Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. Đây chính là hệ quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh của người Việt trong thời gian qua.
Có thể nói, khi con người càng lạm dụng kháng sinh, các chủng vi khuẩn kháng thuốc càng có cơ hội phát triển và lây lan. Do đó, khả năng phòng bệnh của cơ thể bị giảm đi, đồng thời cơ thể đáp ứng với các loại thuốc cũng kém, nên khi có bệnh, tỉ lệ chữa khỏi thường không cao.
Di chứng "Kháng thuốc kháng sinh" do đâu?
Trong nhiều Hội nghị Quốc gia về chống kháng thuốc, vấn đề gia tăng nhanh chóng của tình trạng này đã được Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh và cảnh báo. Nguyên nhân chủ yếu được công bố là do người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh không cần kê đơn; không nhiễm khuẩn cũng dùng; dùng kháng sinh không phù hợp, không đúng lượng, hàm lượng, thời gian; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi...
Xuất phát từ thực tế rất nhiều nguời dân có thói quen mua thuốc không theo chỉ định, kê đơn của bác sỹ, tại hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phát biểu rằng: “Không quá khi nói rằng việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Người Việt cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống”.
Cùng với đó, một cuộc khảo sát thực tế năm 2010 với khoảng gần 3.000 nhà thuốc ở cả nông thôn và thành thị thuộc các tỉnh phía Bắc cũng cho kết quả 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ. Con số thống kê đó cho thấy rõ thực tế vấn đề nhận thức về thuốc kháng sinh của chính người bán thuốc và người dân còn cực kỳ thấp, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Phần lớn thuốc kháng sinh được bán và được người dân sử dụng mà không cần đơn thuốc hiên nay vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Kháng sinh được bán mà không có đơn là 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn).
Thói quen mua thuốc và bán thuốc của người Việt hiện nay vẫn theo kiểu "Chỉ cần ra hiệu thuốc, mô tả bệnh, người bán thuốc kê đơn và nguời bệnh cứ thế mang về uống". Từ những viên thuốc ho, thuốc trị đau bụng, đau đầu, sổ mũi... chỉ cần kể triệu chứng và yêu cầu "Thuốc nào để nhanh khỏi" lập tức nhân viên bán thuốc tư vấn thuốc và liều lượng dùng từng loại.
Cũng có nhiều người không cần mất thời gian đến bệnh viện mà lập tức hỏi “bác sỹ Google” và sau đó tự kê đơn thuốc cho chính mình, con cái và người thân.
Và điều đáng lo ngại là việc tự ý sử dụng kháng sinh quá nhiều nên dẫn đến cơ thể kháng thuốc, các bác sỹ đã phải thay đổi rất nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị.
Rất nhiều người trong số chúng ta chỉ biết đến những tác dụng phụ phổ biến khi lạm dụng hoặc dùng kháng sinh không đúng liều lượng bao gồm: Dị ứng, tiêu chảy… mà không biết rằng, lạm dụng kháng sinh sẽ khiến cho bệnh tật trong tương lai không có thuốc chữa. Kháng sinh hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến chính giống nòi của loài người, cụ thể là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới, thai nhi ở trong bụng mẹ và sức khỏe trẻ em.
Nam giới có thể không còn "con giống" nếu dùng kháng sinh bừa bãi
Thông thường, kháng sinh có tác dụng đến cơ thể trong thời gian ngắn nên nếu dùng đúng chỉ định sẽ không có ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, cũng có một số loại kháng sinh nếu lạm dụng sẽ tạo ra những tác động xấu đến quá trình sinh sản tinh trùng, bao gồm: erythromycin, nitrofurantoin, gentamycin, chlotetracyclin, co-trimoxazol, tetracycline… Những kháng sinh này có thể ức chế sự phát triển, ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, suy giảm tần xuất phân bào của các tế bào sinh dục hoặc làm dị dạng tinh trùng… Từ đó tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Nevada (Mỹ) cho thấy tetracycline - một loại kháng sinh dùng để điều trị bệnh nhiễm trùng như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu... có thể ảnh hưởng không chỉ về khả năng tồn tại của tinh trùng ở nam giới mà còn tác động đến cả số lượng tinh trùng.
