Sức khỏe

Nghiên cứu vắcxin phòng virus Zika đã đạt bước tiến mới

Trong tuyên bố ngày 17/2, Tập đoàn Dược phẩm Inovio của Mỹ cho biết, khi thử nghiệm trên chuột, vắcxin đã thúc đẩy phản ứng tích cực ở kháng thể.

Tin tức trên báo TTXVN, Tập đoàn Dược phẩm Inoviocho biết, sẽ tiếp tục thử nghiệm vắcxin trên linh trưởng cũng như bắt đầu sản xuất sản phẩm ứng dụng trong điều trị.

Chủ tịch tập đoàn Joseph Kim cho biết có kế hoạch tiến hành giai đoạn 1 của thử nghiệm trên người 3 giai đoạn trước cuối năm 2016, tức là thử sản phẩm thí nghiệm trên những đối tượng tình nguyện khỏe mạnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 15 công ty và các nhóm chuyên gia đang nghiên cứu phát triển vắcxin chống Zika.

Ngoài Inovio, một số tổ chức cũng đang tham gia cuộc chiến chống loại virus nguy hiểm hiện hoành hành tại Nam Mỹ, bao gồm Bharat Biotech của Ấn Độ, Sanofi của Pháp và Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, WHO ước tính sẽ cần ít nhất 18 tháng nữa trước khi vắcxin Zika có thể được thử nghiệm ở quy mô lớn trên người.

 - Ảnh 1

Tập đoàn Dược phẩm Inovio của Mỹ cho biết, khi thử nghiệm trên chuột, vắcxin đã thúc đẩy phản ứng tích cực ở kháng thể. (Ảnh minh họa)

Vắcxin của Inovio là sản phẩm hợp tác với công ty GeneOne Life Sciences của Hàn Quốc cùng một số đối tác khác.

Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Hiện giới y tế đang tập trung nghiên cứu xác định sự liên quan giữa virus này với hiện tượng trẻ sơ sinh có đầu và não nhỏ bất thường và chứng Guillain-Barre gây tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Zika đã lan tới 36 nước

Theo báo VietNamNet, hiện virus Zika đang lan truyền rất nhanh và đã có ở 36 nước. Những nước gần Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc cũng phát hiện các trường hợp nhiễm virus này.

Nga cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ Nga, vừa trở về từ Cộng hòa Dominica. Hiện tình trạng sực khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Mặc dù Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rộng là hoàn toàn có thể. Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là loại muỗi truyền virus Zika.

Cho đến nay, hơn 1 triệu ca bệnh đã được báo cáo riêng ở Brazil. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, virus sẽ ảnh hưởng 3-4 triệu người trước khi ngừng phát tác. Chỉ có 1 trong 5 người nhiễm bệnh bị đau ốm, còn lại đều có triệu chứng khá nhẹ.

Chưa có vắcxin ngừa Zika. WHO và Trung tâm Kiểm soát Ngăn chặn Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng acetaminophen để giảm sốt và đau.

Theo CDC, nguy cơ thực sự của Zika là mối liên hệ giữa virus với các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, như chứng teo não, đầu nhỏ. Để tránh mắc bệnh, CDC khuyến cáo hạn chế tới các vùng dịch, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị muỗi đốt.

Giới khoa học toàn cầu đang chạy đua với thời gian để tìm ra thuốc chủng ngừa. Tuy nhiên, hiện nay, cách tốt nhất để phòng chống bệnh là từ muỗi lây truyền virus. Brazil - tâm dịch và hàng chục quốc gia trên thế giới đang tiến hành phun thuốc muỗi, và kêu gọi người dân tránh để ao tù nước đọng khiến muỗi không có nơi sinh sản.

Chiến dịch toàn cầu ngăn ngừa virus Zika

Báo Sài Gòn Giải phóng đưa tin, trước tình hình dịch bệnh Zika đang bùng phát nhanh chóng, cùng ngày 17/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch toàn cầu mang tên “Khuôn khổ ứng phó chiến lược và Kế hoạch hành động chung”, nhằm hướng dẫn các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, cũng như thông tin đầy đủ về những dị tật và các biến chứng đối với hệ thần kinh mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải.

Chiến dịch trên tập trung chủ yếu vào việc kêu gọi hợp tác giữa các đối tác, chuyên gia, cũng như huy động nhiều nguồn tài chính nhằm giúp các quốc gia tăng cường kiểm soát virus Zika, ngăn ngừa các biến chứng liên quan, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đề xuất các biện pháp phòng bệnh phù hợp, cũng như chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và đặc biệt nghiên cứu để sớm điều chế vaccine, các loại thuốc giúp phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

Hiện có tới 34 quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, đa phần là các nước thuộc châu Mỹ và vùng Caribe, đặc biệt trong đó có 7 quốc gia xác nhận nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ. Đáng quan ngại hơn cả là Brazil, quốc gia xác nhận có hơn 4.700 trường hợp nghi nhiễm mắc chứng đầu nhỏ, song chỉ 1/4 trong số đó được thăm khám kỹ lưỡng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi năm nước này chỉ có 163 trẻ mắc bệnh này.

aFamily

vi rút zika, vi rút zika gây dị tật bẩm sinh, virus zika, bệnh zika, dịch bệnh zika, vaccine, bệnh đầu nhỏ


      © 2021 FAP
        1,039,813       1,311