Sức khỏe

Bệnh Zona mọc chỗ nào nguy hiểm nhất?

Mấy ngày nay nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khốn khổ vì bị chứng bệnh zona. Thậm chí nhiều trẻ nhỏ cũng bị bệnh này.

Nguy hiểm khi bị zona ở mặt
Anh Vũ Xuân Thao trú tại Phú Xuyên, Hà Nội đưa con gái 5 tuổi bị zona thần kinh có mủ ở chân lên Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Anh Thao kể, từ trước Tết, các cháu ở quê anh nhiều người bị lắm nhưng anh và vợ chủ quan không kiêng cho con trẻ vì chưa biết đường lây của bệnh. Đến mùng 7 Tết, anh thấy chân con gái xuất hiện các nốt phỏng nhỏ và kèm theo cả dịch trắng.
Anh đưa con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị zona thần kinh và cho thuốc về bôi. Tuy nhiên, sau khi bôi xong, các vết bỏng đã xẹp nhưng để lại sẹo sâu vì cháu bị dạng mủ. Lo ngại vết sẹo ảnh hưởng tới thẩm mỹ của con nên anh và vợ đưa con xuống bệnh viện khám cho chắc.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội có tới hai người bị bệnh zona. Chị Thanh với gương mặt vẫn còn vết sẹo thâm của zona và cô con gái lớn bị zona ở lưng. Chị Thanh kể từ trong Tết chị bị zona nhưng đến nay mặt vẫn ngổn ngang sẹo ở má và cổ. Điều khiến chị Thanh khổ nhất là vết sẹo vẫn đau và làm chị cảm thấy bị ê mỏi cổ, đau lưng.
Trường hợp của chị Nguyễn Phương Thùy trú tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội cũng tương tự. Chị Thùy bị zona thần kinh ở vùng mắt. Chị vào nhập viện Nhiệt đới trung ương điều trị và hàng ngày phải sang khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai khám vì vùng bị zona nguy hiểm.
Chị Thùy kể, zona thần kinh ở vùng gần mắt khiến chị bị đau tai trong, đau đầu và mệt mỏi. Bệnh lành tính tưởng như đơn giản vậy mà khiến chị mất ăn, mất ngủ.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh) là kết quả của sự tái hoạt động của virus herpes zoster (varicella-zoster virus hoặc VZV). Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em.
Bệnh zona khác hoàn toàn với bệnh viêm da do côn trùng đốt và tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của côn trùng. Nhiều người nhầm bệnh zona với kiến ba khoang nên tự mua thuốc về điều trị dẫn đến bệnh nặng hơn.
Bệnh Zona mọc chỗ nào nguy hiểm nhất? 1
Bệnh zona thần kinh thường xuất hiện theo chiều rộng dọc theo dây thần kinh.
Dễ biến chứng nếu bị ở mặt
Triệu chứng của bệnh zona về mặt thần kinh: Rối loạn vùng da sắp nổi thương tổn. Cảm giác thường gặp nhất như bỏng, nóng rát, châm chích, tê đau, nóng rát da về đêm. Đối với người lớn tuổi có thể bị đau dữ dội từng cơn hoặc liên tục, đau dọc dây thần kinh ở nửa bên cơ thể.
Bên ngoài da xuất hiện các mảng màu hồng riêng lẻ và tụ thành mảng lớn. Trên bề mặt mảng này có những mụn nước hợp thành chùm ở trung tâm. Các mụn nước này có thể lớn thành bóng nước chứa dịch trong. Vài ngày sau mụn nước vỡ ra, khô và đóng vảy. Vị trí của da bị tổn thương rất đặc trưng ở nửa bên cơ thể và đi dọc theo đường đi của dây thần kinh.
Bệnh zona có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang những người trước đây chưa mắc bệnh thuỷ đậu. Nếu chưa bị thủy đậu thì người bị lây sẽ mắc thủy đậu thay vì mắc zona. Người đã bị thủy đậu không sợ nhiễm zona từ người khác. Nhưng đã bị zona thì có thể bị lại trong cuộc đời, thông thường khi những mụn nước đã khô không còn khả năng lây được nữa.
PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh zona hủy hoại tế bào thần kinh tủy sống và làm rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ ngoài da.
Khi zona gây tổn thương dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc ra trên mặt, trong miệng và mắt. Nếu mụn mọc gần mắt, bệnh nhân cần đi khám ở khoa mắt ngay vì nếu mắt bị nhiễm virus thì thị giác có thể bị mất. Nếu tổn thương dây thần kinh số VII sẽ đau tai trong, cảm giác trên mặt tê liệt, vị giác giảm, mắt mờ, mỏi.
Người cao tuổi bị mắc zona càng nặng hơn và các cơn đau dai dẳng ở dây thần kinh có thể kéo dài cả năm trời.
Khi bị bệnh zona cần tìm đến bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị, phòng tránh viêm nhiễm vùng da tổn thương. Nếu vùng zona bị ở lưng và phần thân người, tay chân thì không nguy hiểm nhưng bị vùng mặt, nhất là mắt, trán, mũi cần vào viện càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Kính cho rằng khi có triệu chứng của zona không nên chần chừ mà đến bệnh viện ngay vì thuốc kháng virus dùng càng sớm càng tốt. Không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,123,786       111