Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh trước khi dùng các sản phẩm thuốc bổ có tinh chất sâm cần cẩn trọng hỏi ý kiến bác sĩ
Đến kỳ “đèn đỏ”, chị Thu Hoài (ở phường Ngọc Hà, Hà Nội) thấy rất ngạc nhiên khi chu kỳ kéo dài bất bình thường mà vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đến ngày thứ 12, chị Hoài quá mệt mỏi vì huyết vẫn ra đều đặn, chị đành đi khám và tá hỏa khi biết nguyên nhân là do dùng thuốc bổ có tinh chất sâm.
Không phát hiện sớm, cắt tử cung máu vẫn chảy tới hết
Chị Thu Hoài cho biết, dịp trước Tết, chị vừa bận sửa nhà, vừa làm việc, vừa lo toan Tết cho cả hai bên nội, ngoại nên rất mệt mỏi và gầy sút trông thấy. Nghe nói thuốc bổ có nhân sâm rất tốt nên chị mua mấy hộp về dùng. Mỗi ngày uống đều đặn 2 viên. Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị ngạc nhiên thấy huyết màu đỏ tươi, kéo dài tới 7 ngày không hết. Đầu tiên, chị cứ nghĩ do làm việc vất vả, ăn uống thất thường nên kỳ kinh dài hơn. Nhưng rồi 10 ngày, 12 ngày vẫn đều đặn ra máu tươi, kèm ngâm ngẩm đau bụng thì chị đành đi khám.
Bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán chị bị băng huyết. Chị được làm các xét nghiệm, siêu âm nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh. Khi bác sĩ hỏi: “Gần đây chị có uống thuốc gì không?”, chị Hoài cho biết đang uống thuốc bổ có nhân sâm. Bác sĩ yêu cầu chị ngừng uống ngay bởi đó là nguyên nhân gây chảy máu tử cung, rong kinh và băng huyết.
Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Hiên (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), các loại thuốc có nhân sâm, phụ nữ uống trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt (nhất là với phụ nữ ở tuổi sắp mãn kinh) rất dễ bị rong kinh, băng huyết không cầm máu được. Thậm chí có người phải cắt cả tử cung mà máu vẫn không cầm.
Khi bị rong kinh, băng huyết kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh mất nhiều máu, dẫn tới thiếu máu, mệt mỏi, khó thở... Các loại vi khuẩn, vi trùng thừa cơ xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm sinh dục ngược từ âm hộ - âm đạo – tử cung - lên vòi trứng gây viêm phần phụ, vô sinh.
Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh trước khi dùng các sản phẩm có sâm cần cẩn trọng hỏi ý kiến bác sĩ. Ảnh: T.G
Người nào không nên dùng sâm?
Theo bác sĩ Đông y Nguyễn Xuân Hướng (Trung ương Hội Đông y Việt Nam), hiện có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ nhân sâm, như thuốc viên, tinh bột, xắt lát tẩm mật ong, siro, nước uống, chè, cao sâm… rất tiện dùng. Các sản phẩm thuốc bổ có sâm đều khuyến cáo trước khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Trong các hướng dẫn sử dụng thuốc bổ có sâm ghi rõ: Có thể gặp đa kinh hoặc kinh nguyệt khi dùng thuốc. Nếu tình trạng này kéo dài cần đi khám. Nhiều phụ nữ đã không để ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tự ý uống nên bổ đâu không thấy, lại rước họa vào thân. Không chỉ gây chảy máu cho phụ nữ, mà cả những người ốm yếu sốt ruột phục hồi sức khỏe, những người sắp phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc đang bị chảy máu bên trong nội tạng mà uống thuốc bổ có sâm quá nhiều cũng có thể làm bệnh trở nên nguy cấp, đã có trường hợp tử vong.
Không nên kết hợp các sản phẩm có sâm với các loại thuốc làm loãng máu vì sẽ trầm trọng hơn nguy cơ chảy máu. Thậm chí, có thể gặp tác dụng phụ như tim đập nhanh, mất ngủ (đặc biệt khi dùng với thảo dược, thực phẩm có cafein), giảm lượng đường trong máu (với người tiểu đường tuýp 2 hoặc dùng thuốc trị tiểu đường). Tùy sức khỏe, cơ địa của từng người mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau.
Bác sĩ Đông y Nguyễn Xuân Hướng cho biết, một số trường hợp sau không nên dùng sản phẩm có sâm:
Người có huyết áp cao, nóng người, nếu dùng sản phẩm có sâm huyết áp sẽ càng tăng cao.
Người đang sốt cao, lạnh bụng bị tiêu chảy nếu dùng sản phẩm có sâm sẽ gặp nguy hiểm chết người.
Phụ nữ có thai (hoặc có khả năng có thai), phụ nữ sau khi sinh cần hạn chế uống sâm vì dễ bị tiêu chảy. Trẻ dưới 4 tuổi, bệnh nhân đang điều trị liệu pháp đặc biệt cũng không nên dùng các sản phẩm từ sâm. Nếu có dùng cũng cần thận trọng về liều lượng và cách dùng.
Người bị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh gút càng không nên dùng các sản phẩm có sâm, bởi sẽ làm bệnh nặng thêm.
Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị em lưu ý không uống các loại thuốc bổ có sâm trước, trong và sau kỳ kinh để tránh đa kinh, rong kinh, băng huyết. Khi thấy các triệu chứng rong kinh, băng huyết cần tới cơ sở y tế chuyên khoa khám, xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp. Tránh để lâu mà bệnh biến chứng xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiên
Trà Giang