Sức khỏe

Vết xước khi làm móng – chuyện không nhỏ

Bạn có từng bị thợ làm móng cắt trầy xước, chảy máu? Và bạn tưởng điều này vô hại, chỉ là chuyện nhỏ? Thực sự thì vết xước nhỏ khi làm móng có thể khiến cho bạn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm đặc biệt là với các chị em hay sử dụng chung dụng cụ làm móng của tiệm vì lý do tiện lợi.

Những bệnh có nguy cơ dễ mắc phải

1. Bệnh chín mé: là bệnh nhiễm trùng sinh mủ hoặc áp xe ở đầu múp ngón tay thường do nhiễm trùng tụ cầu khuẩn vàng (S.aureus) khi cắt tỉa móng quá sát và không thẳng làm tổn thương móng và vùng da quanh móng khiến khóe ngón chân, tay bị viêm, đỏ tấy, đau nhức. Nếu không được điều trị kịp thời phải tháo móng, gây viêm xương khớp hoặc viêm bao dịch gân gấp rất nguy hiểm

2. Nấm móng: là bệnh dễ bị lây khi dùng chung dụng cụ làm móng không được khử trùng đúng cách. Bệnh bắt đầu từ một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng, sau đó phát triển làm móng dày lên, giòn xốp, bị bóp méo hình dáng sau đó chuyển thành màu tối rất khó coi, có mùi hôi và gây đau đớn. Bệnh rất khó điều trị và tiến trình rất lâu dài, nếu không điều trị đúng cách sẽ lây sang các móng khác

3. Bệnh Paronychia: hay còn gọi là bệnh nhiễm trùng quanh móng. Bệnh tiến triển nhanh gây nhiễm trùng vùng da bao quanh móng với biểu hiện là nóng đỏ xung quanh, có mủ và sưng tấy đau đớn. Nguyên nhân chính là do sử dụng các kềm cắt da không vệ sinh cắt và xé các lớp biểu bì, vành da mỏng bên lề ngoài của móng. Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh có thể phát triển gây viêm tủy xương của các ngón và để lại di chứng về khả năng vận động.

4. Viêm gan B, C, và HIV: Các dụng cụ làm móng mà không được khử trùng đúng thì sẽ là nơi trú ẩn lý tưởng cho các vi khuẩn gây hại, có thể trở thành vật trung gian lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan B và C, thậm chí là HIV (là kết luận của một nghiên cứu được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên của American College of Gastroenterology tại Mỹ).

Cơ chế lây bệnh

Tại các tiệm làm móng, nếu quan sát một chút bạn sẽ thấy, ngay khi làm xong cho vị khách trước, thợ làm móng sẽ lau cây kềm với dung dịch axeton (chất dùng để tẩy sơn móng tay, không có công dụng khử trùng) hoặc cồn rồi sử dụng cây kềm đó cắt cho người khách kế tiếp. Hầu hết các chị em đi làm móng đều tin tưởng dụng cụ đã được khử trùng theo những cách trên. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Minh Vinh, giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, thì các biện pháp khử trùng đang được hầu hết các tiệm làm móng áp dụng hiện nay rất khó tiêu diệt được các vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến các bệnh lây nhiễm qua việc làm móng đang ngày càng gia tăng. Theo quy trình khử trùng chuẩn thì các dụng cụ phải được hấp với nhiệt độ 120 độ C trong vòng 30 phút với máy hấp ướt chuyên dụng theo tiêu chuẩn y tế. Hiện nay, chỉ một số rất ít các salon cao cấp tuân thủ theo đúng quy trình vệ sinh dụng cụ này.

Dịch vụ thiết yếu nhưng cần chủ động phòng tránh bệnh

Việc chăm sóc móng không chỉ đơn thuần là làm đẹp mà nó còn thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ, biết chăm sóc bản thân một cách toàn diện. Và để có một bộ móng đẹp thì không phải ai cũng có thể tự thực hiện tại nhà mà phải cần đến đôi bàn tay khéo léo của những người thợ chuyên nghiệp. Do đó, nếu vẫn muốn chăm sóc cho bộ móng của mình tại các dịch vụ, thì việc bạn cần làm là dặn dò thợ làm móng thật kĩ, luôn quan sát để đảm bảo họ không cắt phạm da, cắt móng quá sát, móc khóe sâu, làm chảy máu… hoặc chỉ cần 1 bước đơn giản nhưng cực kì quan trọng để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, đó là sử dụng bộ kềm riêng.

Chủ động bảo vệ sức khỏe khi đi làm móng bằng cách trang bị bộ kềm riêng (Ảnh: sưu tầm)

Theo khảo sát, phần lớn chị em phụ nữ an tâm nhất khi đến tiệm làm móng là khi họ cầm theo bộ kềm của mình. Chị Huỳnh Kim Thanh –nhân viên văn phòng cho biết: “với tôi sự an toàn của bản thân là quan trọng nhất nên tôi luôn dùng kềm riêng của mình. Vả lại kềm nhỏ gọn, rất dễ mang theo, còn nếu quên thì tôi mua kềm mới vì chi phí không đáng bao nhiêu,có thể mua dễ dàng tại các siêu thị”. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân khi làm móng bằng cách dùng bộ kềm riêng!


aFamily

      © 2021 FAP
        1,129,475       292