Mới đây, chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng về việc bình giữ nhiệt của nước này có chứa chất gây ung thư. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá lo lắng và nếu biết cách sử dụng bình giữ nhiệt sẽ không nguy hại.
Chuyên gia khuyên người dân không nên quá hoang mang
Viện Nghiên cứu và Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vừa đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng về việc bình giữ nhiệt của nước này có chứa chất gây ung thư. Đây là kết quả của cuộc thí nghiệm do Viện này phối hợp với các đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành vào cuối tháng 2 vừa qua. Theo đó, kết quả thí nghiệm cho thấy, bình giữ nhiệt do Trung Quốc sản xuất có chứa sợi amiăng cực kì độc hại đối với con người.
Trong buổi thí nghiệm, các chuyên gia đã đựng nước tinh khiết và nước trái cây trong hai mẫu bình giữ nhiệt cùng loại. Sau một thời gian, hàm lượng kim loại nặng trong nước trái cây đã tăng đột biến và vượt quá giới hạn cho phép. Phân tích mẫu nước tinh khiết thì không thấy có hiện tượng tương tự. Thông tin này đã khiến nhiều người lo ngại khi sử dụng bình giữ nhiệt Trung Quốc bởi hiện nhiều người vẫn sử dụng bình giữ nhiệt là một vật dụng tiện lợi để đựng trà, nước trái cây, cháo, cà phê...
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường, mặt hàng bình giữ nhiệt khá phong phú về chủng loại và xuất xứ từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam đến Trung Quốc. Tuy nhiên rẻ nhất là loại bình từ Trung Quốc giá chưa đến 100.000đồng/bình, rẻ hơn rất nhiều so với bình Thái Lan (280.000 đồng/bình), Hàn Quốc (300.000 đồng/bình), Nhật Bản từ trên 400.000 đồng/bình. Bên cạnh đó, loại bình của Trung Quốc có dáng thanh gọn và mẫu mã bắt mắt hơn so với các loại bình khác. Cũng chính vì giá rẻ, mẫu mã đẹp nên bình giữ nhiệt Trung Quốc hút khách hơn hẳn các loại bình giữ nhiệt của các nước khác.
Trước thông tin bình giữ nhiệt inox gây ung thư, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải (Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa) cho rằng, người dân đừng quá hoang mang về vấn đề này vì thông tin này là chưa đúng. Nếu biết cách dùng thì bình giữ nhiệt chẳng gây hại. Mỗi một dụng cụ, đồ dùng sản xuất ra thường có một ứng dụng nhất định và nhà sản xuất sẽ khuyến cáo sử dụng vào mục đích gì. Bình giữ nhiệt cũng như chiếc phích thông thường được sản xuất ra với một chức năng nhất định. Nó được sử dụng để đựng nước tinh khiết chứ không phải cái gì mình cũng đựng vào đó. Chính cách “sáng tạo” của mọi người mà bình giữ nhiệt mới gây hại. Nhiều người sử dụng bình giữ nhiệt là một vật dụng tiện lợi được sử dụng đựng trà, nước trái cây, cháo, cà phê… Các loại nước chứa nhiều axit sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox, dẫn tới các phản ứng hóa học tạo nên các chất gây ung thư. Càng nóng sẽ càng tác dụng mạnh thì hoạt tính của nước đựng trong đó sẽ tăng cao.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, inox hay còn gọi là thép không rỉ có đặc tính bảo ôn rất tốt nên được sử dụng trong công nghệ sản xuất bình giữ nhiệt. Trong inox có chứa một số kim loại nặng như crôm, mangan, niken và sắt khi tác động của nước tinh khiết, nước uống, nước sinh hoạt hay nước lợ, nước có độ mặn và độ chua ít sẽ không có ảnh hưởng bởi khả năng chống ôxy hóa cao.
