Sức khỏe

Cảnh giác với bệnh sởi xuất hiện trong mùa đông-xuân

Mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi-rút sởi phát triển mạnh. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sởi cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí tử vong.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây nên, phổ biến ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân và lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp.
Ðến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể phát triển thành dịch. Bệnh có tốc độ lây nhiễm cao, nhất là trong điều kiện sống khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi; chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có phản ứng sau tiêm vắc-xin.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, người bệnh dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Ðối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.
Người mắc bệnh có thể tử vong do sởi hoặc các biến chứng của sởi, đặc biệt là với những người bị mắc thêm các bệnh khác hoặc bị đồng nhiễm cùng lúc nhiều loại vi rút, vi khuẩn.
Cảnh giác với bệnh sởi xuất hiện trong mùa đông-xuân 1
Ảnh minh họa
Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng cách tiêm vắc-xin sởi. 
Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm các vắc-xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc-xin sởi, điều đó làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ. Vắc-xin sởi được đánh giá là an toàn, các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ một, hai ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.
Mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi-rút sởi phát triển mạnh và gây bệnh. Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng
Cách phòng bệnh sởi và chăm sóc người bị bệnh
Nếu không may trẻ bị bệnh sởi, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Trẻ bị sởi cần phải được bù nước bằng cách uống nhiều nước, tuy nhiên, không nên cho trẻ uống các loại nước kích thích, có ga.
Đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ là một trong những việc hết sức cần thiết phải làm để đề phòng bệnh sởi. Trẻ cần được nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối 0,9% và thường xuyên rửa mặt, vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày. Nếu thời tiết lạnh, nên dùng nước ấm để tránh trường hợp trẻ bị cảm lạnh, sức đề kháng giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý một điều là cần rửa tay và tắm cho trẻ với các dung dịch diệt khuẩn như xà phòng diệt khuẩn, nước rửa tay diệt khuẩn, sữa tắm diệt khuẩn… để tránh vi trùng “trú ngụ” xâm nhập vào cơ thể trẻ để gây bệnh. 
Cảnh giác với bệnh sởi xuất hiện trong mùa đông-xuân 2
Ảnh minh họa
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây để bảo vệ trẻ tránh bị sởi:
Không đưa trẻ đến nơi đông người nếu không cần thiết, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
Nhà cửa cần dọn dẹp thông thoáng và khi đi ra ngoài về cần rửa tay bằng xà phòng và thay áo quần sạch trước khi chăm sóc trẻ.
Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.
Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
Cho trẻ tiêm ngừa phòng sởi đầy đủ. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. 
aFamily

      © 2021 FAP
        1,140,153       530