Nếu con bạn mới được tiêm một mũi hồi bé 9 tháng tuổi thì nên cho con tiêm phòng sởi nhắc lại trong đợt này để phòng sởi.
Con tôi đang học tiểu học ở Hà Nội. Được biết sắp tới nhà trường tổ chức tiêm phòng sởi cho học sinh trong trường. Con tôi mới tiêm một mũi sởi hồi cháu 9 tháng tuổi. Vậy tôi có nên cho cháu tiêm phòng sởi ở trường hay không? Những phản ứng do vaccine sởi có thể xảy ra là gì?
Giang Oanh (Hà Nội)
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây nhanh qua đường hô hấp, ở trẻ em bệnh gây suy giảm miễn dịch nên dễ biến chứng gây viêm phổi, tiêu chảy. Bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm 2 liều vaccine sởi. Vì vậy, nếu con bạn mới được tiêm một mũi hồi bé 9 tháng tuổi thì nên cho con tiêm nhắc lại trong đợt này để phòng sởi.
Những phản ứng nhẹ do vaccine sởi thường ít gặp, có thể là sốt ban. Trẻ có thể có biểu hiện sốt sau khi tiêm 5 đến 12 ngày và sốt kéo dài 1 đến 2 ngày. Các triệu chứng này nhẹ hơn rất nhiều so với trường hợp mắc sởi. Trẻ cũng có thể nổi hạch, đau cơ và cảm giác khó chịu. Phản ứng nặng sau tiêm là: Giảm tiểu cầu, sốc phản vệ hay dị ứng, nổi mề đay, ngứa, phát ban trong vòng 24 giờ sau tiêm, tuy nhiên rất hiếm gặp.
Bạn không nên cho con tiêm nếu con bạn có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vaccine chứa thành phần sởi hoặc rubella; dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vaccine; có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan; trẻ mắc các bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh về máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu... thì không nên đi tiêm vaccine. Những trường hợp đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi và rubella cũng không phải tiêm vaccine sởi - rubella, vì người đã mắc bệnh thường có miễn dịch bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc 1 trong 2 bệnh này thì việc tiêm vaccine phối hợp sởi - rubella để phòng đồng thời 2 bệnh là cần thiết.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai