Sức khỏe

Lựa chọn và sử dụng tã giấy người lớn đúng cách

Tã giấy là công cụ hữu hiệu giúp hỗ trợ việc chăm sóc vệ sinh cho người lớn tuổi khi gặp khó khăn về kiểm soát bài tiết hoặc đi lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lựa chọn và sử dụng đúng tã giấy cho người thân của mình.

Lựa chọn và sử dụng tã giấy người lớn đúng cách 1
Lỗi thường mắc: Người chăm sóc nhấc toàn bộ thân dưới của người bệnh lên để mặc và thay tã dán

Việc nhấc toàn bộ thân dưới của người bệnh khi thay tã có thể gây tổn thương tới cơ thể của người bệnh, hơn nữa thao tác như vậy khiến việc chăm sóc trở nên rất vất vả.

Lời khuyên: Tư thế tốt nhất là xoay trở người bệnh nằm nghiêng sang một bên khi thay tã, giúp người bệnh được chăm sóc nhẹ nhàng, và người chăm sóc không mất quá nhiều sức.

Lựa chọn và sử dụng tã giấy người lớn đúng cách 2
Cách mặc tã dán

Lỗi thường mắc: Sử dụng tã quần cho bệnh nhân nằm lâu

Mỗi loại tã đều được thiết kế để phù hợp với khả năng đi lại của người bệnh. Người chăm sóc cần chú ý chọn đúng loại tã giấy để đạt hiệu quả tối ưu.

Lời khuyên: Đối với những bệnh nhân hạn chế khả năng đi lại, tã dán sẽ phù hợp hơn vì loại tã này được thiết kế riêng giúp dễ thay trong tư thế nằm. Người chăm sóc có thể dễ dàng xoay nghiêng người bệnh để mặc tã, dễ dàng tùy chỉnh cho vừa vặn với vòng hông của người bệnh với khóa dính. Bên cạnh đó, tã dán cũng có thiết kế chuyên biệt giúp chống trào hiệu quả trong tư thế nằm.

Lỗi thường mắc: Sử dụng tã dán cho người bệnh có thể đi lại

Người bệnh có thể đi lại cần tích cực luyện tập tự chăm sóc bản thân và tập vận động để duy trì khả năng đi lại. Nhưng do tã dán không có thun hông không nên dễ bị trượt xuống, khiến việc đi lại trở nên bất tiện. Hơn nữa, thao tác mặc tã dán cũng phức tạp hơn, nên người dùng sẽ thấy khó khăn trong việc tự mặc tã và phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Những bất tiện đó có thể làm giảm động lực tập đi cho người bệnh.

Lời khuyên: Nên sử dụng tã quần cho những người có thể đi lại. Do tã quần được thiết kế như quần lót, dễ kéo lên xuống nhờ thun hông, nên người dùng có thể tự mình kéo tã lên xuống khi đi vệ sinh và giảm lệ thuộc vào người thân. Hơn nữa, việc đi lại cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn vì miếng tã không bị trượt xuống khi đi lại.

Lỗi thường mắc: Người nhà không khuyến khích người dùng đi lại vì sợ ngã, nên thường để người dùng vệ sinh tại chỗ trên tã giấy

Việc vệ sinh tại chỗ vô hình chung khiến người dùng hạn chế tập luyện, và lệ thuộc vào người khác. Việc mất tự chủ và trở nên phụ thuộc có thể dẫn tới những cảm giác tự ti và buồn nản.

Lời khuyên: Chỉ nên để tã quần trở thành công cụ hỗ trợ những lúc bệnh nhân không kịp đi vào nhà vệ sinh, không nên để người bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào tã giấy. Người bệnh nên được khuyến khích tự đi vệ sinh trong toilet nếu họ có thể đi lại hoặc đang trong giai đoạn hồi phục.

Việc đi vệ sinh trong toilet thay vì vệ sinh tại giường giúp người bệnh có cảm giác tự chủ hơn, như đang sống một cuộc sống bình thường của người khỏe mạnh. Hơn nữa, việc đi lại và tự mình mặc tã trong nhà vệ sinh giống như những bài tập nhỏ giúp người bệnh từng bước hồi phục và dần làm chủ cuộc sống trở lại. Với người vẫn cần sự trợ giúp, ban đầu nếu cần thì có thể cần người nhà đi theo để sẵn sàng hỗ trợ, nhưng hãy khuyến khích người cao tuổi cố gắng dần tự thao tác.

Lỗi thường mắc: Mặc tã quần trong tư thế nằm

Do tã quần được thiết kế dành cho người có thể đứng và đi lại, việc mặc tã quần trong tư thế nằm sẽ khiến người dùng trở nên thụ động. Hơn nữa mặc tã quần trong tư thế nằm cũng khiến người chăm sóc vất vả hơn.

Lời khuyên: Nên để người dùng bắt đầu với tư thế ngồi để đảm bảo an toàn, tránh làm người bệnh mất thăng bằng, sau đó đưa hai chân vào tã, rồi nhẹ nhàng kéo tã qua chân lên ngang đùi. Nếu người bệnh có thể tự đứng và tự mặc tã, thì bước tiếp theo nên để người bệnh đứng dậy và tự kéo miếng tã lên hông. Với những người cần trợ giúp, người chăm sóc nên để họ vịn tay vào vai, đỡ họ đứng dậy, sau đó kéo tiếp miếng tã lên hông rồi điều chỉnh cho vừa vặn.

Lựa chọn và sử dụng tã giấy người lớn đúng cách 3
Cách mặc tã quần

Lỗi thường mắc: Thời gian sử dụng một miếng tã quá dài

Có rất nhiều gia đình thường thay một miếng tã sau 7-8 tiếng sử dụng. Việc sử dụng một miếng tã trong thời gian quá dài rất mất vệ sinh và dễ gây viêm nhiễm cho người bệnh.

Lời khuyên: Tốt nhất nên thay tã ngay sau khi người dùng tiêu bẩn, hoặc thay tã sau 3-4 tiếng. Người nhà cũng có thể sử dụng miếng lót bổ sung giúp dễ thay thường xuyên để giữ vệ sinh cho người bệnh mà không lo tốn kém. Miếng lót bổ sung giống như lõi bông của miếng tã, được đặt lên trên miếng tã dán hoặc tã quần để dùng kèm. Để bắt đầu sử dụng, đặt một miếng lót bổ sung mới lên trên một miếng tã dán hoặc tã quần mới. Khi người dùng tiêu bẩn trên miếng lót, chỉ việc bóc miếng lót ra và thay bằng một miếng lót mới để sử dụng.

aFamily

      © 2021 FAP
        1,045,963       278