Việt Nam được coi là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới. Nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến viêm gan B mạn tính, xơ gan và ung thư gan.
Hậu quả và các biến chứng do nhiễm viêm gan B được dự báo sẽ là gánh nặng đối với sức khỏe y tế cộng đồng trong nhiều năm nữa. Hiểu rõ thực trạng và mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ giúp mọi người có thái độ thích hợp trong phòng ngừa, theo dõi và điều trị.
Tỷ lệ nhiễm và quá trình tiến triển của bệnh
Viêm gan do vi rút viêm gan B là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên bình diện toàn cầu. Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới năm 2016, khoảng gần 1/3 dân số thế giới bị nhiễm, 240 triệu người nhiễm trở thành mạn tính và khoảng 780 nghìn người tử vong hàng năm do các biến chứng của nó như xơ gan và ung thư gan (1).
Khi bị nhiễm HBV, phần lớn người bệnh không có biểu hiện triệu chứng gì nên thường không hề biết mình bị nhiễm. Những người này được gọi là người lành mang vi rút và là nguồn lây bệnh rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Số còn lại sẽ tiến triển thành thành viêm gan B mạn tính hoạt động, xơ gan và ung thư gan. Quá trình tiến triển bệnh từ viêm gan mạn tính tới xơ gan và ung thư gan tích lũy theo thời gian. Tỷ lệ phát sinh xơ gan từ viêm gan mạn tính trong vòng 5 năm khoảng 10-20% (2).
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư gan nhưng tại khu vực Châu Á, viêm gan B chiếm tỷ lệ cao nhất tới 70-80% tất cả các trường hợp ung thư gan (2,3).
Các đường lây truyền viêm gan B
Vi rút viêm gan B lây truyền từ người này sang người khác theo đường máu bao gồm 3 con đường chính: Mẹ truyền sang con, quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm và tiêm chích ma túy.
Ngoài ra còn có các con đường khác rất đáng quan tâm như truyền/lọc máu, các thủ thuật y khoa sử dụng các dụng cụ không được khử trùng tối ưu tại các cơ sở y tế không được trang bị hệ thống khử trùng tốt và sở thích xăm trổ trên cơ thể…
Bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh nở được cho là quan trọng nhất bởi vì đây là con đường lây truyền phổ biến nhất tại Việt Nam và trẻ sinh ra bị nhiễm có nguy cơ cao tiến triển thành viêm gan mạn tính và xơ gan cũng như phát sinh ung thư gan về sau.
Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con phụ thuộc vào mức độ hoạt động của vi-rút trong thời kỳ mang thai. Mức độ hoạt động của vi-rút được biểu hiện bằng hai chỉ số chính đó là nồng độ vi rút (HBV-DNA) và tình trạng HBeAg trong máu.
Nếu nồng độ vi rút trong máu cao và HBeAg dương tính có nghĩa là mức độ hoạt động và nhân lên của vi rút cao và ngược lại. Theo các nghiên cứu cho thấy thì nguy cơ trẻ bị nhiễm rất cao nếu như nồng độ vi rút (HBV-DNA) trong máu lớn hơn 106 (copies/ml) và HBeAg dương tính (4).
Trẻ bị nhiễm sau sinh có nguy cơ rất cao tiến triển thành viêm gan mạn tính (>90%) (5).
Vì vậy những bà mẹ có kế hoạch mang thai hoặc đang có thai có tiền sử nhiễm vi rút HBV nên được khuyến cáo đến các cơ sở y tế kiểm tra chặt chẽ mức độ hoạt động của vi rút để có kế hoạch điều trị thuốc kháng vi rút.
Đồng thời có thể tiêm globulin miễn dịch viêm gan B (H-BIG) khi sinh cùng với mũi đầu tiên trong 3 mũi vacxin viêm gan B sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm virus HBV cho con một cách hiệu quả.
