Sức khỏe

Những điều cần làm để phòng bệnh khi không khí bị ô nhiễm cả ngoài đường lẫn trong nhà

Chúng ta đều ý thức được chuyện ô nhiễm không khí ngoài trời nhưng không mấy ai để ý rằng ô nhiễm không khí cũng xuất hiện ngay trong ngôi nhà của bạn.

Ô nhiễm không khí bên ngoài ngày càng trầm trọng

Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của trường đại học Yale và đại học Columbia đưa ra công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ khiến Việt Nam không khỏi điêu đứng: Việt Nam nằm trong top 10 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có trung bình 16000 người chết vì ô nhiễm không khí.
Cũng theo nghiên cứu này, môi trường không khí bị ô nhiễm khiến sức khỏe người dân suy giảm, gây ra một loạt các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, ung thư, suy nhược thần kinh, giảm tuổi thọ… Những nhóm nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí bao gồm người già, phụ nữ mang thai, người đang có bệnh, trẻ dưới 15 tuổi, đối tượng thường xuyên làm việc ngoài trời. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, thời gian tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, loại chất gây ô nhiễm…
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số người mắc bệnh đường hô hấp – chủ yếu do ô nhiễm không khí chiếm 3-4% tổng dân số. 74,5% người mắc bệnh bụi phổi là công nhân ngành mỏ, xây dựng, cơ khí, luyện kim bởi tính chất thường xuyên tiếp xúc với khói bụi. Vào năm 2012, số người mắc bệnh viêm phổi, họng, amidan, phế quản, tiểu phế quản là trên 100.000 người. Tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp tập trung ở các địa phương có trình độ phát triển nhưng lại ô nhiễm không khí hơn, ví dụ ở khu vực Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai… cao gấp 4-5 lần so với khu vực Bắc Kạn, Điện Biên. Theo số liệu của Bộ GTVT, thiệt hại kinh tế do các bệnh đường hô hấp trung bình mỗi người là 1.538 đồng/ngày đối với khu vực Hà Nội, 729 đồng/ ngày đối với dân nội thành TP.HCM.
ô nhiễm môi trường
Mới đây, trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) gần đây nhất tính theo tuần từ 8/4 đến ngày 14/4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178. Trong đó, theo bảng tiêu chuẩn chỉ số không khí và ảnh hưởng sức khỏe, chỉ số AQI ở mức 51-100 thuộc nhóm trung bình với cảnh báo vàng, AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém. Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
ô nhiễm môi trường
Bảng AQI và mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do quá trình đô thị hóa quá nhanh, khả năng phát thải do phương tiện giao thông hoặc hoạt động sản xuất mà chưa được quản lý chặt chẽ, chưa đưa ra được những chế tài xử phạt doanh nghiệp có thể phát thải khí thải ra môi trường.
Ô nhiễm không khí xuất hiện ngay trong nhà ở
Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng đây chính là sự thật.
Dưới đây là một số nguyên nhân hàng đầu của tình trạng ô nhiễm trong nhà:
- Phấn hoa, nấm mốc, bụi mạt, những côn trùng siêu nhỏ sống trong giường, rèm cửa, đồ nội thất, thảm trải.
- Khói thuốc lá.
- Các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, đồ nhựa, bàn ghế, các mặt hàng kháng sinh có chứa thuốc bảo vệ thực vật và chất gây ung thư.
- Chất gây ô nhiễm ngoài trời như khí thải xe cộ, ô nhiễm từ công nghiệp tràn vào không gian trong nhà.
- Khói và các chất ô nhiễm trên gỗ, than và phân gas được đốt trong nhà để nấu ăn.
- Các loại khí như radon và carbon monoxide.
- Vật liệu xây dựng như amiăng, formaldehyde và chì.
ô nhiễm không khí
Ngoài việc gây các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn và dị ứng, ô nhiễm trong nhà cũng có thể là tác nhân gây ra bệnh tim và ung thư. 
Phấn hoa, nấm mốc, bụi và khói có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Những người mắc bệnh hen suyễn, dị ứng không thể tránh khói các triệu chứng này. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thống kê cho thấy, 30% trẻ em ở Ấn Độ mắc bệnh hô hấp hoặc những bệnh mãn tính khác.
Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư cũng được xếp ngay sau đó. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 3,8 triệu người chết sớm mỗi năm do các bệnh không truyền nhiễm bao gồm: đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) và ung thư phổi xuất phát từ nguyên nhân nhà ở bị ô nhiễm không khí. Hút thuốc và thuốc bảo vệ thực vật là hai trong số những nguyên nhân nổi bật nhất dẫn đến bệnh ung thư.
ô nhiễm môi trường
Biện pháp phòng bệnh do ô nhiễm không khí
- Theo dõi sát các thông báo của cơ quan chức năng về chất lượng cũng như mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực bạn đang sống.
- Luôn đeo khẩu trang bảo vệ khi đi ra bên ngoài. Chú ý chọn khẩu trang giấy hai lớp N95 – loại được khuyên dùng vì có thể che kín khuôn mặt, đồng thời có tác dụng lọc 95% khói bụi trong không khí.
- Không tập thể dục ở khu vực bị ô nhiễm không khí nặng, đặc biệt là các hoạt động đòi hỏi tính vận động cao như đạp xe, chạy bộ.
- Giảm tải các hoạt động thể lực ngay trong nhà.
- Nếu xuất hiện những triệu chứng khó thở, ho, đau mắt, ngứa họng thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Đặc biệt trẻ em và người cao tuổi xuất hiện những hiện tượng này kéo dài rất có thể đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mãn tính.
- Thời điểm ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là vào trời nóng, do đó bạn cần hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm này. Nên chuyển các hoạt động ngoài trời vào sáng sớm hoặc chiều tà.
- Nếu phải đỗ xe ô tô trên đường hãy sử dụng điều hòa để lấy khí trong, thay vì mở cửa để khí bên ngoài lọt vào, sẽ giúp hạn chế ô nhiễm không khí trong xe.
- Nếu đang ở khu vực không có sẵn các phương tiện để ngăn chặn ô nhiễm không khí thì bạn có thể sử dụng khăn che miệng và mũi để lọc bớt phần khí độc hại mà mình hít phải.
- Trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà ở, trên đường đi sẽ giúp làm sạch không khí, lọc sạch khí bụi.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ cơ thể tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.
ô nhiễm môi trường
aFamily

ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, phòng bệnh ô nhiễm không khí


      © 2021 FAP
        1,116,462       621