Sức khỏe

Nhận diện chứng cuồng loạn hysteria

Đang đi tuần tra, hai dân quân tự vệ của P.9, Q.Tân Bình (TP.HCM) thấy một cô gái nằm bất tỉnh ở lề đường nên đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương. Bệnh nhân được chẩn đoán là mắc chứng cuồng loạn.

Bệnh nhân nhắm nghiền mắt, thở hổn hển, nằm ưỡn người như bị phong đòn gánh.
Dù bị các bác sĩ dùng nghiệm pháp kích thích đau nhưng người bệnh không hề đáp ứng, nằm im như bị hôn mê sâu.
Lên cơn cuồng loạn
Sau khi liên lạc được với người thân, các bác sĩ mới biết bệnh nhân tên K.C. (23 tuổi) đã nhiều lần có biểu hiện bệnh tương tự.
Những lần trước, do bệnh nhân ở nhà nên được đưa thẳng vào bệnh viện, nằm theo dõi và truyền dịch một thoáng là hồi phục, bác sĩ cho biết là do tụt canxi máu.
Lần này cô C. đi chơi cùng bạn trai, giữa hai người có sự tranh cãi dữ dội nên bạn trai bỏ đi. Một vài phút sau đó cô C. lên cơn hysteria (cuồng loạn), nằm bất động ở vệ đường.
Hysteria hay chứng cuồng loạn là một dạng rối loạn tâm thần và thần kinh. Bệnh phát sinh từ sự lo lắng quá mức, biểu hiện bằng sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Hysteria thường là kết quả từ cuộc xung đột nội tâm bị dồn nén...
Bệnh có thể xuất hiện ở cả hai giới, với tần suất cứ 1.000 người thì có khoảng 3-5 người mắc. Bệnh phổ biến hơn ở các cô gái độ tuổi 14-25 vì sự nhạy cảm tự nhiên của họ.
Nhận diện chứng cuồng loạn hysteria 1
Bệnh nhân bị chứng cuồng loạn nằm điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương - Ảnh: N.T.H.
Triệu chứng biểu hiện của hysteria rất đa dạng
Thường là một phụ nữ trẻ đang sinh hoạt và làm việc bình thường, đột nhiên lên cơn co giật và co cứng sau một chấn thương tâm lý. Mặc dù tri giác vẫn còn tỉnh táo nhưng người bệnh thích la hét, giãy dụa... vì muốn được người khác chú ý.
Bệnh có thể biểu hiện rất đa dạng bằng các cơn rối loạn về cảm xúc, vận động, cảm giác... Cơn rối loạn cảm xúc là người bệnh có cảm xúc lẫn lộn, kêu khóc, gào thét không rõ lý do, nói năng không ăn nhập với chủ đề xung quanh.
Trong một số trường hợp bệnh nhân có ảo giác, rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra).
Vì thế khi một người nào đó lên cơn co giật la hét hoặc bị ngất... sẽ dễ gây ra phản ứng dây chuyền, làm hàng chục thậm chí hàng trăm người khác lên cơn tương tự, nhất là nữ công nhân hoặc nữ sinh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng, rối loạn cảm giác, mất hoặc tăng cảm giác. Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim...
Các triệu chứng của hysteria có thể chia làm hai mức độ:
Mức độ 1. Bệnh nhân cảm thấy nặng nề ở tay chân, chuột rút, co thắt bụng, thở hổn hển, co thắt ngực, hồi hộp, cảm giác có dị vật kẹt trong cổ họng, cổ phình to ra và các mạch máu ở cổ căng lên, nghẹt thở, nhức đầu, hàm răng nghiến chặt.
Thường người bệnh vẫn còn tỉnh táo trong cơn hysteria bộc phát. Các cơn co giật thường nhẹ và xảy ra thường xuyên hơn làm cho bệnh nhân có tư thế uốn cong như bị phong đòn gánh.
Mức độ 2. Bệnh nhân có thể la hét dữ dội, mất ý thức không hoàn toàn, cổ phồng căng quá mức, tim đập loạn xạ, co các cơ vận động không tự ý, co giật toàn thân, nhổ nước bọt liên tục. Cơn tấn công có thể kéo dài vài giờ. Ý thức thường hồi phục ngay sau khi hết các cơn co giật.
Nguyên nhân và điều trị
Nguyên nhân thường là do bị chấn thương tâm lý, tức giận, bi quan, lo sợ quá mức, nghi ngờ mình bị mắc bệnh hiểm nghèo...
Để điều trị bệnh này, đầu tiên bác sĩ cần loại bỏ các bệnh thể có biểu hiện tương tự hysteria như động kinh, tụt canxi máu, hạ đường huyết...
Việc điều trị bệnh hysteria chủ yếu là liệu pháp tâm lý, người thân nên quan tâm chăm sóc người bệnh một cách nhẹ nhàng, cơn bệnh sẽ qua đi trong thời gian ngắn.
Trong một số trường hợp khó khăn hơn cần sử dụng ngay các thuốc nhóm an thần, sau đó dùng thêm thuốc chống trầm cảm liều thấp. Truyền dịch có pha canxi hoặc kali có tác dụng hỗ trợ để cắt các cơn co giật, tê...
Một chế độ ăn uống phù hợp không những có tác dụng giúp cắt cơn mà còn ngừa tái phát bệnh hysteria.
Phòng ngừa
Hầu hết bệnh nhân hysteria đều hồi phục hoàn toàn và một chế độ ăn uống nhiều sữa sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, bởi vì sữa giúp nuôi dưỡng các dây thần kinh tốt hơn. Nếu chế độ ăn uống toàn là sữa khó thực hiện thì có thể phối hợp giữa sữa và trái cây cũng tốt.
Về lâu dài, người bệnh hysteria nên có chế độ ăn uống cân bằng các loại hạt và ngũ cốc, cố gắng ăn nhiều rau và trái cây.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh uống rượu, trà, cà phê, thuốc lá; tránh ăn đường trắng, bột mì trắng và các sản phẩm làm từ chúng.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,127,214       251