Sức khỏe

Người tự cắt cụt chân mắc bệnh lạ đầu tiên ở Việt Nam

Theo các chuyên gia, việc nhân viên y tế ở Cần Thơ tự cắt chân khi mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam.

Sáng 16/11, Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa TƯ Cần Thơ cho biết, tình hình sức khỏe hiện nay của bệnh nhân P.D.K. (27 tuổi, quê Trà Ôn, Vĩnh Long, tạm trú quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã ổn, tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, mỏm cụt ở đùi trái đã khô…

Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng – nơi anh K. công tác.

Bác sĩ Nghiêm cũng cho biết, dự kiến thứ 6 tuần này bệnh nhân K. sẽ được chuyển sang Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ để tiếp tục điều trị.

Anh K. là kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của khoa Đông y, BV đa khoa quận Cái Răng.

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 10/11, anh K. khóa trái cửa phòng làm việc rồi tắm rửa sạch sẽ, mang các dụng cụ chuẩn bị sẵn vào nhà vệ sinh để thực hiện việc tự cắt chân của mình.

Theo cán bộ công an, K. khai đã có quá trình tìm hiểu từ trước đó và có cách buộc thun làm tê cứng chân nên khi thực hiện hành vi, đau đớn không nhiều, nên vẫn rất bình tĩnh...

Sau khi cắt rời và giấu phần chi vào tủ, anh K. gọi cho nữ hộ lý để kêu cứu vì đang ngủ, thức dậy bỗng dưng thấy ai đó cắt mất một đoạn chân trái.

Khi anh K. được đưa vào BV cấp cứu, các bác sĩ nói có khả năng nối lại được nên trao đổi với bệnh nhân, người nhà để tiến hành phẫu thuật.

Tuy nhiên, K. và người nhà không đồng ý và ký tên vào bệnh án không nối chân.

Ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam?!

Liên quan tới sự việc, BS CKII Lâm Hiếu Minh – Chuyên khoa Tâm thần, phòng khám Chăm sóc giảm nhẹ – Tâm lý Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến một người tự cắt cụt chi hoặc một bộ phận trên cơ thể mình, trong đó có các bệnh lý tâm thần.

Thường gặp nhất là do bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn loạn thần.

Trong lúc có hoang tưởng và ảo giác, người bệnh có thể có suy nghĩ và hành vi cắt cụt chi (có trường hợp tự cắt bộ phận sinh dục, hoặc các cơ quan giác quan) vì nghĩ nó không thuộc về mình hoặc do ảo thanh sai khiến.

Ngoài ra có thể do các bệnh lý tâm thần khác trong đó có rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Theo BS Minh, rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể BIID (Body integrity identity disorder) với thuật ngữ y học là Xenomelia.

Tuy nhiên, đây là bệnh lý còn nhiều tranh cãi trong giới y học, trong sách phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 của tổ chức y tế thế giới không ghi nhận rối loạn này như là một bệnh lý riêng biệt.

Với bệnh lý này, một người có suy nghĩ cưỡng bức là một hay nhiều chi trên cơ thể không thuộc về mình, đau khổ thường trực với ý nghĩ đó và tìm cách để tự cắt bỏ chi.

Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp, trên thế giới cũng đã ghi nhận vài trường hợp, người bệnh có thể tự làm tổn thương để bác sĩ cắt cụt chi cho mình.

Thường thì người bệnh sẽ tự làm tổn thương, hủy hoại chi của mình sau đó đến cơ sở y tế nhờ bác sĩ can thiệp. Người bệnh vẫn đau đớn khi tự gây tổn thương.

Dấu hiệu đầu tiên của loại bệnh này xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. BS Minh nói thêm, sau khi tự làm đau bản thân, bệnh vẫn có thể tiếp tục lặp lại với người bệnh này, họ có thể gây tổn thương tiếp theo.

Theo một BS tại BV Tâm thần TP.HCM, suốt nhiều năm công tác nhưng chưa từng gặp trường hợp nào tương tự như của anh K.

"Từ trước tới giờ cũng chưa từng nghe nói về loại bệnh này. Đây có thể là ca đầu tiên ở Việt Nam" – vị BS này nhận định.

Các BS khuyến cáo, đây là bệnh tâm thần hiếm gặp. Nếu có triệu chứng bất thường thì nên khám và tư vấn tại Bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

aFamily

tự cắt chân, bệnh lạ, rối loạn loạn thần, tuổi dậy thì


      © 2021 FAP
        1,113,787       712