Sức khỏe

Thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng để chữa viêm mũi xoang

Viêm mũi, xoang là bệnh đường hô hấp phổ biến, đem lại nhiều khó chịu cho người bệnh. Do tâm lý muốn điều trị nhanh, nhiều bệnh nhân đang lạm dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng không phải là thuốc.

Không nên nhầm lẫn thực phẩm chức năng và thuốc

Viêm mũi, xoang là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, chiếm từ 15 - 17% dân số (năm 2014). Tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, gần 50% số ca bệnh mỗi ngày là các trường hợp bị viêm mũi, xoang.

Các triệu chứng điển hình của viêm mũi, xoang là: hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi, đau nhức, khó chịu, có thể kèm sốt, khiến người mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và cuộc sống. Bệnh thường diễn biến dai dẳng, có thể chuyển đổi từ cấp tính sang mạn tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm như mù mắt, viêm màng não…

Do tâm lý lo sợ và muốn điều trị thật nhanh, nhiều người bệnh tìm đến các loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo là có tác dụng điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, có thể dễ dàng mua được ở bất kỳ hiệu thuốc nào. Điều này phản ánh việc nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên cần phải phân biệt rõ:

Thuốc chữa bệnh, sản phẩm phải trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng và kiểm nghiệm khắt khe trong một thời gian dài. Sản phẩm được coi là thuốc và được chứng nhận lưu hành khi đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn về thuốc do Bộ Y tế ban hành và chịu sự quản lý của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.

Còn đối với TPCN, việc nghiên cứu và kiểm nghiệm chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu các hoạt chất có tác dụng chính tạo nên công dụng của sản phẩm, đưa ra định tính hoạt chất chính đó trong sản phẩm hoặc hàm lượng thành phần có chứa hoạt chất chính trong hồ sơ. TPCN sản xuất và lưu hành dưới sự quản lý của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế theo tiêu chuẩn thực phẩm, luật thực phẩm.

Nhiều người bệnh đang nhầm lẫn TPCN là thuốc

Bên cạnh đó, Thông tư 08 (năm 2004) của Bộ Y tế định nghĩa: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y Tế, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng khẳng định: “TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh”. TPCN khác thuốc ở chỗ: nhà sản xuất TPCN phải công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, trong khi đó thuốc được công bố là thuốc, có tác dụng chữa bệnh, có công dụng, liều dùng và chống chỉ định.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính Phủ cũng quy định: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải có các nội dung như tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có). Ngoài ra, bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Do đó, việc quảng cáo rầm rộ rằng TPCN giúp điều trị triệt để các loại bệnh là sai với quy định. Đặc biệt với những bệnh có tính chất dai dẳng, mạn tính như viêm mũi xoang thì TPCN càng không thể có tác dụng điều trị như thuốc, nếu lạm dụng sử dụng thay thế thuốc chữa bệnh có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Như vậy, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức, không nên nhầm lẫn TPCN với thuốc chữa bệnh. Đó là chưa kể, TPCN không bị nhà nước quy định về giá như thuốc nên dễ dẫn đến việc loạn giá, đẩy giá, khiến người tiêu dùng nhiều khi tiền mất mà tật vẫn mang.

Khuyến cáo điều trị viêm mũi xoang đúng cách

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Từ những sai lầm của người bệnh trong điều trị viêm mũi xoang và việc nhầm lẫn TPCN với thuốc, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã khuyến cáo:

- Ngay khi bệnh khởi phát, người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng tư vấn liệu trình điều trị thích hợp.

- Không nên nghe theo theo tư vấn của người không có chuyên môn. Tuyệt đối không điều trị theo quan niệm dân gian hay sử dụng TPCN chưa được kiểm chứng, khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu uy tín. Chỉ nên sử dụng thuốc đã được kiểm nghiệm lâm sàng và cấp phép sử dụng tại các bệnh viện lớn.

- Người bệnh cần tuân thủ đầy đủ liệu trình, không tự ý tăng hay giảm liều lượng thuốc, không được thay thế thuốc này bằng thuốc khác khi chưa có chỉ định.

- Người bệnh viêm mũi, xoang cấp tính có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm kết hợp với thuốc thảo dược từ 3 - 5 ngày, sau đó duy trì thêm từ 7 - 10 ngày để điều trị triệt để, tránh nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

- Đối với người bị viêm mũi, xoang mạn tính, khi bệnh tái phát cần điều trị bằng thuốc trước khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng. Những người có cơ địa sức đề kháng yếu hoặc dị ứng có thể dùng thuốc thảo dược từ 2 đến 4 tuần để điều trị từ gốc. Sau mỗi đợt điều trị tấn công hoặc thời gian giao mùa, người bệnh cũng nên uống một đợt dự phòng để tránh nguy cơ tái phát.

1
aFamily

thông xoang tán, điều trị viêm mũi, điều trị viêm xoang


      © 2021 FAP
        1,123,629       120