Bạn nên đặc biệt lưu ý nếu tự nhiên thức dậy trong đêm và càng lúc càng tỉnh táo.
Phần lớn chúng ta thường
tỉnh giấc giữa đêm, nhưng nếu thức dậy và gặp khó khăn để ngủ trở lại thì đó là việc rất đáng lo ngại.
Thức dậy nhiều lần trong đêm mà không nhớ gì là việc hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, bạn nên đặc biệt lưu ý nếu tự dưng tỉnh giấc sau giấc ngủ sâu và càng lúc càng tỉnh táo. Bác sĩ Neil Stanley, đến từ Hiệp hội Giấc ngủ Anh (British Sleep Society), cho biết: “Chúng ta đã tiến hóa tới mức nhận ra rằng, chúng ta dễ dàng trở thành con mồi khi ngủ. Do đó, phần lớn chúng ta thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm. Nhưng tỉnh giấc hoàn toàn không phải là việc bạn có thể xem thường”.
Giải mã một số nguyên nhân gây nên tình trạng thức dậy trong đêm và trằn trọc không thể ngủ tiếp được.
Thủ phạm 1: Chứng chuột rút (vọp bẻ) do quá hưng phấn, chế độ ăn nhiều chất béo, nhóm thuốc Statin (được kê đơn phổ biến nhất do hiệu quả hạ mỡ máu và chống viêm)
John Scurr, cố vẫn bác sĩ phẫu thuật khoa tim mạch tại Bệnh iện Middlesex, giải thích: “Tập luyện quá hăng trên máy tập chạy có thể làm giảm hàm lượng canxi và kẽm. Đây là những chất giúp cơ co giãn”.
Một trong những yếu tố gây chuột rút khác là khi động mạch ngoại biên – vốn có chức năng cấp máu cho chân – bị hư hại bởi các cặn mỡ từ chế độ ăn uống hoặc do lượng đường trong máu cao với trường hợp bệnh nhân tiểu đường.
Trái tim có thể cảm ơn bạn vì những loại thuốc thuộc nhóm statins giúp giảm lượng cholesterol. Nhưng một nghiên cứu mới đây ở Mỹ cho thấy, việc sử dụng statins làm tăng nguy cơ chuột rút lên 20%. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng đó có thể là hậu quả của tác dụng thuốc lên các enzyme cơ – là những protein giúp tế bào cơ thực hiện chức năng bình thường của cơ thể.
Và bạn cũng đừng quên Hội chứng chân không yên (restless legs syndrome). Hội chứng này có thể gây chuột rút cũng như giảm hàm lượng dopamine – vốn có chức năng kiểm soát vận động của cơ. Bài tập duỗi cơ, tắm và giữ cơ thể không bị mất nước có thể giúp cải thiện tình hình.
Thủ phạm 2: Ho do trào ngược về đêm
Hiện tượng này xảy ra khi van đóng thực quản từ dạ dày không hoạt động, khiến axit dạ dày trào ngược lên. Tư thế nằm càng khiến bạn dễ bị trào ngược dạ dày thực phẩm hơn. Không có trọng lực, axit có thể di chuyển qua ngực, gây khó chịu phía sau cổ họng, dẫn tới ho.
“Trào ngược dạ dày thực phẩm phổ biến hơn ở những người có dư thừa mỡ xung quanh cơ hoành”, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện St Mark’s và Phòng khám London, Middlesex, David Forecast cho biết. “Tránh các loại đồ ăn giàu năng lượng, có nhiều mỡ. Chúng mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn trong bụng”. Ngoài ra, đặt một chiếc gối tựa nhỏ bên dưới đầu giường để giúp tạo độ nghiêng sẽ hạn chế khả năng bị trào ngược dạ dày thực quản.
Thủ phạm 3: Đau lưng do viêm khớp, viêm đĩa đệm
Jessica Alexander, đến từ The Sleep Council, chia sẻ: “Sau 8-10 năm, bạn cần thay đổi đệm giường. Để tìm ra chiếc đệm phù hợp với mình, hãy nằm ngửa trên đệm và nếu có cảm giác một khoảng cách giữa cột sống với đệm thì chiếc đó quá cứng so với bạn. Nếu bạn không thể dễ dàng cử động trên đệm thì chiếc đó quá mềm”.
Nếu bạn bị viêm khớp, bạn càng dễ có nguy cơ tỉnh giấc và trằn trọc trong đêm vì các chất gây viêm nhiễm hoạt động tích cực hơn trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng hôm sau. Dùng thuốc kháng viêm như ibuprofen trước khi đi ngủ có thể giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, cảm giác đau mạnh và thường xuyên, có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm đĩa đệm cột sống, hay hiếm gặp hơn, là một khối u cột sống.
Thủ phạm 4: Khó thở do bệnh suyễn, tim mạch
Nếu bạn bị hen suyễn, giấc ngủ có thể làm bạn cảm thấy tệ hơn – nằm xuống giường đồng nghĩa với việc dịch nhầy có thể tích tụ lại trong đường thở, tạo áp lực lên phổi. Trên thực tế, trong số khoảng 5 triệu người Anh bị
bệnh hen suyễn, chỉ một số nhận ra tình trạng này vì nó khiến họ tỉnh giấc trong đêm. Chăn lông vũ có thể có ích và bác sĩ đa khoa cũng có thể kê đơn thuốc cho bạn.
Điều đáng lo ngại hơn là thức dậy để cố hít không khí vào phổi. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng về tim. Gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Thủ phạm 5: Rối loạn hoạt động não
Hiện tượng này xảy ra khi có gì đó đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ sâu và chúng ta không thể nhớ mình đang ở đâu. Một số phần nào đó trong não vẫn duy trì trạng thái ngủ, ngay cả khi chúng ta thức dậy.
Do đó, khi bạn cảm thấy mình tỉnh giấc, bạn có thể không tỉnh giấc hẳn hay nói chuyện một cách phù hợp. Hiện tượng này thường do chứng ngưng thở trong lúc ngủ gây ra (sleep apnoea). Đây là một rối loạn trong đó bạn ngừng thở trong đêm và buộc phải tỉnh dậy từ giấc ngủ sâu và có đặc trưng là tiếng ngáy to.
Ngoài việc tìm kiếm trợ giúp, tránh đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá và giảm cân sẽ có ích cho giấc ngủ của bạn.
Thủ phạm 6: Đổ mồ hôi
Rượu mạnh có thể mang lại cảm giác dễ đi vào giấc ngủ hơn nhưng nó lại phá hỏng giấc ngủ hồi phục của chúng ta. Rượu cũng khiến mạch máu trên da giãn nở, khiến chúng ta thấy ấm hơn.
Đổ mồ hôi có thể là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm – vốn làm tăng hàm lượng hormone stress như noradrenaline.
Ở phụ nữ, đổ mồ hôi có thể là hệ quả của hàm lượng oestrogen thấp – hiện tượng này thường xảy ra ngay trước hoặc trong giai đoạn kinh nguyệt hoặc thời kỳ mãn kinh. Nam giới đổ mồ hôi về đêm, thậm chí khi thời tiết không quá nóng, có thể có lượng testosterone thấp.
Đổ mồ hôi về đêm cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh tim mạch hay ung thư. Vì vậy, nếu chúng kéo dài, hãy đi khám bác sĩ.
(Nguồn: Mirror)