Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.
Nhập viện do ăn thịt lợn chết
Theo điều tra của Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai, gia đình ông Thống đã thịt con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau vài tiếng, 3/5 người ăn thịt lợn có biểu hiện đau nhức, nổi ban, sưng đỏ và ngứa ở bàn tay.
Đáng nói, cả 3 bệnh nhân này đều tham gia chế biến và đều có vết thương hở ở bàn tay. Hai người còn lại không tham gia chế biến, chỉ ăn nên không có biểu hiện gì.
Sau khi xuất hiện đau nhức, nổi ban, sưng đỏ và ngứa cả 3 bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện, được chẩn đoán “theo dõi nhiễm liên cầu lợn”. Sau 5 ngày điều trị tình trạng bệnh tiến triển tốt, các nốt ban ngứa giảm dần và hiện các bệnh nhân đã được xuất viện.
Qua điều tra thực tế, Chi cục xác định đây là bệnh lây truyền từ gia súc sang người do tiếp xúc (giết mổ) với gia súc bị ốm, chết.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo với người dân khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh, gia súc chết bất thường phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) gây ra. Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết bệnh liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục. Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong từ 5% tới 20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài. Bệnh thường xảy ra dưới dạng các trường hợp tản phát, tuy nhiên cũng có thể gây thành những vụ dịch trên động vật và người.
Lợn nhiễm vi khuẩn S. suis có thể không phát bệnh hoặc gây các chứng viêm nhiễm nhẹ đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp nhiễm trùng, viêm phế quản phổi, viêm màng trong tim, viêm não, sẩy thai và các ổ áp xe…, gây chết ở lợn. Khi lợn bị mắc hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (hay còn gọi là bệnh tai xanh), vi khuẩn S. suis có thể phát triển mạnh hơn và làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người, các ổ dịch liên cầu lợn ở người thường liên quan đến việc bùng phát các ổ
dịch tai xanh ở lợn. Hầu hết các týp vi khuẩn S. suis còn nhạy cảm cao với kháng sinh.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Những lưu ý trong phòng bệnh liên cầu lợn
Để phòng lây nhiễm bệnh cho người, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với gia súc ốm, chết và chất thải từ gia súc.
Tuyệt đối không giết mổ gia súc bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thực phẩm, không ăn tiết canh, chỉ ăn thịt gia súc và các sản phẩm gia súc khỏe mạnh đã được nấu chín kỹ…
Đặc biệt, trong quá trình chế biến thức ăn nếu bàn tay có vết thương hở không tham gia chế biến hoặc phải đeo găng tay để chế biến thức ăn.
Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Vi khuẩn S. suis có thể phát triển và gây bệnh cho lợn tại các ổ dịch lợn tai xanh, do đó người dân cần báo cho cơ quan thú y ngay khi phát hiện tình trạng lợn ốm, chết, lợn sẩy thai bất thường để xác định nguồn bệnh và có biện pháp xử lý tiêu hủy đúng quy định của ngành thú y.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.
Khi người xuất hiện các triệu chứng bất thường phải đến ngay cơ quan y tế để khám và điều trị kịp thời.