Sức khỏe

Bộ Y tế khuyến cáo đề phòng bệnh sốt xuất huyết trước mùa dịch

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế hiện nay đang là thời điểm mùa khô nhưng sốt xuất huyết đã lưu hành trên diện rộng.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính gây ra. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Theo các chuyên gia y tế dự báo, sốt xuất huyết sẽ có những diễn biến phức tạp trong những tháng mùa mưa, người dân cần chủ động phòng ngừa.
Bệnh sốt xuất huyết nhiều diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2015 tổ chức tại Viện Pasteur, TPHCM chiều 14/4.  Thống kê, 3 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 8.320 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 40 tỉnh thành, trong đó có 6 ca tử vong tập trung ở các tỉnh phía Nam. 
Số bệnh nhân gia tăng từ 25-40% so với cùng kỳ năm trước và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Đây là hệ quả từ sự biến động dân cư, môi trường, ý thức của người dân, quá trình công nghiệp hóa và kinh phí phòng chống dịch bị cắt giảm. 
Trong khi đó, năm 2014 cả nước có 31.848 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 20 trường hợp tử vong; số ổ dịch được ghi nhận là 5.588, đã xử lý 5.480; số mắc và tử vong do sốt xuất huyết ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.  Với 4.843 ổ dịch, các tỉnh thành phía Nam trở thành điểm nóng của sốt xuất huyết trong năm qua. Địa phương để xảy ra nhiều ổ dịch nhất là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế hiện nay đang là thời điểm mùa khô nhưng sốt xuất huyết đã lưu hành trên diện rộng. Vì thế, nếu không có những giải pháp xử lý triệt để, khi bước vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Vì thế nguy cơ bùng phát dịch là điều rất dễ xảy ra.
Vì thế, trong năm 2015 để hạn chế số ổ dịch, tỷ lệ người mắc và chết do sốt xuất huyết. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông, huy động tổng lực các ban ngành đoàn thể tham gia phòng chống sốt xuất huyết. Cùng với kiểm soát tốt véc tơ gây bệnh, ngành y tế dự phòng cần có giải pháp cụ thể xử lý kịp thời điểm nguy cơ tại các khu công nghiệp, khu đô thị, trường học và khu dân cư. Các bệnh viện tuyến cơ sở cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho bác sĩ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị sớm cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
đề phòng sốt xuất huyết trước mùa dịch
Ảnh minh họa
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết 
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 – 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao; ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Trong năm Bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. 
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
aFamily

sốt xuất huyết, bệnh mùa hè, phòng bệnh mùa hè


      © 2021 FAP
        1,112,439       709