Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển nhưng đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm, tử vong do ăn phải nấm độc.
So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao do hầu hết đều ăn phải
nấm độc.
Vụ ngộ độc nấm đầu tiên trong năm 2015
Theo thông tin Cục vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 19/3/2015, trên địa bàn xóm Phiềng Sa, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn nấm độc (nấm tự hái ở rừng) làm 05 người trong gia đình anh Hà Văn Khiên mắc phải nhập viện, 02 người đã tử vong, 03 trường hợp còn lại đang được điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viên Bạch Mai, trong đó có 01 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.
Đây là vụ ngộ độc do ăn nấm độc đầu tiên xảy ra trong năm 2015. Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn hướng dẫn các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kế hoạch, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống
ngộ độc do nấm độc; tổ chức hướng dẫn các đơn vị Y tế tuyến cơ sở trong công tác sơ cứu, cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm độc.
Việc tập trung truyền thông các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình - những cộng đồng có thói quen thu hái, chế biến và sử dụng nấm dại làm thức ăn cũng được chú trọng. Để phòng chống hiệu quả, triệt để ngộ độc do nấm độc, người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, kể cả nấm dại nghi ngờ không an toàn.
Cách nhận diện nấm độc
PGS.TS. Hoàng Công Minh – nguyên chủ nhiệm bộ môn Độc học, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau. Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.
Các dấu hiệu chung nhận diện nấm độc:
- Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
- Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.
- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu
Đặc điểm nhận dạng một số loại nấm độc phổ biến:
1. Nấm độc tán trắng (Amanita verna)
- Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác...
- Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5-10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống.
- Phiến nấm: Màu trắng.
- Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ.
- Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
- Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.
- Độc tố chính: các amanitin (amatoxin) có độc tính cao.
2. Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa)
- Trông gần giống nấm độc tán trắng.
- Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác...
- Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4-10 cm.
- Phiến nấm: Màu trắng.
- Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa.
- Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi khó chịu.
- Độc tố chính: các amanitin (amatoxin), có độc tính cao
3. Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa)
- Mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát và một số nơi khác...
- Mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm.
- Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ; Đường kính mũ nấm 2-8cm.
- Phiến nấm lúc non mầu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm.
- Cuống nấm: Mầu từ hơi trắng đến vàng nâu dài 3-9cm, không có vòng cuống.
- Thịt nấm: mầu trắng
- Độc tố chính: muscarin
4. Nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites)
- Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác...
- Mũ nấm: Lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ: 5 – 15 cm . Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ.
- Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm): Lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ.
- Cuống nấm: Màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ.
Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc; Dài 10 – 30 cm.
- Thịt nấm: Màu trắng.
- Độc tính thấp, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.