Sức khỏe

Quai bị, thủy đậu: Đến hẹn lại bệnh dù có văcxin

Số bệnh nhân quai bị, thủy đậu đến khám có tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, trong đó có nhiều bệnh nhân là người lớn.

Từ trước Tết khoảng hai tuần, chị Trần Minh Hà - đại diện phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học ở Hà Nội - đã chuyển thư thông báo khẩn của nhà trường đến toàn thể phụ huynh, cho biết bệnh quai bị đang lây lan trong trường.

Có nguy cơ bùng phát

Trong những ngày nghỉ tết, bác sĩ Đỗ Duy Cường, phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số bệnh nhân quai bị, thủy đậu đến khám có tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, trong đó có nhiều bệnh nhân là người lớn.

Mùng 6 tết (ngày 12-2), bác sĩ Cường cho biết tại khoa truyền nhiễm đang có một bệnh nhân quai bị là người lớn được tiếp tục điều trị.

Là bệnh lây qua đường hô hấp và xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, có nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng. Đáng chú ý biến chứng ở bệnh nhân là nam giới hoặc bé trai mắc quai bị là viêm tinh hoàn, dễ dẫn đến nguy cơ vô sinh sau này.

“Từ thời điểm cuối tháng 1 đã có nhiều trẻ trong trường con tôi học bị bệnh quai bị. Nhà trường nhắc trẻ không uống nước ở trường, bé nào bị sốt, sưng một bên má rồi dần sưng qua bên má còn lại, nhức đầu, sợ gió - những dấu hiệu bệnh quai bị - phải nghỉ học ít nhất 10 ngày để tránh lây sang bạn khác. Vì đây là bệnh lây rất dễ lan rộng ở môi trường đông người như trường học nên chúng tôi 
rất lo” - chị Hà nói.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Cường cho biết bệnh nhân quai bị và rải rác có bệnh nhân thủy đậu đã vào viện từ thời điểm trước và trong tết. Riêng trong tháng 1-2016, có khoảng 30 bệnh nhân quai bị vào viện khám.

Trong những ngày tết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân quai bị đến khám và đây là một trong những bệnh lây thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán vừa 
qua tại khoa truyền nhiễm.

“Mọi năm chúng tôi ít gặp bệnh nhân quai bị nhưng năm nay số bệnh nhân vào viện nhiều hơn hẳn. Đây vẫn là bệnh lưu hành, có mầm bệnh là lây lan vì quai bị lây qua đường hô hấp. Tuy là bệnh thường gặp ở trẻ nhưng năm nay lại thấy nhiều người lớn mắc bệnh. Những năm gần đây chúng ta thấy nhiều người lớn mắc các bệnh thường gặp ở trẻ em, như có năm là bệnh sởi, năm nay lại là bệnh quai bị” - bác sĩ Cường cho biết.

Tiêm văcxin được xem là cách ngừa bệnh hữu hiệu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tiêm văcxin được xem là cách ngừa bệnh hữu hiệu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thiếu văcxin?

Hiện văcxin ngừa quai bị đang nằm trong nhóm văcxin dịch vụ, khá phổ biến ở các thành phố, thị xã lớn, nhưng năm 2015 thì văcxin ngừa quai bị (ở Việt Nam phổ biến loại văcxin ngừa sởi - quai bị - rubella) thường xuyên ở trong tình trạng hết hàng, bởi sau dịch sởi năm 2014 nhu cầu tiêm chủng tăng lên rất cao, dẫn đến các công ty văcxin trở tay không kịp, văcxin cung cấp không đủ nhu cầu.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết rải rác trước tết đã có trẻ em bị thủy đậu vào khám.

Đây là bệnh do virút và là bệnh tiên phát, những người từng bị thủy đậu khi còn nhỏ, sau này khi bị stress kéo dài, dịp tết ăn ngủ không điều độ, thức khuya, uống bia rượu... dẫn đến sức đề kháng giảm và có khả năng bị zona thần kinh, là căn bệnh thứ phát ở nhóm bệnh nhân từng mắc thủy đậu.

Văcxin ngừa thủy đậu ở Việt Nam nằm trong nhóm văcxin dịch vụ và nửa đầu năm 2015 cũng luôn trong 
tình trạng hết hàng.

Khảo sát mới nhất ngày 14-2 cũng cho thấy trong ba loại văcxin có thành phần ngừa quai bị có số đăng ký ở Việt Nam thì chỉ một loại còn hàng, văcxin thủy đậu cũng trong tình trạng tương tự, chỉ một trong ba loại có số đăng ký là 
đang còn văcxin.

Thư đề nghị các phụ huynh chuẩn bị ly uống nước riêng cho trẻ và nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày để tránh lây lan.

Mọi năm chúng tôi ít gặp bệnh nhân quai bị nhưng năm nay số bệnh nhân vào viện nhiều hơn hẳn. Đây vẫn là bệnh lưu hành, có mầm bệnh là lây lan vì quai bị lây qua đường hô hấp. Tuy là bệnh thường gặp ở trẻ nhưng năm nay lại thấy nhiều người lớn mắc bệnh.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường

aFamily

bệnh quai bị, bệnh thủy đậu, tiêm phòng cúm, dịch bệnh, sức khỏe trẻ em


      © 2021 FAP
        1,123,610       144