Trong khi đó chỉ dưới 5% người trưởng thành bị nhiễm tiến triển thành viêm gan mạn tính. Điều này đồng nghĩa với hơn 95% các trường hợp người trưởng thành bị nhiễm có thể khỏi bệnh sau khi bị phơi nhiễm (5).
Tại Việt Nam, mặc dù vacxin phòng viêm gan B được sử dụng từ hơn 20 năm qua và có khả năng bảo vệ hiệu quả tình trạng lây nhiễm trên 95%, nhưng nhiễm viêm gan B vẫn đang là một vấn đề y tế thời sự nóng bỏng bởi vì đây là bệnh rất khó điều trị triệt để với các liệu pháp kháng vi rút hiện nay.
Theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 10-12 triệu người bị nhiễm (6). Tuy nhiên trong số đó có rất nhiều người không biết mình đang bị nhiễm và đó là nguồn lây chính cho cộng đồng.
Hơn nữa, đa số người bị nhiễm viêm gan B tại Việt Nam không được điều trị. Ngay cả tại Mỹ thì cũng chỉ có khoảng 2.5% bệnh nhân bị nhiễm HBV được điều trị thuốc kháng vi-rút (7).
Trở ngại cho bệnh nhân trong việc tuân thủ phác đồ điều trị đó là đa số các thuốc kháng vi-rút có giá thành khá đắt, cần phải dùng trong thời gian dài và cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu ở các tuyến trên để theo dõi, xét nghiệm định kỳ mỗi 3-6 tháng.
Chính vì các lý do trên mà nhiều bệnh nhân tự ý dừng thuốc hoặc không kiểm tra định kỳ đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân được điều trị không bài bản, không đúng phác đồ và không được theo dõi sát thì rất có nguy cơ bị kháng thuốc và bệnh tiến triến càng nhanh và nặng nề hơn.
BS. Nghiêm Xuân Hoàn, Nghiên cứu sinh tại Viện Y học nhiệt đới - Đại Học Eberhard Karls Universität Tübingen, CHLB Đức. Thành viên trẻ của hội gan mật Châu Âu (European Association for the Studyof the Liver).
Đáng nói hơn hiện nay trên thị trường thuốc Việt Nam có rất nhiều loại thuốc kháng vi-rút (thuốc nội địa hoặc thuốc được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau).
Bệnh nhân có rất nhiều sự lựa chọn tuy nhiên không phải thuốc nào cũng có hiệu quả điều trị như nhau. Hiệu quả điều trị phụ thuộc rất nhiều yếu tố như chất lượng thuốc, thế hệ thuốc, tình trạng và giai đoạn bệnh và phác đồ điều trị được áp dụng...
Vì thế trước khi điều trị cần phải xem xét cẩn thận tình trạng lâm sàng để lên kế hoạch điều trị lâu dài và phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị.
Bởi vậy, lời khuyên rất quan trọng đối với tất các các bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính cần phải đến các cơ sở có đội ngũ nhân viên ý tế chuyên sâu về bệnh lý này để tư vấn, khám điều trị và theo dõi một cách tốt nhất cho sức khỏe của chính bản thân mình.
Nguồn trích dẫn
1. http://www.who.int/immunization/diseases/hepatitisB/en/
2. Liu J, Fan D. Hepatitis B in China. Lancet. 2007
3. El-Serag HB. Hepatocellular carcinoma. N Engl J Med. 2011
4. Noele P.Nelson. Prevention of Perinatal Hepatitis B Virus Transmission. J Ped Infect Dis. 2014
5. Massimiliano P et al. Chronic hepatitis B in children and adolescents. J of Hepatolgy. 2012
6. Nguyen VT. Hepatitis B infection in Vietnam: current issues and future challenges. Asia Pac J Public Health. 2012
7. Cohen C, et al. Is chronic hepatitis B being undertreated in the United States?. J Viral Hepat. 2011
xơ gan, ung thư gan, viêm gan B