Sức khỏe

Bệnh do phế cầu khuẩn gây ra: rất nguy hiểm lại khó phát hiện

Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn rất nguy hiểm, khởi phát đột ngột vì vậy cần được chẩn đoán sớm nguyên nhân để có cách phòng và chữa kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao
Thời tiết mùa thay đổi đột ngột cùng với sức đề kháng của trẻ bị giảm sút là nguyên nhân khiến trẻ rất dễ mắc bệnh. Các bậc cha mẹ cần quan tâm trẻ hơn, phòng ngừa và phát hiện kịp thời để điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh phế cầu khuẩn gây ra.
Theo ThS. Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, bệnh phế cầu khuẩn có thể gây viêm mũi - họng viêm tai giữa, viêm xoang. Viêm phổi thùy thường xảy ra ở người 30-50 tuổi, viêm tiểu thùy phổi thường xảy ra ở trẻ em. Viêm phế quản - phổi, nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn tới viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm ngoại tâm mạc, hoặc gây áp xe ở nhiều tổ chức khác trong cơ thể.
Phế cầu khuẩn có trong chất tiết mũi, họng của người bệnh. Người khỏe mạnh cũng có thể có phế cầu khuẩn trong đường hô hấp trên. Bệnh này lây qua đường tiếp xúc nước bọt của người mang bệnh hoặc gián tiếp qua các vật thể bị nhiễm chất tiết đường hô hấp của bệnh nhân.
Bệnh phế cầu khuẩn là một bệnh lý nguy hiểm có số tử vong rất cao. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hằng năm có khoảng 1,6 triệu người chết trong đó gần 50% là trẻ em dưới 5 tuổi. Số trẻ em chết do nhiễm phế cầu khuẩn khoảng 11% tổng số trẻ dưới 5 tuổi chết do mọi nguyên nhân. Vi khuẩn đã kháng rất nhiều loại kháng sinh thông dụng nên việc điều trị rất tốn kém và khó khăn.
Bệnh do phế cầu khuẩn gây ra: rất nguy hiểm lại khó phát hiện 1
Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn rất nguy hiểm. Ảnh minh họa
Những dấu hiệu biết bệnh phế cầu khuẩn 
BS Huệ nhấn mạnh, phế cầu khuẩn gây ra bệnh viêm màng não rất khó phát hiện. Tuy nhiên nó cũng có một số biểu hiện là khi bị bệnh, trẻ khóc đêm thường xuyên và bỏ bú kéo dài. Với bé lớn, biểu hiện của viêm màng não có thể là đau đầu và nôn ói. Bệnh này biến chứng rất nguy hiểm  gây ra tổn thương các dây thần kinh sọ não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não... gây tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận. Di chứng sau khi viêm màng não mủ do phế cầu, nhất là trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh. Nếu phát hiện không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Với viêm đường hô hấp trên do phế cầu thường có sốt cao 39 - 41oC, có cơn rét run dữ dội, thở nhanh, mạch nhanh, ho khan, đau ngực, buồn nôn, nôn; bệnh tiến triển rầm rộ vào ngày thứ 2 - 3, bệnh nhân có các biểu hiện rất mệt, ho khạc nhiều đờm, hay gặp đờm màu gỉ sắt do chảy máu trong phế nang, thở nhanh nông, vã mồ hôi, có thể kèm herpes môi.
Đối với viêm phổi bệnh khởi phát đột ngột, các dấu hiệu thường gặp là sốt, ho ra đờm màu gỉ sắt, đau ngực, rét run, đau màng phổi, khó thở. Ở trẻ em, biểu hiện đầu tiên thường là nôn và co giật, còn ở người già thì bệnh thường khởi phát từ từ. Nhìn chung các biểu hiện ở phế quản nhiều hơn ở thùy và phân thùy phổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em và người già.
Đối với phế cầu khuẩn gây ra viêm tai giữa, loại vi khuẩn này khu trú tại vòm họng trẻ nhỏ và khi có điều kiện thuận lợi sẽ xâm lấn các khu vực như phổi, tai, não... gây ra những bệnh nguy hiểm khó trị như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Trẻ bị viêm tai giữa do phế cầu khuẩn gây ra thường có biểu hiện nhức tai, sốt, khó chịu, lãng tai, đôi khi có nôn, tiêu chảy…
 Giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cho trẻ hàng ngày và chích vaccine viêm cầu khuẩn là cách đơn giản nhất để ngừa bệnh. Đối với những trẻ có những triệu chứng như khóc, khó ngủ, nhức đầu một bên, kéo tai đau thì nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra kịp thời tránh những biến chứng do bệnh viêm tai giữa gây ra.
Cùng với việc tiêm vaccine phòng bệnh, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, giữ ấm cơ thể bé trong mùa mưa và mùa lạnh, cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu đời, giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt và giữ vệ sinh cơ thể trẻ là một những cách có thể làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,126,260       204