Sử dụng đúng cách bình giữ nhiệt sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh P.T
Cách chọn bình giữ nhiệt tốt
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện (Viện Vật lý kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nguyên lí hoạt động của chiếc phích nước hay bình giữ nhiệt bình thường ngoài nắp phích, vỏ ngoài của phích (thường là sắt hoặc nhựa cứng chịu nhiệt hoặc inox) và đáy phích, bộ phận chủ yếu là ruột phích bằng thủy tinh gồm 2 lớp thủy tinh (lớp thủy tinh ngoài và lớp thủy tinh trong) giữa chúng có khoảng không gian trống được hút chân không. Khoảng không gian này, sau khi hút chân không qua một lỗ nhỏ ở phía dưới phải được hàn kín. Do đó khi đổ nước sôi vào, nhiệt không thể truyền qua lớp vỏ thủy tinh và không gian chân không này để ra ngoài được, nhiệt chỉ được truyền rất ít qua miệng nắp phích. Sản phẩm không đảm bảo được yếu tố trên việc giữ nhiệt sẽ rất kém.
Người tiêu dùng nên lựa chọn bình inox của nhãn hiệu uy tín, nắp nhựa nguyên sinh có mùi. Nên dùng chuyên biệt bình giữ nhiệt để giữ nóng hoặc giữ lạnh, không nên dùng lẫn lộn. Cần thận trọng với những loại bình nước giữ nhiệt làm giả bằng thép hoặc tôn sắt mạ ngoài bằng một lớp đồng, niken và crom mỏng. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của sản phẩm. Quá trình sản xuất không đảm bảo kỹ thuật khiến phần không gian giữa hai lớp thủy tinh hút chân không không kỹ nên vẫn còn không khí ở trong đó. Khi đổ nước vào sẽ truyền nhiệt từ vỏ trong ra vỏ ngoài. Để tránh điều này, khi mua bạn nên cho ít nước nóng vào, sờ bên ngoài vỏ xem có ấm nóng lên không. Nếu quá nóng cách nhiệt không tốt thì không nên mua.
Để lựa chọn bình giữ nhiệt tốt, sử dụng inox đạt chất lượng, mọi người có thể phân biệt inox chất lượng và inox mạ bằng độ sáng bóng của vật liệu. Inox mạ thường có độ bóng sáng loáng trong khi inox "xịn" có màu sáng nhờ nhợ. Ngoài ra có thể dùng nam châm để thử. Tùy vào thành phần inox mà các sản phẩm inox "xịn" chỉ hút nam châm nhẹ, khi kéo ra lực ở tay sẽ rất nhẹ nhàng. Còn inox mạ sẽ có độ hút mạnh, khi lấy nam châm ra sẽ thấy lực hút ở tay rất mạnh. Với người có kinh nghiệm có thể dùng axit nóng khoảng 70 độ để kiểm tra chất lượng inox, loại inox mạ crôm sẽ đen sì còn inox tốt màu sắc không đổi.
Người tiêu dùng nên lựa chọn bình inox của nhãn hiệu uy tín, nắp nhựa nguyên sinh có mùi. Nên dùng chuyên biệt bình giữ nhiệt để giữ nóng hoặc giữ lạnh, không nên dùng lẫn lộn. Cần thận trọng với những loại bình nước giữ nhiệt làm giả bằng thép hoặc tôn sắt mạ ngoài bằng một lớp đồng, niken và crom mỏng. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của sản phẩm. Quá trình sản xuất không đảm bảo kỹ thuật khiến phần không gian giữa hai lớp thủy tinh hút chân không không kỹ nên vẫn còn không khí ở trong đó. Khi đổ nước vào sẽ truyền nhiệt từ vỏ trong ra vỏ ngoài. Để tránh điều này, khi mua bạn nên cho ít nước nóng vào, sờ bên ngoài vỏ xem có ấm nóng lên không. Nếu quá nóng cách nhiệt không tốt thì không nên mua. |
bảo quản thực phẩm, bình giữ nhiệt, thói quen có hại