Sức khỏe

Nguy hiểm: Bôi phấn rôm vào vùng kín của trẻ trước khi đóng bỉm

Nhiều người có thói quen bôi phấn rôm vào vùng kín trước khi đóng bỉm cho con. Thực tế, cách làm này vô cùng tai hại.

Tắc nghẽn lỗ chân lông, tăng nguy cơ hăm tã

Theo các nhà khoa học, phấn rôm có nhiều công thức hóa học pha chế khác nhau tùy nơi sản xuất, nhưng thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm và một số chất tạo mùi thơm. Bột talc có khả năng hút ẩm nên được dùng để thoa vào các vùng da có nếp gấp như cổ, bẹn, nách, tránh bị hăm, ẩm ướt.

Tuy nhiên, việc sử dụng phấn rôm không đúng cách có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, không nên sử dụng phấn rôm cho trẻ em bởi loại phấn này không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da, viêm da nặng hơn khi không dùng.

Theo ông Dũng, rất nhiều người tin rằng, phấn rôm sẽ giúp phòng ngừa hăm tã cho bé. Vì vậy, họ thường có thói quen bôi phấn rôm vào vùng kín trước khi đóng bỉm cho con để giữ cho làn da bé được khô ráo. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc bôi phấn rôm sau khi bé tắm và trước khi quấn tã, đóng bỉm cực kỳ nguy hại.

Nguyên nhân là do phấn rôm khi được thoa vào vùng nhạy cảm, lại bị “bịt kín” bởi chiếc bỉm khiến những hạt bụi phấn không thoát ra ngoài được. Điều này sẽ gia tăng tình trạng bí bách cho làn da của bé. Đồng thời các phân tử phấn rời rạc cũng không tạo thành một lớp màng bảo vệ, tạo khoảng trống cho các enzim trong chất thải xâm nhập vào da của bé gây nên tình trạng mẩn ngứa, dị ứng.

Ngoài ra, nếu bôi quá nhiều phấn rôm vào vùng kín của trẻ sẽ dẫn đến tình trạng phấn kết hợp với nước tiểu và phân tồn đọng ở trong bỉm của bé gây nên hiện tượng vón cục, gây bít lỗ chân lông và dẫn tới hăm tã ở trẻ.


Bôi phấn rôm không đúng cách sẽ gây nguy hại rất lớn đối với trẻ nhỏ

Gây viêm nhiễm vùng kín ở bé gái

Bôi phấn rôm vào vùng kín trước khi đóng bỉm cho trẻ không chỉ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tăng nguy cơ hăm tã mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư ở trẻ, đặc biệt là các bé gái.

Theo Tiến sĩ Daniel Cramer, nhà dịch tễ học người Mỹ, ước tính có ít nhất 10.000 phụ nữ bị ung thư buồng trứng do có tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với phấn xoa da trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng phấn rôm làm tăng nguy cơ ung thư ở các bé gái.

Thống kê của các chuyên gia cho thấy, cứ 70 bé gái sử dụng phấn rôm ở vùng kín thì có một bé bị u ác tính ở buồng trứng sau này.Việc sử dụng phấn rôm trong một thời gian dài sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng cao gấp 4 lần so với trẻ bình thường.

Các nhà khoa học giải thích, sở dĩ phấn rôm có liên quan tới khối u ác tính ở buồng trứng là do cấu tạo cơ thể bé gái. Hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của nữ thông với bên ngoài. Do đó những bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Khi thoa phấn rôm vào vùng bụng dưới của bé gái, các hạt bụi phấn li ti sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể và nhiễm vào âm đạo của bé.

Do đó, mặc dù chưa có kết luận chính thức về việc phấn rôm gây ung thư buồng trứng, song các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không bôi phấn rôm vào vùng kín trước khi đóng bỉm cho trẻ, nhất là với các bé gái để phòng ngừa nguy cơ gây hại cho trẻ.

Lời khuyên dành cho phụ huynh khi sử dụng phấn rôm cho trẻ

Bác sĩ Lê Đức Thọ - Trưởng khoa Da Liễu, Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn khuyến cáo:

Các sản phẩm bôi ngoài da dạng bột để chống hăm cho trẻ phải được sản xuất bởi các thương hiệu uy có tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Trước khi dùng, cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ.

Việc sử dụng phấn rôm không đúng có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Chỉ cần một lượng phấn rất nhỏ xâm nhập cũng có thể gây tổn hại cho mắt và chức năng hô hấp của trẻ. Bệnh chỉ có thể chữa trị triệu chứng và không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Tuyệt đối không được thoa phấn rôm lên mặt, mắt của trẻ và vùng âm hộ của bé gái để ngừa khả năng gây ung thư. Tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm. Sau khi sử dụng phải đậy nắp lại cẩn thận và để  ngoài tầm tay của trẻ, không cho trẻ được cầm chơi lọ phấn rôm.

Không nên mua các sản phẩm phấn rôm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu vì rất có thể gây nguy hiểm khi sử dụng.

aFamily

sức khỏe trẻ em, bệnh trẻ em, phấn rôm, dùng phấn rôm cho trẻ


      © 2021 FAP
        1,127,671       152