"Tetracycline có ảnh hưởng bất lợi đáng kể về chức năng sinh sản nam giới và khả năng sống của tinh trùng - giảm khả năng phát triển lên đến 25%. Và bây giờ chúng ta biết rằng những tác động đó có thể ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo. Điều phức tạp hơn là tetracycline được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp như là một chất phụ gia trong thức ăn gia súc, vì vậy, nhiều người có thể bị ảnh hưởng do ăn uống chứ không phải chỉ mỗi khi dùng thuốc", nhà nghiên cứu David Zeh cho biết.
Một loại thuốc chữa đau dạ dày và chứng trào ngược thực quản có chứa kháng sinh cimetidin cũng được coi là rất có hại cho sức khỏe tinh trùng của nam giới. Sử dụng quá thường xuyên cimetidin có khả năng tăng hàm lượng prolactin. Ở nam giới, khi gia tăng prolactin sẽ làm giảm hàm lượng LH và testosterone, dẫn đến số lượng tinh trùng thấp hơn, giảm ham muốn tình dục và giảm chức năng tình dục, gây vô sinh.
Do vậy, cánh mày râu nên xem xét việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm hữu cơ và cân nhắc khi sử dụng kháng sinh thích hợp để ngăn ngừa tác động xấu tới chức năng sinh sản.
Mẹ dùng thuốc kháng sinh không đúng cách khi mang thai đe dọa tính mạng thai nhi
Không phải tự nhiên mà trong thời gian mang bầu, các bà mẹ được khuyến cáo phải hết sức cẩn thận trong dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. PGS. TS. dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP HCM, cho biết dùng thuốc kháng sinh trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu.
Thời gian từ khi thụ thai đến khi đứa trẻ được sinh ra gọi là thời kỳ bào thai, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn phát triển phôi thai gồm 3 tháng đầu của kỳ thai, dành cho sự tượng hình và biệt hóa các bộ phận của bào thai, bào thai chưa có hình dạng đầy đủ. Do đó, trong khoảng thời gian này nếu dùng thuốc kháng sinh có tác dụng cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh. Ở những tháng sau đó, người mẹ cũng không được tự ý dùng thuốc vì mặc dù nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi do mẹ dùng thuốc kháng sinh có thể thấp hơn nhưng dị tật bẩm sinh ở thai nhi vẫn có thể xảy ra.
Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào như tim, mạch máu, đầu, mặt, bộ phận tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa, xương, cơ, các chi...
Trong thời gian mang bầu, nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn, phụ nữ có thai vẫn cần dùng đến kháng sinh và trong trường hợp này, cần hỏi ý kiến bác sĩ và đặc biệt dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Lạm dụng thuốc kháng sinh đe dọa sức khỏe trẻ em
Nếu dùng kháng sinh không đúng cách cũng có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ, phổ biến nhất là tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh và suy giảm sức đề kháng.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hiện nay, tình trạng tự chữa bệnh diễn ra khá phổ biến, trong khi việc tự chẩn đoán lại thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng dùng kháng sinh khi chưa cần thiết hoặc bệnh không cần phải dùng kháng sinh (như các trường hợp cảm cúm thông thường) nhưng người bệnh vẫn lạm dụng.
Việc nhiều bà mẹ quá tin tưởng vào việc dùng thuốc kháng sinh mà không biết được những hiểm họa đằng sau đó, nó có rất nhiều tác dụng phụ khác nhau, trước tiên là dị ứng. Dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Tác dụng phụ thứ hai là tiêu chảy - đây là tác dụng cũng rất hay gặp và làm suy giảm đáng kể sức khỏe của nhiều trẻ em.
Một số kháng sinh dùng lâu có thể tích tụ độc tố trong các cơ quan như nhiễm độc gan, thận, máu, thần kinh thính giác, xương, răng…
Việc dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết cũng sẽ làm giảm sức đề kháng, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể trẻ. Bởi lẽ uống kháng sinh vào những lúc không cần thiết sẽ khiến vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Khi vi khuẩn kháng thuốc cũng có nghĩa là thuốc kháng sinh ấy không còn hiệu lực để chữa bệnh. Chúng có thể làm cho bệnh nghiêm trọng hơn, đồng thời rất khó khăn và tốn kém để điều trị. Vì vậy, chỉ nên dùng kháng sinh cho trẻ trong những trường hợp thực sự cần thiết.
Lưu ý khi dùng kháng sinh
kháng sinh, kháng sinh thực vật, kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh