Sức khỏe

Lãnh cảm ở phụ nữ và những điều chị em cần biết để tránh

Không có ham muốn, sợ quan hệ tình dục... là những biểu hiện ban đầu của bệnh lãnh cảm tình dục ở phụ nữ. Để điều trị bệnh này, sự giúp đỡ nhiệt tình của người chồng là rất quan trọng.

Nguyên nhân từ đâu

Lãnh cảm trong quan hệ tình dục là hội chứng suy giảm khả năng tình dục ở nữ giới khiến họ không còn ham muốn tình dục, lạnh nhạt và thậm chí sợ hãi khi phải "quan hệ", cho dù là "quan hệ" với người mình yêu thương. Tình trạng này thường gặp phổ biến ở những phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều phụ nữ trẻ tuổi đang rơi vào nguy cơ này.

Theo ThS.Bs Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lãnh cảm tình dục nhưng chủ yếu nhất vẫn là thường gặp ở phụ nữ có khiếm khuyết ở cơ quan sinh dục như: âm đạo hẹp hay quá ngắn, do âm vật bé hay người có màng trinh dày. Nguyên nhân dẫn đến lãnh cảm tình dục còn có thể do tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ như estrogen ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Ngoài ra, các bệnh phụ khoa, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, cao huyết áp hay những chấn thương trong đời sống tình dục và tinh thần... cũng có thể gây nên tình trạng này.

Bởi vậy, nếu bị mắc các bệnh về phụ khoa, chị em cần đi kiểm tra, vì nếu âm đạo có gì bất thường sẽ dẫn đến những ảnh không nhỏ đối với chất lượng sinh hoạt tình dục. Ví dụ như, các bệnh như âm đạo khô không tiết dịch, viêm âm đạo, viêm phần phụ hoặc viêm vùng chậu đều khiến phụ nữ đau đớn, khó chịu. Điều này tự nhiên khiến họ né tránh sinh hoạt tình dục và lâu dần dẫn đến lãnh cảm. Vì vậy nếu muốn lấy lại cuộc sống tình dục khỏe mạnh bình thường, trước tiên phụ nữ cần chữa khỏi bệnh phụ khoa cho mình.

Hay là suy giảm nội tiết sinh dục nữ - nội tiết của buồng trứng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự lãnh cảm tình dục ở nữ giới. Khi buồng trứng hoạt động nội tiết kém thì sự kích thích về ham muốn tình dục cũng bị giảm đi theo. Bên cạnh đó các tuyến nhờn ở đường sinh dục cũng chế tiết kém khiến bộ phận sinh dục nữ bị khô và khi "quan hệ" có thể gặp khó khăn, kèm theo cảm giác đau rát, mất hứng thú... Nếu nguyên nhân là do hoạt động của buồng trứng suy giảm thì sẽ có những biểu hiện rối loạn về kinh nguyệt kèm theo như hành kinh ít huyết, kinh thưa, mất kinh, chất dịch nhờn bị chế tiết kém hoặc không chế tiết...

Bs Huệ chia sẻ cũng có nhiều trường bị lãnh cảm tình dục do đã từng bị quấy rối tình dục nghiêm trọng hoặc bị bạo hành tình dục gây ra. Trong các trường hợp này, người bệnh chủ yếu bị ảnh hưởng trầm trọng về mặt tâm lý. Gánh nặng tâm lý không thể nói ra lâu ngày sẽ thành chứng bệnh lãnh cảm. Từ đó nạn nhân thường né tránh chồng, né tránh sinh hoạt tình dục.

Lãnh cảm ở phụ nữ và những điều chị em cần biết để tránh 1
Không có ham muốn, sợ quan hệ tình dục... là những biểu hiện ban đầu của bệnh lãnh cảm tình dục ở phụ nữ. Ảnh minh họa

Cách khắc phục chứng lãnh cảm ở người phụ nữ

Biểu hiện rõ rệt nhất của người phụ nữ khi rơi vào tình trạng lãnh cảm tình dục là không có ham muốn "quan hệ", không đạt được cực khoái trong "quan hệ". Theo BS Huệ khi người vợ có sự lãnh cảm trong đời sống tình dục, người chồng cần tâm sự nhẹ nhàng với vợ về những cảm xúc của mình, luôn sát cánh cùng vợ để điều trị, giữ thái độ và tinh thần lạc quan, không nên trách móc, nghi kị hay ghen tuông vợ, tránh tạo áp lực trong chuyện chăn gối... Nhiều người vợ rất buồn vì chồng chỉ coi sinh hoạt tình dục là chuyện đáp ứng nhu cầu bản thân nên cảm thấy mình bị lợi dụng, từ đó dẫn tới tâm lý muốn xa lánh, thậm chí sợ sệt khi phải "quan hệ" với chồng. Kết quả là tình trạng lãnh cảm càng trầm trọng hơn.

Để phòng bệnh lãnh cảm tình dục nữ giới  vợ chồng phải có lối sống tình dục lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên khám phụ khoa để tránh mắc và lây truyền các bệnh phụ khoa đáng tiếc. Người vợ cần có một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, bổ sung nội tiết tố nữ đầy đủ. Phụ nữ khi bị lãnh cảm tình dục cần được người chồng động viên, chia sẻ, nâng đỡ, ôm ấp…  để vượt qua giai đoạn này.

Khi biểu hiện lãnh cảm tình dục nặng cần đến khám tại cơ sở chuyên khoa để được tư vấn tâm lý và điều trị, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,137,469       333