người khi mắc bệnh nên nhanh chóng chữa trị bằng những cách phù hợp. Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên phải liên tục mang khẩu trang. Nếu chưa mắc bệnh, tốt nhất nên phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin theo lịch. Dù trên thị trường hiện có nhiều loại vacxin ngừa thủy đậu với nhiều thương hiệu, giá cả khác nhau, tuy nhiên theo BS Trương Hữu Khanh, ở Việt Nam chỉ có một dòng vacxin ngừa thủy đậu, do đó về cơ bản là như nhau.
trẻ, Nhi Đồng 1, nguy hiểm, thuỷ đậu, bệnh nhiễm trùng