Sức khỏe

Đề phòng nguy cơ dịch sởi cận kề trong dịp Tết

Để đề phòng dịch sởi bùng phát, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác tuyên tuyền để người dân chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch.

Vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và bảo đảm các hoạt động y tế Tết Ất Mùi 2015. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quan ngại nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
123 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi
Trong tháng 1-2015, cả nước có 13 tỉnh, thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP HCM, Đắk Lắk) có bệnh nhân nghi sởi với 133 trường hợp được thống kê, trong đó 28 trường hợp mắc sởi. BV Nhi Trung ương tập trung đông nhất với 21 ca bệnh, hầu hết là trẻ dưới 2 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm nhiều nhất với 13 trường hợp. Nhưng tính thời điểm đến nay đã có 25 tỉnh, thành ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó có 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. 
Đặc biệt lưu ý phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh,
Các chuyên gia sức khỏe dự báo có thể số trường hợp mắc sởi tiếp tục ghi nhận trong thời gian tới, có thể xảy ra một số ổ dịch nhỏ do nguyên nhân từ điều kiện thời tiết mùa xuân mưa ẩm thấp và bên cạnh đó nhiều gia đình không đưa con đi tiêm vắc xin do không nắm được lịch tiêm chủng, thiếu quan tâm tới sức khoẻ của con, hoặc do tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng. Tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ không cho trẻ đi tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Để hạn chế bệnh nhân mắc sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác tuyên tuyền để người dân chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch, tránh tình trạng nhiều trẻ không được tiêm phòng sởi trong dịch sởi đầu năm 2014. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện quyết liệt công tác tiêm chủng chiến dịch và tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và vùng có xuất hiện các ca bệnh, kiên quyết không để trẻ không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng không đầy đủ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi; trẻ hoãn tiêm phải được tiêm vét ngay trong tháng.
Đề phòng nguy cơ dịch sởi cận kề trong dịp Tết 1
Ảnh minh họa
 Cha mẹ nên chủ động tiêm phòng chống bệnh sởi
Trước nguy cơ dịch sởi đang có diễn biến tăng lên, để tăng cường kiểm soát bệnh dịch, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm sởi tại các bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các biện pháp đề phòng dịch.
Các bệnh viện phải tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ/mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần thiết theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được ban hành.
Trong khi đó tại Mỹ và Canada dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng, theo thông tin từ Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 06 tháng 02 năm 2015, đã ghi nhận 121 trường hợp mắc Sởi được báo cáo tại17 bang và Washington D.C của Mỹ: Arizona, California, Colorado, Delaware, Illinois, Minnesota, Michigan, Nebraska, Nevada, New Jersey, New York, Oregon, Pennsylvania, South Dakota, Texas, Utah, Washington.
Cơ quan y tế công cộng Canada thông báo 04 trường hợp đã xác định Sởi tại Ontario và 08 trường hợp có thể tại Quebec.
Phòng bệnh hữu hiệu nhất để hạn chế bệnh sởi chính là ý thức từ cha mẹ khi đưa con đi tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế  khuyến cáo:
Chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa  tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đưa trẻ từ 1-14 tuổi đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi–rubella đầy đủ và đúng lịch trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trên toàn quốc.
 Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,134,463       490