Sức khỏe

Đề phòng dịch sởi, ho gà bùng phát trong Tết Nguyên đán

Ngày 5-2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch sởi, an toàn thực phẩm và đảm bảo y tế trong Tết Ất Mùi 2015.

Dịch sởi có nguy cơ quay lại
Báo cáo về tình hình dịch bệnh trong tháng đầu năm mới 2015, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu dự báo nguy cơ dịch sởi bùng phát trở lại, một số dịch bệnh lây qua đường hô hấp như ho gà, cúm sẽ gia tăng trong dịp Tết Ất Mùi và sau đó.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận hơn 5.600 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Báo cáo giám sát từ các tỉnh, thành phố cho thấy, trong tháng 1-2015, ngành y tế ghi nhận 133 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 28 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại 13 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk).
Trong tháng 1/2015, Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận 21 trường hợp mắc sởi, bệnh nhân là người thuộc 10 tỉnh, thành phố, trong đó có 33,3% tại Hà Nội. Theo diễn biến của bệnh trong năm 2014, số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi trong tháng 1 năm ngoái ở mức thấp nhưng đến tháng 5-2014, con số này đã lên tới hơn 10 nghìn trường hợp. Do đó, nếu không có các biện pháp dự phòng kịp thời thì nguy cơ dịch sởi quay trở lại là rất lớn. 
Mặt khác, trong tháng 1-2015, ngành y tế đã ghi nhận 16 trường hợp mắc ho gà ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Dù chưa có trường hợp tử vong, nhưng tình hình bệnh sởi và ho gà đang có diễn biến phức tạp. Cụ thể, phát hiện nhiều trẻ mắc sởi, ho gà trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, tức dưới 9 tháng tuổi đối với bệnh sởi và dưới 2 tháng tuổi với bệnh ho gà. 
Để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi và ho gà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị KimTiến yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát lại danh sách trẻ tiêm chủng sởi, ho gà và thực hiện triển khai nhanh chương trình tiêm chủng mở rộng gấp trước Tết nguyên đán. Đối với 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có các cơ sở tiêm chủng vắc xin dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở này cần đăng ký trước để đảm bảo đủ vắc xin ngừa 2 bệnh trên. Bộ trưởng cũng yêu cầu rõ, đối với các cơ sở dịch vụ không đăng ký mua vắc xin thì cần dừng lại việc tiêm phòng để người dân đưa con em đi tiêm chủng vắc xin mở rộng, miễn phí theo chương trình của bộ. 
Đề phòng dịch sởi, ho gà bùng phát trong Tết Nguyên đán 1
Tiêm vắc xin đầy đủ là cách tốt nhất để phòng bệnh cho con. Ảnh minh họa
Khuyến cáo phòng bệnh
Để phòng ngừa bệnh ho gà, bệnh sởi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:
Đối với bệnh ho gà
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch. 
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem
 Mũi thứ 1: Khi trẻ 2 tháng tuổ
 Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 thán
 Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng 
 Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Đối với bệnh sởi
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc xin sởi  - rubella đầy đủ và đúng lịch.
2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. 
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,135,370       253