Sức khỏe

Cứu sống cô gái mắc bệnh ung thư máu chỉ sau vài tháng phát hiện bệnh

Mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác, Hoàng Thùy Linh may mắn được các y bác sĩ tại Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương cứu sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc máu dây rốn từ cộng đồng.

Cô gái trẻ mắc phải căn bệnh "nhà giàu"

Chia sẻ về thời gian phát bệnh, cô Trương Thị Thúy mẹ của bệnh nhân Linh đã chia sẻ thay cho con gái (vì Linh phải hạn chế nói): gia đình chỉ có 2 con, Linh chị cả và cậu em trai. Trước đó, sức khỏe Linh không có biểu hiện bệnh tật, nhưng đến ngày 10/9/2014, Linh bị nổi hạch ở tai, mệt mỏi và được điều trị tại bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới 10 ngày, đây cũng là cơ quan nơi Linh đang làm việc. Sau đó, thấy tình trạng bệnh có dấu hiệu xấu hơn, Linh được chuyển ra Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, Linh được chẩn đoán ung thư máu. Nhận được tin này, cả gia đình Linh quá bàng hoàng, tuyệt vọng vì ai cũng biết đây là bệnh không có thuốc điều trị, hy vọng sống mong manh.

Cô Thúy cho biết thêm, sau khi phát hiện bệnh và được chẩn đoán là bị Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (M5A) từ tháng 9.2014, Linh được điều trị 2 đợt hóa chất tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và đẩy lui bệnh. Nhưng  các bác sĩ cho biết Linh thuộc nhóm tiên lượng xấu, nếu không có biện pháp điều trị tích cực thì các triệu chứng sẽ phát sớm và thời gian sống của bệnh nhân sẽ rút ngắn hơn nhiều. Vì thế, để cứu bệnh nhân, các bác sĩ buộc phải nghĩ tới hướng điều trị ghép tế bào gốc. Đây được coi là phương án tối ưu nhất để cứu sống bệnh nhân hiện nay.

Được sự quan tâm, tư vấn của tập thể bác sĩ tại bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, cộng với sự động viên của anh em bạn bè, các y bác sĩ, gia đình Linh đồng ý thực hiện phương pháp điều trị ghép tế bào gốc.

Trong suốt thời gian thực hiện ca ghép, mọi người đã rất lo lắng, thấp thỏm, phân vân và bàn tính tới chuyện có phải bán hết tài sản gia đình cũng chấp nhận để đưa con ra nước ngoài chữa bệnh.

Các bác sĩ của bệnh viện quyết định tiến hành điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc cho bệnh nhân và nguồn tế bào gốc sẽ được lấy từ người em trai ruột của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi tiến hành xét nghiệm, tủy từ em ruột Linh lại không phù hợp HLA (các yếu tố phù hợp ghép) nên gia đình cô rất lo lắng.

chữa khỏi ung thư nhờ ghép tế bào gốc 1
Bệnh nhân Linh trong phòng chăm sóc đặc biệt. Ảnh: M.Tuyết

May mắn cho bệnh nhân Linh, đầu tháng 4.2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ký kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội triển khai thu thập máu dây rốn trong cộng đồng và điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi Trung tâm tế bào gốc tiến hành đo chéo kết quả HLA (các yếu tố phù hợp ghép) của bệnh nhân với các mẫu tế bào gốc được lưu trữ trong Ngân hàng tế bào gốc đã tìm thấy trong 700 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại viện có 6 mẫu phù hợp HLA với bệnh nhân và đủ số lượng tế bào gốc để tiến hành ca ghép. Các bác sĩ đã quyết định chọn mẫu tốt nhất, phù hợp nhất để tiến hành ghép cho bệnh nhân Linh từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng này.

Theo Bác sĩ CKII Võ Thị Thanh Bình khoa Ghép, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, người tham gia đội ngũ bác sĩ ghép tế bào gốc cho bệnh nhân cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết, các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã quyết định tiến hành ca ghép cho bệnh nhân Linh bằng chính mẫu tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng này. Ca ghép được tiến hành khá thuận lợi vào sáng 30.12.2014, bệnh nhân sau ghép sức khỏe ổn định, không có phản ứng xấu và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Đánh giá về sức khỏe bệnh nhân Linh, BS Bình cho biết, chỉ sau 30 ngày ghép tế bào gốc, máu dây rốn đã mọc trong cơ thể bệnh nhân, gen tiên lượng bệnh xấu không còn. Hiện sức khỏe bệnh nhân bình phục tốt, có thể tự đi lại, sinh hoạt. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe định kỳ và có những đợt thăm khám cần thiết để chắc chắn bệnh nhân không có phản ứng loại thải tế bào ghép.

