Sức khỏe

Dị dạng nang phổi bẩm sinh: bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với trẻ nhỏ

Thực tế nhiều trẻ bị bệnh do dị dạng nang phổi bẩm sinh đã tử vong vì không được phát hiện kịp thời.

Vì thế, cha mẹ cần có hiểu biết để có thể phát hiện bệnh và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Bệnh rất dễ nhầm lẫm
Tháng 12 năm 2014, Bệnh viện Nhi Trung tiếp nhận và điều trị  thành công cho bệnh nhân P. M.N (3 tháng tuổi, Thái Bình) được phát hiện bị dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh. Bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng khò khè, ho nhiều, ho từng cơn. Trước đó, bé đã được  điều trị bệnh viêm phế quản tại bệnh viện tỉnh nhưng không hiệu quả.
Dị dạng nang phổi bẩm sinh là bệnh lý dị dạng đường thở do sự phát triển bất thường của mầm khí phế quản trong bào thai, tạo nên những nang trong lồng ngực hoặc trong phổi, tùy kích thước của nang có thể gây khó thở ở trẻ mới sinh. Cấu trúc nang có thể dạng đặc hoặc lỏng. 
Triệu chứng khi bị dị dạng nang phổi thường giống với các bệnh lý hô hấp khác như: ho khò khè, khó thở, sốt… do đó rất dễ bị bỏ quên. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần và qua chụp X-quang phổi, chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp điện toán (CT scan). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng như áp-xe phổi (khi bội nhiễm), tràn khí màng phổi (khi nang khí vỡ), thậm chí nặng hơn nữa là tử vong.
Với trường hợp cháu N., do không được phát hiện sớm, nang khí bị vỡ gây biến chứng tràn khí màng phổi. Bệnh nhi đã được điều trị kháng sinh sau đó tiến hành phẫu thuật cắt phần phổi dị dạng. 10 ngày sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe cháu N. đã ổn định, được ra viện.

Dị dạng nang phổi bẩm sinh: bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với trẻ nhỏ 1
Ảnh minh họa
Bệnh có thể phát hiện sớm trong thời kỳ mang thai
Dị dạng nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20. Do đó trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi nói chung và bệnh nang phổi bẩm sinh nói riêng, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh. 
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, công tác tại bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: Dị dạng nang phổi bẩm sinh là một bất thường phát triển bẩm sinh của phổi xảy ra từ giai đoạn trong bào thai và khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh là do một phần của phổi thai nhi phát triển bất thường, bao gồm nhiều nang nhỏ như 1 chùm nho, chúng không có chức năng hô hấp như phổi bình thường và dễ bị nhiễm trùng tái phát.
Phần bất thường này có nguồn gốc từ tổ chức tiểu phế quản, tổn thương đa nang, thành nhiều nang nhỏ như một chùm nho, chúng không có chức năng hô hấp như phổi bình thường nên dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp sau sinh.
Theo BS Hiền., có những dị dạng phổi có thể phát hiện được trong lúc mang thai bằng siêu âm để cảnh báo trước sinh nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp suy hô hấp khi trẻ mới ra đời và có cách xử trí thích hợp. Nhiều khi trẻ mới sinh ra bị suy hô hấp, các bác sĩ nghĩ do sinh ngạt hay một nguyên nhân khác mà không nghĩ đến các dị tật bẩm sinh phổi, do đó cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân khiến trẻ tử vong.
Các bệnh phổi bẩm sinh hay gặp là: phổi biệt lập, nang phổi bẩm sinh, nang phế quản bẩm sinh, giảm sản phổi, giãn thùy phổi, dị dạng mạch máu phổi.  
Tuy tỉ lệ dị dạng nang tuyến phổi không cao nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ do thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản. 
Khi trẻ có biểu hiện viêm phế quản, viêm phổi kéo dài cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sỹ ngoại nhi kiểm tra chỉ định điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm dị tật phổi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sức khỏe và thể chất lâu dài của trẻ.
Để phát hiện bệnh kịp thời các bà mẹ mang thai trẻ bị nang phổi bẩm sinh không nên quá lo lắng mà nên theo dõi và quản lý thai kì chặt chẽ tại bệnh viện. Ngoài ra, các sản phụ này nên sinh bé tại những bệnh viện chuyên sản có khả năng hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh hoặc liên hệ trước với các bệnh viện nhi để đề phòng trường hợp suy hô hấp sớm ở trẻ. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,127,235       295