Sức khỏe

Liên tiếp phát hiện ca mắc chứng đầu nhỏ: Người dân nên ứng phó ra sao?

Liên tiếp trong thời gian qua, cả nước phát hiện thêm nhiều ca mắc virus Zika và các bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ. Theo các chuyên gia, để phòng chống dịch bệnh do virus Zika này, cần phải thay đổi phương thức tuyên truyền.

Liên tiếp phát hiện ca nhiễm Zika mới, dị tật đầu nhỏ

TPHCM vừa công bố thêm một người đàn ông vừa nhiễm virus Zika, nâng tổng số người nhiễm từ trước đến nay tại thành phố này lên con số 5. Đó là bệnh nhân 32 tuổi ở quận 5. Trước đó, bệnh nhân sốt phát ban, đau cơ… nên đi xét nghiệm. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, TPHCM đã phát hiện ra 3 ca nhiễm virus Zika, tại quận 5, quận 12 và quận 2. Mới nhất, một bé gái 4 tuổi (ở Long An) vừa được phát hiện nhiễm vius Zika Trên cả nước, đến nay đã chính thức ghi nhận 9 ca mắc virus Zika.

Tại Đắk Lắk, ngoài việc khẳng định em bé 4 tháng tuổi ở huyện KrôngBuk chính xác bị dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ, Sở Y tế tỉnh này cho biết, đã phát hiện thêm 2 trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ. Đó là cháu T (7 tuổi) và em ruột là cháu D (4 tuổi) ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng. Hiện, cháu T có vòng đo đầu là 35cm, cháu D là 39cm, nhỏ hơn nhiều so với các trẻ cùng lứa tuổi.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH chiều 20/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đối với bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk, đoàn kiểm tra đã tìm hiểu rất nhiều yếu tố dịch tễ cùng với lấy máu, nước tiểu xét nghiệm… để xác định bé bị dị tật đầu nhỏ do nguyên nhân nào. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Chúng tôi đã hỏi gia đình, mẹ bé có tiếp xúc với hóa chất độc hại không? Có bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hay không, hoặc có mắc các bệnh lý khác trong thời gian mang thai hay không? Gia đình, người thân cũng được hỏi về những vấn đề này. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy máu xét nghiệm những người xung quanh có triệu chứng sốt, nghi ngờ mắc Zika để làm xét nghiệm”.

Đối với 2 ca phát hiện mắc chứng đầu nhỏ cũng ở Đắk Lắk, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Cục Y tế dự phòng đã nhận được thông tin này. “Dù chưa đến tận nơi nhưng Cục đã giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên điều tra. Tuy nhiên, 2 trường hợp này không có dấu hiệu đầu nhỏ lâm sàng điển hình do virus Zika. Hơn nữa, hiện các bé đã lớn nên không nên nghĩ là do virus Zika. Lúc đó, dịch bệnh Zika chưa bùng phát ở Việt Nam hay châu Á. Trong khi, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: Nhiễm virus (rubella…), vi khuẩn (giang mai...), ký sinh trùng (toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền”, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

Điều tra dịch tễ trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ tại huyện Krông Buk, Đắk Lắk. Ảnh: TL
Điều tra dịch tễ trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ tại huyện Krông Buk, Đắk Lắk. Ảnh: TL

Cần thay đổi cách tuyên truyền về dịch bệnh Zika

Tại TPHCM, ngay sau khi phát hiện thêm trường hợp người đàn ông nhiễm virus Zika, thành phố này đã công bố dịch do virus Zika ở quy mô xã, phường. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đây là việc làm cần thiết, rất có giá trị, bởi ngoài việc cảnh báo cho người dân biết cách phòng chống, chính quyền hỗ trợ phòng chống dịch, việc công bố cũng là để các cấp ủy, chính quyền phải xem xét, theo dõi, có các biện pháp để đáp ứng.

Đặc biệt, trong cuộc họp gần đây giữa Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, lãnh đạo UBND thành phố cùng ngành Y tế về phòng chống dịch bệnh Zika, chính quyền thành phố này yêu cầu cần phải thay đổi cách tuyên truyền về bệnh do virus Zika. Theo đó, giải pháp cấp bách nhất được đưa ra là phân công người theo dõi dịch bệnh ở trên tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đáp ứng, thực hiện tốt chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy ngay tại địa phương. PGS.TS Trần Đắc Phu nói: “Làm sao tuyên truyền không chung chung nữa mà phải cụ thể, trúng đích. Nên chăng, cần tổ chức cho chị em phụ nữ, cùng họp lại để phổ biến vấn đề này, hoặc ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cần thông qua già làng, trưởng bản, trưởng thôn ấp… để phổ biến cho người dân biết cách phòng bệnh”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, cũng cần tuyên truyền cho người dân không quá hoang mang lo lắng về dịch bệnh này. Bởi bệnh do virus Zika thường nhẹ, còn nhẹ hơn sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm virus Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, vì biến chứng nguy hiểm nhất do virus Zika theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh. “Trong số các bà mẹ mang thai mắc Zika, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ có thể khiến trẻ ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt, nhưng rõ ràng phải tư vấn rất đầy đủ, để họ không hoang mang, lo lắng. Nếu tuyên truyền không đúng, việc các bà mẹ mang thai dù không có triệu chứng gì cũng đi xét nghiệm ồ ạt là không nên” PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng chống cá nhân đối với virus Zika, bằng cách mặc áo dài tay, bôi kem xua muỗi… Với phụ nữ có dự định mang thai, hay đang có thai, khuyến cáo không nên tới vùng có dịch. Trong thời kỳ mang thai, nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…), cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

Hiện Việt Nam đã có đủ khả năng đáp ứng các loại xét nghiệm phát hiện Zika. Tại TPHCM, các bệnh viện quận, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do virus Zika đến hết năm 2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do virus Zika sẽ được xét nghiệm và tìm virus miễn phí. “Bệnh do virus Zika thường không phát hiện được trong 3 tháng đầu kỳ như các loại virus khác. Do đó, các bà mẹ mang thai phải hết sức phòng chống”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tới đây sẽ mở rộng lấy mẫu xét nghiệm phát hiện virus Zika ở người trên toàn quốc, tập trung những vùng nguy cơ cao ở Khánh Hòa, TPHCM, Tây Nguyên… Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở phía Bắc đang tương đối “yên ắng”, nhưng Zika vẫn có thể bùng phát vì có sự giao thương liên tiếp, do đó không được chủ quan, phải tăng cường giám sát, theo dõi, tư vấn cho bà mẹ mang thai để có hướng xử trí phù hợp.

Ngày 20/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức lễ khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC). Trước đó (tháng 2/2015), Văn phòng EOC Quốc gia đặt tại Bộ Y tế đã được khởi động, qua thời gian hoạt động, đã cho thấy hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh (như Ebola, cúm A, Zika ...). Văn phòng EOC thứ hai đặt tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có nhiệm vụ thu thập thông tin về dịch bệnh của 28 tỉnh khu vực phía Bắc để xây dựng nguồn dữ liệu quốc gia về dịch bệnh, đưa ra cảnh báo bất thường về dịch bệnh. Đây sẽ là nơi kết nối với Văn phòng EOC Quốc gia ở Bộ Y tế và EOC ở TPHCM hay Tây Nguyên (trong thời gian tới), hình thành mạng lưới đáp ứng khẩn cấp các dịch bệnh.

aFamily

virus zika, phát hiện virus zika, bệnh đầu nhỏ


      © 2021 FAP
        1,123,631       110