chữa khỏi ung thư nhờ ghép tế bào gốc 2
GS. Nguyễn Anh Trí chúc mừng bệnh nhân. Ảnh: M.T

Hy vọng sống của cô gái trẻ mắc bệnh ung thư và những bệnh nhân ung thư khác

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương cho biết, các nước đa số dùng mẫu máu dây rốn ghép cho trẻ em, vì số lượng tế bào gốc thu được chỉ đáp ứng một phần nào đó cho trẻ, một người lớn 70kg thì không đủ. Qua kinh nghiệm của Nhật, Viện cải tiến kỹ thuật để có thể thu đủ tế bào gốc để ghép cho người lớn, thậm chí 60-70kg.

Đối với trường hợp của bệnh nhân Linh các bác sĩ phân tích rằng khi quyết định áp dụng phương pháp cấy tế bào gốc dây rốn thì các mẫu máu dây rốn này sẽ được xử lý, xét nghiệm HLA độ phân giải cao và lưu trữ bảo quản theo đúng  tiêu chuẩn quốc tế. Để có được mẫu tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân Linh, tất cả các mẫu tế bào gốc trong ngân hàng được đem đối chiếu HLA với mẫu tế bào của bệnh nhân và chọn ra mẫu phù hợp nhất để cấy ghép.

Trước đó, khi nhận định về tình trạng bệnh và hướng điều trị cho bệnh nhân Linh và vạch ra hướng điều trị cấy ghép tế bào gốc thì các bác sĩ cho biết có 3 nguồn chính lấy tế bào gốc gồm dịch tủy xương; tế bào gốc máu ngoại vi và máu dây rốn. Đồng thời, có hai phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tự thân (lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ) và ghép đồng loại, tức lấy tế bào gốc từ người hiến để ghép cho bệnh nhân, đây là cái khó nhất. Giống như máu muốn truyền được thì phải phù hợp, tế bào gốc để ghép được phải phù hợp về kháng nguyên bạch cầu người hay HLA, với 6 yếu tố. Cũng vì thế, nguồn tế bào gốc được xét đến đầu tiên là anh chị em ruột vì tỷ lệ phù hợp cao hơn; trong khi xác suất tìm được trong cộng đồng là rất thấp. Tuy nhiên trường hợp của Linh thì hoàn toàn ngược lại và nguồn tế bào gốc từ cuống rốn đã có chỉ số HLA tương thích với cô. Và sau 30 ngày được cấy ghép, tình trạng bệnh của bệnh nhân Linh đã chuyển biến tích cựu. Cho đến hiện tại sức khỏe của Linh đã phục hồi tốt, có thể hoạt động trở lại bình thường.
    
Để phục vụ hoạt động của Ngân hàng, Viện đã tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ ở trong và ngoài nước. Đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị, phòng sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống lưu trữ tế bào gốc trong môi trường ni-tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C; xây dựng và hoàn thiện quy trình thu thập, xử lý tế bào gốc tối ưu nhất…

TS Khánh cho biết thêm, với mục tiêu sử dụng các mẫu máu dây rốn để ghép cho cả người lớn, Viện áp dụng kỹ thuật xử lý bằng phương pháp để máu tự lắng, tách phần tế bào gốc, sau đó lại đưa vào máu li tâm để tiếp tục tách tế bào gốc. Nhờ đó mà chắt lọc được tối đa lượng tế bào gốc quý giá. Tính trung bình, các mẫu tế bào gốc lưu trữ trong ngân hàng có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành có cân nặng khoảng 70 kg.

Việc xây dựng ngân hàng tế bào gốc cộng đồng là một hướng đi rất quan trọng, mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác nhau. Mẫu máu dây rốn có nguồn tế bào gốc rất có chất lượng, phù hợp không yêu cầu phù hợp 5/6 hay 6/6 mà chỉ cần 4/6. Với 4/6 yếu tố phù hợp HLA với 1.000 mẫu máu dây rốn thì trên 80% tìm được mẫu phù hợp. Nhiều nhất một người có thể tìm được 75 mẫu phù hợp. Viện đang tiến hành làm ca ghép tế bào gốc từ mẫu máu dây rốn cộng đồng thứ 2. Tành công này không chỉ là tin vui đối với viện mà thực sự là cơ hội, là hy vọng được cứu sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn trong cộng đồng đối với những bệnh nhân ung thư máu tại Việt Nam, TS Khánh nhấn mạnh.

aFamily

ung thư máu, ghép tế bào gốc tự thân, thành tựu y học, ghép tế bào gốc dây rốn cộng đồng, y học hiện đại


      © 2021 FAP
        1,037,389       1,150