Sức khỏe

Lưu ý phòng tránh các bệnh giao mùa đông xuân cho trẻ

Khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi để các vi khuẩn gây bệnh phát triển và tăng nguy cơ gây các bệnh giao mùa như cúm, sởi, thủy đậu, rubela, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách, các bệnh giao mùa cũng sẽ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. 
Nhập viện cấp cứu vì viêm phổi nặng
Thời tiết giao mùa, ngày nào bệnh viện Nhi TƯ, khoa Nhi (BV Bạch Mai – BV Xanh Pôn) cũng tiếp nhận những trường hợp mắc bệnh lý hô hấp, trong đó có không ít trường hợp biến chứng vào phổi. Một trong số đó là con chị Hoàng Thị Hường ở Dương Nội (Hà Đông). 
Cách đây hơn một tuần, thấy con có biểu hiện khó thở, chị Hường vội đưa con đi khám ở Khoa Nhi  - BV Bạch Mai. Ngay lập tức con chị được chuyển vào điều trị tích cực để thở máy nhằm cải thiện chức năng hô hấp của bé. Chị Hường cho biết, khi thấy con ho, chảy nước mũi, chị đã đưa con đến phòng khám tư và uống theo đơn thuốc ở đó nhưng vẫn không đỡ. Chị ngần ngại không đưa con đi đến bệnh viện để rồi từ viêm phế quản, con đã chuyển sang bị viêm phổi và nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Hơn nửa tháng nằm viện, thay 3 loại kháng sinh, hiện con chị đã đỡ ho và không còn bị thở nhanh, co rút lồng ngực. Tuy vậy, con chị vẫn cần được theo dõi tích cực.
Chị Nguyễn Thị Vân (Đội Cấn, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi bác sĩ kết luận bé Zin – con chị bị viêm hô hấp cấp. Trước đó, thấy con có dấu hiệu viêm đường hô hấp như ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở nhẹ, không sốt và ăn uống bình thường… chị lại nghĩ con ốm do thay đổi thời tiết như mọi lần nên tự mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà cho con. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, bệnh đã tiến triển nặng và gia đình vội đưa con vào viện thì trẻ đã suy hô hấp nặng, viêm phổi.
Theo Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), thời điểm đông xuân thường số lượng bệnh nhi đến khám tăng hơn so với các thời điểm khác. Đa phần trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản hoặc những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, thủy đậu, rubela. Và ngoài ra cũng có thể gặp các bệnh lý về tiêu hóa, màng não, viêm màng não, bệnh lý về thận, sốt xuất huyết, tay chân miệng
Nguyên nhân gây các bùng phát nhiều bệnh khi giao mùa là do không khí ẩm thấp dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh làm tăng nguy cơ lây truyền từ người này sang người kia. Hơn nữa, nhiệt độ trong ngày thay đổi, chênh lệch nhiệt độ cao cũng là nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, có thể gặp ở một số trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch là nguy cơ khiến bệnh lý đường hô hấp phát triển mạnh hơn. 
Lưu ý phòng tránh các bệnh giao mùa đông xuân cho trẻ 1
Khí hậu mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi để các vi khuẩn gây bệnh phát triển và tăng nguy cơ gây các bệnh giao mùa… Ảnh minh họa
Phòng tránh bệnh hiệu quả
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, các bệnh lý về hô hấp bao gồm viêm mũi họng, viêm amidam, viêm phế quản là nhóm bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa đông xuân. Cùng với đó là một số bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp như sởi, thủy đậu, rubela… Từ đầu năm đến nay, theo thông tin Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước đã có gần 130 trường hợp sốt phát ban nghi sởi xảy ra tại 35 tỉnh thành phố, trong đó có 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Ngoài sởi, cả nước cũng rải rác xuất hiện các bệnh ho gà, thủy đậu, tay chân miệng. Đây đều là những bệnh đơn giản, dễ phát hiện nhưng với trẻ nhỏ rất dễ trở nặng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Để bệnh không biến chứng nặng, Ths.BS Thành Nam khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời với các bác sỹ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức để kháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu trong cơ thể lâu hơn. Ngoài ra, cần kiểm soát dấu hiệu bệnh nặng lên theo nhịp thở nhanh khi trẻ đang nằm yên, không khóc, không bú. Thông thường trẻ dưới 2 tháng, nhịp thở nhanh khi nhịp thở của trẻ trên 60 lần; 2 tháng đến 1 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 50 lần; trẻ trên 1 tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 40 lần. Trẻ sốt được điều trị nhưng không thuyên giảm, ăn uống kém, trẻ bị li bì hoặc kích thích… thì gia đình cần đưa đi cơ sở y tế.
Đối với bệnh sởi, thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng dễ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, trẻ bị viêm phổi bội nhiễm như phát hiện thở nhanh, rối loạn tinh thần, kích thích vật vã, nôn, tiêu chảy dài… Gia đình cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Trước và sau khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc cũng cần vệ sinh tay để tránh sự lây nhiễm từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ không ăn được cần chia làm nhiều bữa cho trẻ. 
“Một trong những sai lầm hay gặp khi chăm sóc bệnh sởi là cha mẹ không tắm cho trẻ hoặc theo dân gian tắm cho trẻ bằng các loại lá. Nếu các loại lá vệ sinh không tốt, trẻ dễ nhiễm khuẩn qua các nốt. Nguy hại hơn nếu cha mẹ chọc những nốt bỏng nước càng làm trẻ bị nhiễm trùng nặng” – Ths.Bs Thành Nam khuyến cáo.
Với nhóm bệnh đường hô hấp, để phòng tránh bệnh điều đầu tiên cha mẹ cần làm là tăng cường sức để kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ. Vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho trẻ và tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Cha mẹ cũng cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để tạo miễn dịch cho trẻ. Đáng lưu ý là, nhiều cháu do bị cha mẹ ủ ấm quá mức nên nóng toát mồ hôi, khiến trẻ bị nhiễm lạnh và bị ốm. Bởi vậy, cha mẹ cần giữ gìn cho trẻ cẩn thận, đặc biệt là những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,116,606       431