Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương pháp tăng cường năng lượng cho kháng sinh để dễ dàng tiêu diệt nhiều loại siêu vi khuẩn.
Cuộc khủng hoảng mang tên kháng kháng sinh
Nghiên cứu do Đại học College London thực hiện, được đánh giá là mang tính đột phá trong cuộc chạy đua với tình trạng kháng thuốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã coi tình trạng kháng kháng sinh là một trong những nỗi đe doạ lớn nhất, khẩn cấp nhất với sức khỏe cộng đồng trong thời đại này. Trong khi đó, một hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức năm ngoái đã nhấn mạnh, kháng kháng sinh chính là nguyên nhân gây nên sự bùng phát của dịch Ebola và HIV.
Trên thực tế, sự gia tăng kháng kháng sinh được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm cả việc lạm dụng kháng sinh cho những bệnh do virus gây ra (khi đó, kháng sinh không hề có tác dụng điều trị); kê đơn sai, liều lượng sai và thói quen dùng kháng sinh trong nông nghiệp để tăng năng suất.
Nhiều báo cáo cho thấy, đã xuất hiện loại siêu vi khuẩn kháng cả loại kháng sinh mạnh nhất hiện có, như colistin. Siêu vi khuẩn thậm chí còn giải phóng các phân tử làm mồi, nhờ đó, chúng có thể "tẩu thoát" thành công khỏi sự truy tìm và tiêu diệt của kháng sinh. Điều này buộc các nhà khoa học hoặc phải tạo ra những loại kháng sinh mới, hoặc phải tìm ra cách nâng cấp những loại đang có để duy trì hiệu quả điều trị bệnh.
Siêu kháng sinh chống lại siêu vi khuẩn
Thông thường, kháng sinh bám vào tế bào vi khuẩn để tiêu diệt chúng - bạn có thể hình dung giống như việc tra chìa khóa vào ổ khóa một cánh cửa. Khi vi khuẩn trở nên kháng thuốc, sẽ xảy ra tình trạng tương tự việc ổ khóa biến đổi, làm cho chìa khóa cũ không thể mở nổi cửa. Nhưng các nhà khoa học đến từ Đại học College London đã tìm ra một loại thuốc với sức mạnh vượt trội, có thể tác động một lực vật lý cực mạnh lên vi khuẩn. Kết quả là "cánh cửa sẽ bị giật tung khỏi bản lề".
Cụ thể là một loại kháng sinh rất mạnh có tên vancomycin - vốn được sử dụng như cứu cánh cuối cùng trong điều trị bệnh nhiễm tụ cầu vàng kháng Methicilin (MRSA) và oritavancin, một biến thể của vancomycin - được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng da phức tạp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, oritavancin ép chặt vào vi khuẩn kháng thuốc với một lực mạnh gấp 11.000 lần so với vancomycin, mặc dù cả hai loại kháng sinh này đều dùng chung mã "chìa khóa". Oritavancin có thể tiêu diệt vi khuẩn trong vòng 15 phút. Trong khi đó, thời gian để vancomycin làm điều tương tự là từ 6 đến 24 giờ.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Joseph Ndieyira, cho biết: "Một số loại kháng sinh mạnh tới nỗi chúng có thể giật tung cánh cửa ra khỏi bản lề và ngay lập tức giết chết vi khuẩn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, lực mà oritavancin có thể phát ra thực sự khiến vi khuẩn bị đâm thủng và xé toạc. Phát hiện này sẽ giúp chúng ta không chỉ tạo ra được loại kháng sinh mới mà còn cải tiến những loại hiện có nhằm vượt qua tình trạng kháng thuốc".
Theo lý giải của bác sĩ Ndieyira, phân tử oritavancin liên kết với nhau rất chặt chẽ và hình thành nên các nhóm phân tử - chúng thực hiện nhiệm vụ cày xới bề mặt vi khuẩn, xé rách bề mặt đó và cuối cùng giết chết vi khuẩn.
Một điều rất thú vị nữa cũng được khám phá từ nghiên cứu trên là điều kiện trên bề mặt vi khuẩn lại rất phù hợp cho việc tạo nhóm phân tử kháng sinh. Kết quả, hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh càng tăng lên gấp bội.
Hiện, các nhà khoa học đang tìm kiếm những loại kháng sinh khác có thành phần tương tự để tạo ra "một thế hệ thuốc mới" đủ khả năng đánh bại ngay cả những siêu khuẩn kháng thuốc đáng sợ nhất.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y tế Tây Nam, Đại học Texas vào năm ngoái, các nhà khoa học dùng một loại thuốc để "che mắt" siêu vi khuẩn, khiến chúng không thể tìm ra vị trí chúng thường bám vào trên cơ thể vật chủ. Cách này đem lại hiệu quả chữa bệnh tốt hơn so với việc tiêu diệt vi khuẩn.
Sự trỗi dậy của các siêu vi khuẩn
Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi để trở nên "thông minh vượt trội" - tức là có khả năng chống lại tác dụng của kháng sinh. Tình trạng này khiến cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm đang tiến tới rất gần thảm họa mang tên "không thể chữa nổi".
Vi khuẩn mang gen kháng thuốc với nhiều loại kháng sinh được gọi là siêu vi khuẩn.
Phần lớn những căn bệnh truyền nhiễm xảy ra trong bệnh viện hay tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính, hơn 2 triệu người bị nhiễm vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh mỗi năm. Hơn 23.000 người thiệt mạng do những căn bệnh truyền nhiễm này mỗi năm.
Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu không thể kiểm soát đại dịch này, siêu vi khuẩn có thể giết chết nhiều người hơn so với bệnh ung thư tính tới trước năm 2050.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên tình trạng gia tăng của siêu vi khuẩn:
- Lạm dụng kháng sinh: Bác sĩ kê đơn kháng sinh khi không cần thiết và bệnh nhân dùng kháng sinh khi không cần thiết.
- Sự tiến hóa của vi khuẩn: Hiện tại, vi khuẩn đã tiến hóa để hình thành nên khả năng kháng kháng sinh nhanh hơn so với tốc độ con người có thể tạo ra một loại thuốc mới để điều trị. Kết quả, các bác sĩ chỉ còn lại ít vũ khí trong kho để tiến hành cuộc chiến chống lại vi khuẩn.
- Việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp: Kháng sinh được dùng để thúc đẩy sự tăng trưởng của gia súc góp phần gây nên tình trạng kháng kháng sinh ở động vật, từ đó truyền sang con người.
(Nguồn: Dailymail)
siêu vi khuẩn, phương pháp đánh bại siêu vi khuẩn, vấn nạn kháng sinh, Kháng kháng sinh