Sức khỏe

Chuyên gia y tế lo ngại khi kháng sinh bị lạm dụng

Đề kháng kháng sinh hay còn gọi là “nhờn thuốc” đang trở thành vấn đề quan trọng lâu dài có tính toàn cầu. Tình trạng này đang trở nên trầm trọng hơn bởi thói quen dùng kháng sinh tuỳ tiện, lạm dụng trong cộng đồng.

Kháng sinh bị lạm dụng như thế nào?

Không tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng kháng sinh của thầy thuốc khá phổ biến hiện nay. ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, 30%-60% người bệnh không tuân thủ điều trị đúng, nhất là khi thời gian điều trị trên 7 ngày.

Những trường hợp lạm dụng kháng sinh thường thấy như: tự chẩn bệnh và tự mua kháng sinh về dùng; sử dụng thuốc không đúng liều lượng, số lần dùng trong ngày; chỉ mới bớt bệnh mà chưa khỏi bệnh hẳn đã tự ý ngưng kháng sinh sớm hơn thời gian chỉ định của bác sĩ; chưa cải thiện sau một thời gian dùng kháng sinh nhưng lại tự ý dùng thuốc thêm thời gian nữa mà không tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá đáp ứng và xem xét khả năng đổi thuốc ngay.

Các chuyên gia y tế lo ngại khi thuốc kháng sinh bị lạm dụng

Giờ đây, với hệ thống nhà thuốc sẵn có, gần như ai cũng có thể “tự làm bác sĩ” khi mua được kháng sinh mà không cần toa thuốc. Mặc dù đã có qui định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, nhiều nhà thuốc vẫn không tuân thủ.

Lạm dụng kháng sinh đem đến hậu quả gì?

Việc không tuân thủ điều trị kháng sinh sẽ dẫn đến các hậu quả trước mắt và lâu dài. Hậu quả nhãn tiền là bệnh không hết hẳn, dễ tái phát hoặc dễ có biến chứng nhất là khi bị dị ứng thuốc.

“Phản ứng dị ứng kháng sinh có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn sốc phản vệ.” ThS. BS Trần Anh Tuấn cho biết.

Khi tái phát, người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng. Từ đó, người bệnh sẽ tốn kém hơn do phải điều trị khi bệnh tái phát, có biến chứng, nhập viện, và phải đổi kháng sinh khác (thường là đắt tiền hơn.)

Hơn nữa, tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh mới là hậu quả lâu dài đáng ngại nhất sinh ra từ lạm dụng kháng sinh. Năm 2014, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao. Lâu nay kháng sinh được coi như công cụ đắc lực trong chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn. Nhưng một khi bị lạm dụng, công cụ này sẽ mất hiệu quả.

ThS. BS Trần Anh Tuấn nhận định, rất nhiều người bi quan về “viễn cảnh u tối” khi vi khuẩn ngày càng nguy hiểm, kháng thuốc nhưng không còn thuốc trị.

“Trên thế giới số loại kháng sinh mới được phát triển, đưa vào sử dụng ngày càng ít, trong khi vi khuẩn kháng thuốc càng đáng ngại: tăng cả về chiều rộng tại nhiều quốc gia, nhiều vùng; lẫn bề sâu như kháng nhiều loại thuốc, kháng cao.”

Kháng sinh liệu trình ngắn ngày vẫn hiệu quả

Theo ThS. BS Trần Anh Tuấn thì hiện nay, xu hướng điều trị với kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày có nhiều ưu điểm như giảm chi phí, giảm thời gian điều trị nên người bệnh dễ tuân thủ hơn. Tuy nhiên cho dù là kháng sinh thế hệ nào đi nữa, thì người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau đây để tránh uống phải “kháng sinh oan” hay góp phần trầm trọng tình trạng kháng thuốc:

Không tự ý kê toa, tự mua kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Không dùng lại kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước.

Không chỉ người khác dùng kháng sinh khi thấy triệu chứng bệnh giống mình.

Không tự ý ngưng dùng kháng sinh khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.

Người bệnh có thể tiếp cận với kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn

Nguyên tắc lớn nhất, bao trùm khi sử dụng kháng sinh là nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh nên lưu ý đặc điểm của các loại thuốc kháng sinh như số lần dùng trong ngày ít (ví dụ 1 lần/ngày); thời gian điều trị ngắn (3 ngày– 5 ngày)… sẽ giúp người bệnh dễ tuân thủ chỉ định của bác sĩ hơn. Nhiều loại kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn (3 - 5 ngày) vẫn đủ khả năng điều trị hiệu quả các chứng bệnh nhiễm khuẩn so với liệu trình dài ngày.

aFamily

      © 2021 FAP
        641,376       82